Cách làm hay để người dân giao nộp vũ khí tự chế

Huyện biên giới rẻo cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An với đặc thù là địa bàn vùng núi cao, có đến 95% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phân bố không đồng đều, nhiều cụm dân cư cách xa trung tâm huyện, xã. Đồng bào có thói quen sử dụng súng, vũ khí thô sơ để săn bắn, bảo vệ mùa màng, nương rẫy.

Thời gian qua, Công an huyện Kỳ Sơn đã có những cách làm hay, sáng tạo trong vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, hạn chế thấp nhất những mối nguy hại tiềm ẩn có thể xảy ra.

Huyện Kỳ Sơn cách trung tâm TP Vinh hơn 250 km, có đường biên giới kéo dài trên 203 km tiếp giáp với nước bạn Lào, với 21 xã, thị trấn, trong đó có 11 xã biên giới. Dân cư trên địa bàn có khoảng 95% là đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Khơ Mú định cư, phân bố không đồng đều, nhiều cụm dân cư cách xa trung tâm huyện, xã. Trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế; phong tục, tập quán có nơi còn lạc hậu, phương thức sản xuất chưa đạt hiệu quả cao. Từ xưa, đồng bào nơi đây có tập quán sử dụng vũ khí tự chế để phục vụ cuộc sống và lao động sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng các loại súng tự chế tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, vận động, nhiều người dân đã giao nộp súng tự chế.

Sau khi được lực lượng Công an tuyên truyền, vận động, nhiều người dân đã giao nộp súng tự chế.

Vào cuối tháng 6, chúng tôi có dịp theo chân tổ công tác của Công an huyện Kỳ Sơn di chuyển vào xã Keng Đu - một trong những xã biên giới xa xôi nhất để tuyên truyền, vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mới thấy hết những khó khăn, vất vả không thể nói thành lời của cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ này. Từ 4 giờ sáng, cán bộ, chiến sĩ trong Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kỳ Sơn bắt đầu xuất phát, vượt qua quãng đường dài khoảng 75 km với địa hình đồi núi hiểm trở, những con đường hẹp, dốc và quanh co uốn lượn qua các ngọn đồi và thung lũng...

Trầy trật gần 4 giờ đồng hồ trên những chiếc xe mô tô bám đầy bùn đất, tổ công tác đã đến được trung tâm xã. Tại đây, tổ công tác phối hợp với công an xã tiến hành tuyên truyền các nội dung, trong đó nhấn mạnh những tác hại và hậu quả của việc tàng trữ, các quy định của luật pháp về tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đồng thời vận động người dân giao nộp nếu có.

Chưa kịp nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa ăn vội, tổ công tác lại tất bật chuẩn bị đồ đạc để di chuyển vào bản Khe Linh, xã Keng Đu. Bản nằm cách trung tâm xã 12 km, lối vào chỉ có con đường đất độc đạo trơn trượt, có những đoạn đá lởm chởm khiến cán bộ, chiến sĩ trong tổ công tác di chuyển phải hết sức cẩn thận. “Tranh thủ đi sớm để kịp vào bản trước cuối giờ chiều. Mặc dù thời tiết đang mùa hè nắng nóng hầm hập cả ngày như vậy, nhưng ở trên này, trời cuối chiều thường hay có mưa bất chợt. Mà, nếu trời mưa thì chỉ có thể đi bộ vì đường rất trơn, nhão, không thể đi bằng xe máy hay ô tô được”, một cán bộ trong tổ công tác giải thích.

Công an huyện Kỳ Sơn lập biên bản, xử lý đối tượng tàng trữ trái phép súng săn.

Công an huyện Kỳ Sơn lập biên bản, xử lý đối tượng tàng trữ trái phép súng săn.

Vào đến nơi, tổ công tác được các già làng, trưởng bản đón tiếp niềm nở với nụ cười tươi, những cái bắt tay nồng hậu, xóa tan mệt mỏi đối với cán bộ, chiến sĩ sau quá trình di chuyển quãng đường dài. Ông Hoa Văn Bún, người dân tộc Khơ Mú, trú tại bản Khe Linh cho biết: Trước đây, ông cũng như nhiều người dân trong bản sử dụng súng tự chế (súng kíp) săn bắn đồ rừng (sóc, chim, chuột...) để cải thiện bữa ăn và để phòng vệ nếu thú dữ tấn công khi đi làm nương, làm rẫy. Tuy nhiên, sau khi được công an xã phối hợp với Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Kỳ Sơn tuyên truyền, giải thích những tác hại của việc tự chế và sử dụng vũ khí tự chế nguy hiểm như thế nào, ông và mọi người đã tự giác đưa súng kíp ra giao nộp.

“Ta và mọi người dùng súng để bảo vệ mỗi lần đi làm nương, làm rẫy và săn chim, săn chuột để có thêm thức ăn. Nhưng, hôm nay được nghe cán bộ công an tuyên truyền, giải thích bằng cái lý, cái tình, chúng ta thấy đúng và chấp hành giao nộp súng thôi”, ông Hoa Văn Bún nói.

Để công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đạt hiệu quả cao, Công an huyện Kỳ Sơn đã triển khai nhiều cách làm hay, sáng tạo trong vận động người dân, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện. Công an huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền cùng lực lượng công an xã thông qua công tác nắm địa bàn, “nắm hộ, nắm khẩu”, thực hiện “đi từng bản, vào từng nhà” tuyên truyền cho người dân hiểu rõ hậu quả, tác hại và chế tài xử lý của việc sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tranh thủ sự ủng hộ, phát huy vai trò của già làng, người có uy tín đã tổ chức thực hiện tuyên truyền, vận động các cá nhân đang nghi vấn tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép giao nộp; chú trọng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Bên cạnh đó, Công an huyện Kỳ Sơn không chỉ tuyên truyền, vận động thông qua các buổi họp dân, tuyên truyền lưu động qua hệ thống loa mà còn đến tận các chòi, rẫy để tuyên truyền, vận động người dân. Cùng với đó, Công an huyện Kỳ Sơn cũng triển khai các biện pháp nghiệp vụ, như: phát phiếu tố giác tội phạm cho người dân; tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo nổ. Đặc biệt, công an huyện còn tổ chức chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy” đã mang lại hiệu quả thiết thực trong vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Tranh thủ tuyên truyền, vận động vào buổi tối, khi người dân đi làm nương, làm rẫy đã về nhà.

Tranh thủ tuyên truyền, vận động vào buổi tối, khi người dân đi làm nương, làm rẫy đã về nhà.

Nhờ những cách làm hay, sáng tạo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Công an huyện Kỳ Sơn đã vận động người dân giao nộp 1.400 súng tự chế. Đặc biệt, trong đợt cao điểm từ ngày 10/6 đến 1/7, công an huyện phối hợp với công an các xã, thị trấn và các ban, ngành liên quan tổ chức 170 buổi tuyên truyền, thu hút 9.735 lượt người tham gia, có 9.521 hộ gia đình ký cam kết với UBND xã, thị trấn không vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Cũng trong đợt này, người dân đã giao nộp 831 khẩu và nòng súng tự chế.

Trung tá Nguyễn Văn Thắng, Đội trưởng Đội Quản lý hành chính về trật tự xã hội chia sẻ: “Kỳ Sơn với đặc thù là huyện miền núi, rẻo cao, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của người dân chưa cao, đa phần không nhận thức được hoặc nhận thức rất mơ hồ về sự nguy hiểm của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nên thường giấu để sử dụng. Người dân thường xuyên đi rẫy, đi rừng, ít khi trở về nhà. Nhiều bản làng ở xa trung tâm, đường sá đi lại khó khăn. Do đó, việc vận động, tuyên truyền người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với quyết tâm, chúng tôi đã bám làng, bám bản tuyên truyền, vận động, người dân cũng đã hiểu được tác hại của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tiềm ẩn nguy hiểm như thế nào. Đồng thời, để người dân chú trọng hơn vào việc lao động, sản xuất, phát triển kinh tế chứ không săn bắn như trước”.

Song song với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, Công an huyện Kỳ Sơn cũng tăng cường điều tra, xử lý hành vi tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được phát hiện trên địa bàn. Hiện, đơn vị đang hoàn tất hồ sơ để xử lý 4 vụ, 4 đối tượng về hành vi tàng trữ trái phép súng săn. Cụ thể, khoảng 1 giờ ngày 8/5, Tổ công tác 373 Công an huyện Kỳ Sơn đang thực hiện nhiệm vụ tại tuyến QL16, đoạn qua xã Phà Đánh thì phát hiện Lô Văn Ba (sinh năm 1993, trú tại bản Piêng Phô, xã Phà Đánh) tàng trữ trái phép súng săn, thu giữ 1 khẩu súng PCP và 172 viên đạn. Trước đó, vào khoảng 22 giờ ngày 25/3, tại khu vực bản Sơn Hà, xã Tà Cạ, Tổ công tác 373 Công an huyện Kỳ Sơn phát hiện Lầu Bá Mải (sinh năm 2002, trú tại bản Xám Xúm, xã Mường Lống) có hành vi tàng trữ trái phép súng săn, thu giữ 1 súng PCP hơi và 105 viên đạn.

Khoảng 0 giờ 20 phút ngày 10/4, cũng tại khu vực trên, Tổ công tác 373 Công an huyện phát hiện Xồng Nỏ Dềnh (sinh năm 1984, trú tại bản Huồi Ức 2, xã Huồi Tụ) có hành vi tàng trữ trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, thu giữ 3 khẩu súng kíp, hơn 350 viên đạn. Ngày 7/5, Tổ công tác 373 Công an huyện Kỳ Sơn đang thực hiện nhiệm vụ tại tuyến QL16 đoạn qua xã Phà Đánh thì phát hiện Kha Văn Tăm (sinh năm 1989, trú tại bản Sơn Thành, xã Tà Cạ) có hành vi tàng trữ trái phép súng săn, thu giữ 1 súng PCP cùng 140 viên đạn.

Súng tự chế do người dân giao nộp chuẩn bị được tiêu hủy.

Súng tự chế do người dân giao nộp chuẩn bị được tiêu hủy.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết: “Không chỉ dừng lại ở các đợt cao điểm, mà chúng tôi luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới chấm dứt tác hại do việc tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây ra.

Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong vận động người dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, gắn công tác này với phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở mỗi bản làng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật với hành vi tàng trữ, sử dụng, mua bán các thiết bị, liên quan đến súng tự chế ở trong nhân dân”.

Những nỗ lực và hy sinh thầm lặng của lực lượng công an miền biên viễn xứ Nghệ đã và đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng cuộc sống an toàn, lành mạnh; đồng bào yên tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Phạm Thủy

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/cach-lam-hay-de-nguoi-dan-giao-nop-vu-khi-tu-che-i737610/