Cách khắc phục làn da bị cháy nắng dưới trời nắng nóng

Những chuyến du lịch, dã ngoại hay hoạt động ngoài trời trong ngày nắng nóng gay gắt dễ làm làn da của bạn bị cháy nắng. Dưới đây là một số giải pháp giúp bạn khắc phục tình trạng này.

Tại sao da bị cháy nắng?

Theo các chuyên gia da liễu, tia cực tím từ ánh nắng mặt trời tác động lên da, làm hư hại các sợi collagen và elastin tồn tại ở lớp trung bì và hạ bì khiến da bị cháy nắng, xỉn màu, nhất là trong trường hợp phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím trong khoảng thời gian dài.

Trong ánh nắng mặt trời còn có tia UVA có thể làm hỏng kết cấu tế bào da, gây lão hóa sớm, u hắc tố (một loại ung thư da nguy hiểm có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao).

Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, da của bạn sẽ phải chịu tác động mạnh của 2 loại tia cực tím UVA/UVB khiến da bị cháy nắng, xỉn màu. Ảnh: bswhealth

Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, da của bạn sẽ phải chịu tác động mạnh của 2 loại tia cực tím UVA/UVB khiến da bị cháy nắng, xỉn màu. Ảnh: bswhealth

Dấu hiệu da bị cháy nắng

Khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, da của bạn sẽ phải chịu tác động mạnh của 2 loại tia cực tím UVA/UVB với các dấu hiệu sau:

Đỏ da: Khi da phơi nhiễm trực tiếp với tia cực tím quá lâu khiến cho các mao mạch bị vỡ, giãn, gây đỏ rát khó chịu.

Da không đều màu: Tia UVA tác động lên da khiến da sản sinh ra các hắc sắc tố Melanin làm da bị sạm màu. Bên cạnh đó, bạn sẽ thấy xuất hiện nám, tàn nhang, đốm nâu trên da.

Nhiều nếp nhăn: Khi các sợi collagen và elastin bị phá vỡ bởi tia cực tím, quá trình lão hóa da sẽ xảy ra nhanh hơn khiến da xuất hiện nhiều nếp nhăn.

Da khô sạm: Làn da bị mất nước nghiêm trọng, dễ bị bong tróc và chảy máu.

Khắc phục tình trạng da bị cháy nắng

Để khắc phục tình trạng da bị cháy nắng, bạn nên thực hiện theo những khuyến cáo sau:

Thứ nhất: Ngay lập tức làm dịu vùng da cháy nắng

Khi da bị cháy nắng, bỏng rát bạn nên nhanh chóng dùng đá lạnh, nước chè xanh hoặc giấm trắng thoa lên vùng da đó. Điều này sẽ giúp giảm những tổn thương cho da, tránh tình trạng da bị sạm đen sau đó. Do vậy cần thực hiện thao tác này càng sớm càng tốt.

Lưu ý, không dùng đá, khăn lạnh chườm trực tiếp quá lâu lên vùng da bị cháy nắng bởi rất có thể sẽ làm cho tình trạng cháy nắng trở nên nghiêm trọng hơn.

Thứ hai: Sử dụng mặt nạ chữa cháy nắng cho da

Bạn có thể sử dụng các loại mặt nạ khôi phục làn da bằng các nguyên liệu từ tự nhiên để lấy lại làn da trắng sáng như ban đầu. Chẳng hạn như dùng mặt nạ sữa chua: Dùng sữa chua không đường thoa trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng, massage nhẹ nhàng trong khoảng 5-10 phút rồi rửa sạch lại với nước mát.

Sử dụng gel nha đam: Nha đam gọt bỏ vỏ, trích lấy phần gel bên trong và thoa trực tiếp lên vùng da cháy nắng. Để khoảng 5 phút và rửa lại bằng nước sạch.

Mặt nạ dưa leo: Chọn quả dưa leo còn tươi, mọng nước, cắt thành từng lát mỏng, đắp lên vùng da bị cháy nắng.

Để bảo vệ da tránh tác hại của tia cực tím trong những ngày trời nắng nóng, nên sử dụng các sản phẩm chống nắng dạng kem, xịt... Ảnh: Getty

Để bảo vệ da tránh tác hại của tia cực tím trong những ngày trời nắng nóng, nên sử dụng các sản phẩm chống nắng dạng kem, xịt... Ảnh: Getty

Bảo vệ da trong những ngày trời nắng nóng

Để bảo vệ da tránh tác hại của tia cực tím trong những ngày trời nắng nóng, bạn không nên ra đường vào lúc nắng gay gắt nhất, khoảng từ 10 giờ đến 16 giờ hàng ngày.

Đồng thời, nên dùng quần áo dài để che cho các vùng da trên cơ thể càng nhiều càng tốt và dùng mũ/nón che phủ đầu mặt.

Bên cạnh đó, nên sử dụng các sản phẩm chống nắng dạng kem, xịt để bảo vệ các vùng cơ thể không được quần áo che phủ như mặt, môi, cánh tay, bàn tay; dùng kính mát có khả năng chặn tia cực tím.

Khi đi tắm biển, hồ bơi vào giờ nắng gắt, nên dùng kem chống nắng và kính mát do tia cực tím vẫn có thể xuyên thấu qua nước.

Trường hợp phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài hay môi trường có nhiệt độ cao nên di chuyển đến nơi có không khí mát mẻ 1 lần/giờ, nghỉ ngơi khoảng 15 phút, sau đó trở lại công việc.

Chủ động và thường xuyên uống nước, nhất là các loại nước có muối khoáng để cung cấp đủ nước và chất điện giải cho cơ thể.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày 13-14/7, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 45-50%. Khu vực từ Đà Nẵng đến Phú Yên có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%

Ngày 13/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C; khu vực đồng bằng và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ C, có nơi trên 38 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%. Ngày 14/7, khu vực Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 55-60%.

Trung tâm này cảnh báo, từ ngày 15/7 nắng nóng kết thúc ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và có khả năng giảm dần ở khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên.

Minh Châu

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-khac-phuc-lan-da-bi-chay-nang-duoi-troi-nang-nong-179230712161052492.htm