Cách làm hay của huyện biên giới Tây Giang trong sắp xếp, bố trí dân cư
Huyện Tây Giang (Quảng Nam) được tái lập năm 2003, có 67km đường biên giới với nước bạn Lào; hơn 95% dân số của huyện là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Là địa bàn miền núi, địa hình núi cao có độ dốc lớn nên việc tìm mặt bằng để sắp xếp dân cư tại Tây Giang gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, xác định công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, được nhân dân đồng tình hưởng ứng không những có hiệu quả về kinh tế - xã hội, phòng, chống nguy cơ biến đổi khí hậu, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn có ý nghĩa chính trị sâu sắc, góp phần củng cố, giữ vững an ninh biên giới quốc gia, huyện Tây Giang đã tranh thủ các nguồn lực để triển khai quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với sản xuất nông - lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, việc sắp xếp dân cư tập trung gắn với sản xuất nông, lâm nghiệp là một trong những thành tố quan trọng, là tiền đề để khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là giá trị văn hóa làng, tạo ổn định định cư, định canh. “Với phương châm “Việc gì nơi khác đã làm mà hợp Tây Giang thì học tập làm tốt hơn. Việc gì nơi khác chưa làm mà Tây Giang có thì quyết làm và làm cho được”, “An cư mới lạc nghiệp, nơi nào có ruộng nơi đó có dân cư, không bỏ trống biên giới”, huyện Tây Giang đã xác định công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư là một nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”, ông Mia nhấn mạnh.
Tiêu chí để chọn mặt bằng triển khai san ủi được huyện Tây Giang thực hiện theo 5 bước, đảm bảo các yếu tố về phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào địa phương. Trong đó, bước thứ nhất là vị trí được chọn nơi lập làng mới phải đảm bảo an toàn, do nhân dân chọn thông qua việc tổ chức họp xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn; chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt. Thứ hai, nơi đặt làng mới phải phù hợp với văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, nhất khu vực biên giới, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng (Gươl) và các thiết chế văn hóa như phòng học mầm non, sân thể thao,... Thứ ba, làng mới phải gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh. Thứ tư, đầu tư cho việc san ủi ban đầu tuy lớn nhưng sẽ tạo được mặt bằng rộng cho việc đầu tư các công trình dân sinh cần thiết trong khu dân cư, phát huy hiệu quả, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách nhà nước. Thứ năm, ưu tiên đầu tư đối với những thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động, dân đồng thuận hưởng ứng, tạo được sự lan tỏa, hưởng ứng của các thôn khác.
Theo ông Bhling Mia, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huyện Tây Giang đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân hiến đất đai, hoa màu, di dời nhà cửa, vật kiến trúc trong phạm vi san ủi; Nhà nước đền bù, hỗ trợ một phần đối với đất ruộng, ao cá bị ảnh hưởng. Đồng thời, huyện tổng hợp những đóng góp của nhân dân đề ghi vào “Sổ vàng” của thôn, xã, hằng năm vào Ngày hội đoàn kết toàn dân (18/11) sẽ biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tham gia hiến đất đai, hoa màu để xây dựng các công trình phúc lợi, nhất là trong việc san ủi mặt bằng bố trí dân cư tập trung.
Từ những nỗ lực, cách làm trên và bằng các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách của Trung ương, của tỉnh, đến nay huyện Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu (tỷ lệ đạt hơn 90% tổng số hộ trong toàn huyện), tổng kinh phí đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, có 111 hộ ảnh hưởng thiên tai, nguy cơ mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; 29 hộ sống phân tán, thưa thớt có điều kiện khó khăn về đất sản xuất, nước sinh hoạt; 1.230 hộ đặc biệt khó khăn.
“Với nỗ lực và quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang thời gian qua đã và đang chứng minh cho thấy chủ trương san ủi mặt bằng bố trí dân cư tập trung là bước đi đúng hướng, hiệu quả trong việc phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt bại về tài sản và tính mạng người dân”, ông Bhling Mia nhấn mạnh và dẫn chứng, trong mùa mưa bão khốc liệt 2020-2021, rất nhiều huyện miền núi lân cận, tương đồng đều xảy ra sạt lở, có nơi sạt lở làm thiệt hại rất nhiều người và nhiều tài sản, hạ tầng,... thì các mặt bằng ở Tây Giang đều an toàn tuyệt đối, không bị sạt lở nghiêm trọng, không có thiệt hại về người, các thiệt hại khác không đáng kể. Điều này cho thấy mô hình sắp xếp, ổn định dân cư ở Tây Giang là hiệu quả, phù hợp với đặc điểm địa hình miền núi trong thời kỳ biến đổi khí hậu hiện nay.
Huyện Tây Giang được đánh giá là địa phương thực hiện tốt công tác định canh định cư, sắp xếp ổn định dân cư so với các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam; hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, hệ thống cấp nước... tại các điểm bố trí dân cư được đầu tư khá đồng bộ. Hiện nay, tỷ lệ thôn, khu dân cư có đường bê tông nội vùng đạt hơn 98%; tỷ lệ khu sản xuất, chăn nuôi tập trung có đường ôtô đi lại thuận lợi đạt hơn 70%; tỷ lệ hoàn thành các công trình thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp đạt hơn 96%; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 98%.