Đề phòng 5 bệnh có nguy cơ xảy ra sau lũ, loại thứ 3 đã hơn 30.000 ca trong năm nay

5 loại bệnh dễ gặp trong mùa mưa lũ, mọi người cần chú ý để có biện pháp phòng tránh, chữa trị hiệu quả.

Hiện tại, nhiều khu vực ở miền Bắc đang hứng chịu thiệt hại sau cơn bão số 3. Nhiều nơi xảy ra tình trạng mưa lũ lớn gây ngập cao, thiệt hại nặng về tài sản và thậm chí là sức khỏe, tính mạng con người.

Nhiêu nơi tại miền Bắc đang bị tình trạng ngập do mưa lũ.

Nhiêu nơi tại miền Bắc đang bị tình trạng ngập do mưa lũ.

Trong mùa bão lũ, nhiều loại bệnh cũng dễ xảy ra và có nguy cơ thành dịch nếu không được kiểm soát kịp thời. Dưới đây là 5 loại bệnh dễ gặp sau bão lũ, mọi người cần chú ý để có biện pháp phòng tránh cũng như kịp thời điều trị để đảm bảo an toàn.

Các bệnh về da

Do môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm và chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh nên sau mùa mưa lũ, nhiều người dễ gặp các bệnh về da như nấm kẽ chân, nước ăn chân (nấm ký sinh gây ra), viêm nang lông, ghẻ, mẩn ngứa… Không chỉ gây khó chịu, ngứa ngáy cho người bệnh, những bệnh về da sau mùa mưa lũ nếu không kịp chữa trị kịp thời dễ lây lan.

Một số biện pháp phòng tránh bệnh về da sau mùa mưa lũ là:

- Hạn chế tối đa nhất có thể việc tiếp xúc với nguồn nước bẩn, nguồn nước tù đọng sau mưa lũ.

- Mang ủng, dụng cụ bảo hộ chân nếu thường xuyên đi vào vùng nước ngập.

- Nếu có vết thương hở, tránh tiếp xúc với nước lũ.

- Nên đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín khi mắc bệnh về da, tránh tự ý chữa tại nhà như đắp lá…

Tiêu chảy cấp

Sau mưa lũ, điều kiện vệ sinh kém, môi trường bị ô nhiễm và dễ xảy ra tình trạng thiếu nước sạch nên nhiều người dễ mắc bệnh tiêu chảy cấp.

Nếu có số lần đi tiêu trên 3 lần/ngày, phân lỏng toàn nước là biểu hiện của bệnh tiêu chảy. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, có thể lây nhanh và thậm chí thành dịch lớn.

Nên đến thăm khám ở cơ sở y tế nếu tình trạng bệnh diễn biến nặng.

Sốt xuất huyết

Sau mùa mưa lũ, nhiều vũng nước tù đọng xuất hiện và đây là một trong những điều kiện dễ khiến sốt xuất huyết thành dịch trong cộng đồng. Sau mưa lũ, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thường tăng đột biến và nhiều bệnh viện thường bị quá tải. Từ đầu năm tới nay, theo báo cáo đã có hơn 30.000 ca mắc sốt xuất huyết.

Các biện pháp đề phòng bệnh sốt xuất huyết sau mùa mưa bão là dọn dẹp không gian sống, không để vũng nước tù đọng quanh nhà, ngủ mùng, phun thuốc, hóa chất diệt lăng quăng, muỗi… Khi có dấu hiệu bệnh, nên kịp thời đến thăm khám ở cơ sở y tế uy tín.

Sau mùa mưa lũ cần có biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Sau mùa mưa lũ cần có biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bệnh về hệ hô hấp

Môi trường ẩm ướt sau mưa lũ là điều kiện thuận lợi để virus, ký sinh trùng cũng như nấm mốc phát triển, gây ra nhiều bệnh về hệ hô hấp. Một số bệnh lý về hô hấp thường gặp sau mưa lũ như viêm mũi họng, cảm cúm, cảm lạnh… Nếu không kịp chữa trị, bệnh có thể chuyển biến nặng thành viêm phổi, viêm phế quản…

Người cao tuổi và trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh về hô hấp.

Một số biện pháp đề phòng bệnh về hệ hô hấp sau mưa lũ như thường xuyên đeo khẩu trang nếu đến nơi đông người, tránh tiếp xúc người bệnh, vệ sinh sạch sẽ nơi ở để không gian thoáng đãng, bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng thông qua ăn uống, có chế độ sinh hoạt khoa học…

Đau mắt đỏ

Một trong những nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ sau mùa mưa lũ là do nguồn nước bị ô nhiễm. Bệnh có thể lây qua việc tiếp xúc trực tiếp với gỉ mắt của bệnh nhân, hoặc qua các vật trung gian như chăn gối, khăn mặt, chậu rửa, cốc chén… chưa được vệ sinh sạch sẽ.

Một số biện pháp đề phòng bệnh đau mắt đỏ sau mưa lũ là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dùng khăn mặt riêng, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, dùng xà phòng hoặc chất sát khuẩn thông thường để sát khuẩn các đồ dùng của bệnh nhân…

Khi phát hiện bệnh, nên nhanh chóng đến thăm khám ở cơ sở y tế uy tín, tránh tự ý chữa trị tại nhà để hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Hoàng Minh

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/song-khoe/de-phong-5-benh-co-nguy-co-xay-ra-sau-mua-lu-loai-thu-2-de-gap-nhat-202409101423247955.html