Cách Lý Tiểu Long vượt qua sợ hãi

Trải qua nhiều thăng trầm, Lý Tiểu Long nhận ra rằng cách tốt nhất để thoát khỏi sự sợ hãi là dũng cảm đối mặt với nó. Chỉ khi nhìn thấu nỗi sợ của bản thân, bạn mới thực sự mạnh mẽ.

 Lý Tiểu Long luôn học cách bình tâm để vượt qua nỗi sợ. Ảnh: D.V.

Lý Tiểu Long luôn học cách bình tâm để vượt qua nỗi sợ. Ảnh: D.V.

Phát hiện đột phá về đồ ăn của tôi đến quá đỗi tình cờ. Nhưng với bạn, mọi sự có thể không tình cờ như vậy. Hãy để cho câu chuyện của bạn là một câu chuyện thật chủ ý, về việc bạn đã tránh được cho mình bao nhiêu năm khổ sở chỉ nhờ, không như tôi, chủ động quyết định sống tỉnh thức hơn và để tâm hơn.

Bởi vì, thành thực mà nói, nếu muốn biết thông tin đó sớm hơn thì có thể tôi đã quyết định nghiền ngẫm kỹ hơn và nhìn ra vấn đề từ thuở đó. Vậy nên, tôi khuyến khích bạn hãy mở lòng và nhìn thật sâu vào tâm khảm, kể cả khi việc ấy thật đau đớn hoặc đáng sợ.

Tôi sẽ không nói dối bạn: Phải rất can đảm bạn mới dám nhìn vào vấn đề của mình, phải rất nỗ lực bạn mới giải quyết được chúng, và có nhiều lúc bạn sẽ thấy bực bội. Có thể bạn sẽ hoang mang không rõ điều mình đang làm hoặc không xác định nổi đâu là bước đi tối ưu kế tiếp.

Có thể những gì từng là nền tảng trước đó của bạn sẽ bị lung lay, và có thể bạn sẽ cảm thấy hơi bất an. Có thể bạn sẽ chọn cách dễ dàng hơn là không nhìn nhận, không biết thêm nữa và cứ thế chịu đựng nỗi bất ổn trong tâm khảm suốt phần đời còn lại.

Nhưng khi đã thành thạo hơn và tự rèn luyện nhiều hơn, bạn sẽ hiểu ra cách để tự xây cho mình con đường vượt lên trên những thứ làm bạn sợ. Đến lúc ấy, mọi việc sẽ dễ dàng hơn, và quá trình này dần dà sẽ thực sự lôi cuốn bạn đến mức bạn bắt đầu nhiệt tình thực hiện nó.

Trong cuộc đấu ở Oakland, cha tôi đã cảm nhận được những điểm yếu của ông, những nỗi bực bội và sợ hãi trong thâm tâm ông, và thay vì trốn chạy hoặc chôn vùi chúng, ông đã tự nhủ: “Hãy ngẫm cho kỹ hơn”. Ông tin rằng: “Hiểu nỗi sợ của bản thân tức là bắt đầu thực sự nhìn nhận vấn đề”.

Bạn phải sẵn lòng nhìn vào những phần bất ổn trong mình. Nếu không nhìn, hoặc không nhìn thật sâu, bạn sẽ không bao giờ khám phá được một tầng quan trọng của con người bạn, nó có thể đang cầm chân bạn hoặc ngầm hủy hoại bạn hết lần này đến lần khác, nó đang cản bước bạn trên hành trình chữa lành và tiến bộ.

Hiểu nỗi sợ trong thâm tâm là một bước rất quan trọng trong quá trình tối ưu hóa tiềm lực của bạn. Như cha tôi giải thích: “Sợ hãi làm ta muốn bám lấy lề lối và các vị thầy. Đã sợ thì không thể khởi sự làm được gì”.

Và ông nói tiếp: “Kẻ thù của sự phát triển là những ám ảnh về nỗi đau, tức là việc không sẵn lòng chịu đựng đôi chút. Hễ thấy khó chịu là bạn ngắt luôn quá trình nhận thức rồi sống trong sợ hãi và ám ảnh”. Vậy, giải pháp cho những lúc ấy là hãy chú ý và để tâm cả đến những khoảnh khắc không mấy dễ chịu này chứ đừng quay lưng với chúng.

Khi bạn đối đầu trực diện với nỗi sợ của mình, điều kỳ diệu sẽ đến: chúng sẽ mất đi sức ảnh hưởng đối với bạn. Chúng sẽ trở thành một nấc thang đơn thuần trong hành trình bạn tự nhận biết mình, thành một điểm cần lưu tâm thông thường, một tầng được khai quật trong toàn bộ cuộc đào xới.

Hãy nhớ, đừng tự dằn vặt về những nỗi sợ hoặc khiếm khuyết trong con người bạn. Chúng ta ai chẳng có những điều ấy, và chúng chỉ là một tấm bản đồ chỉ cho bạn biết chỗ nào cần đào sâu và khám phá mà thôi. Và như bạn chuẩn bị thấy sau đây, cái mà ta coi là điểm yếu của mình cũng có mặt tốt của nó.

Shannon Lee/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-ly-tieu-long-vuot-qua-so-hai-post1491103.html