Cách huy động sức dân ở Bắc Bình

Đến xã Hồng Phong hôm nay, điều nhận thấy rõ quang cảnh của xã khang trang, sạch đẹp, dù nắng khu Lê vẫn chói chang. Có những tuyến đường bê tông thẳng tắp, có ánh sáng an ninh, có trồng hoa ven đường.

Các công trình như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… đã đạt tiêu chí quốc gia, đáp ứng kịp thời việc chăm sóc sức khỏe, vui chơi, học tập của nhân dân. Đặc biệt, hiện trên địa bàn xã xuất hiện nhiều căn nhà có kiến trúc đẹp và tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của xã đạt 45,94 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng nông thôn mới ở xã Hải Ninh

Theo Mặt trận xã Hồng Phong, có được kết quả trên là nhờ người dân đã làm chủ. Trước hết, họ đã chủ động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả nên tăng thu nhập. Tiếp đó, họ có điều kiện để chủ động trong chung sức đóng góp thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, khi chính quyền tuyên truyền vận động thực hiện những công trình cụ thể. Không chỉ thế, người dân tham gia làm vệ sinh môi trường xung quanh khu dân cư và xây dựng các tuyến đường sạch - đẹp. Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cán bộ và nhân dân, xã Hồng Phong hoàn thành 19/19 tiêu chí đề ra, về đích nông thôn mới đúng lộ trình trong năm 2022.

Giao thông ở xã nông thôn mới Hồng Phong, ảnh: N.Lân

Không chỉ ở xã Hồng Phong, ông Vũ Chung Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Bình cho biết, ở các xã, thị trấn khác trong huyện cũng thế. Với đặc thù là huyện có nhiều dân tộc anh em sinh sống nên để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Ủy ban MTTQ các cấp và đoàn thể - chính trị xã hội huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động gắn chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh. Đặc biệt, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Một trong những nội dung của cuộc vận động được quan tâm đẩy mạnh là giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất thông qua nhiều hình thức. Trong đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã đem lại hiệu quả cao như giúp nhau kỹ thuật trồng cây ăn trái tại xã Sông Bình; trồng mãng cầu tại xã Sông Bình, Sông Lũy, Phan Điền, Bình Tân; trồng bưởi da xanh tại xã Phan Sơn, Phan Lâm... Cùng với đó, tiếp tục phát huy các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết được lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

Khi có thu nhập, việc phát huy sức mạnh nội lực trong dân thuận lợi hơn. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, góp kinh phí, góp sức xây dựng các công trình công cộng... Đặc biệt, những công trình triển khai thực hiện đều có sự giám sát của nhân dân nên đã tạo niềm tin. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở cấp xã. Đến nay, toàn huyện Bắc Bình có 10/16 xã đạt NTM, trong đó có 3 xã thuần đồng bào dân tộc Chăm gồm: Phan Thanh, Phan Hòa, Phan Hiệp. “Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống - xã hội của người dân, diện mạo nông thôn được thay đổi rõ nét, hệ thống chính trị vững mạnh, hơn hết là tinh thần đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện được thắt chặt tạo nên sức mạnh toàn dân”, ông Đức cho biết thêm.

Năm 2022, nhân dân đã giám sát sửa chữa và xây mới 37 công trình, nhà văn hóa thôn, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng... với tổng giá trị trên 12.646 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp 1.450 triệu đồng.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/cach-huy-dong-suc-dan-o-bac-binh-106868.html