'Cách mạng' giao thông từ công nghệ số (Bài 1)

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào kiểm soát hoạt động giao thông là một trong những xu hướng tất yếu của các nước trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam. Đồng Nai là một đầu mối giao thông lớn với nhiều dự án giao thông trọng điểm, đòi hỏi các cơ quan chức năng của tỉnh phải nỗ lực 'tăng tốc' hơn nữa trong ứng dụng khoa học - công nghệ trên lĩnh vực giao thông, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân khi lưu thông; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông; kéo giảm vi phạm, tai nạn giao thông (TNGT).

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa dùng điện thoại ghi hình hành vi vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa dùng điện thoại ghi hình hành vi vi phạm trật tự đô thị trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Bài 1: “Mắt thần” phủ sóng

Những năm gần đây, hệ thống camera giám sát an toàn giao thông (ATGT), an ninh trật tự được cơ quan chức năng các cấp lắp đặt ở nhiều nơi. Cùng với đó là camera hành trình, camera an ninh của hộ dân, tổ chức tư nhân… cũng được “phủ sóng” rộng khắp và được huy động hỗ trợ lực lượng chức năng khi cần thiết.

Đây là những “mắt thần” góp phần đảm bảo ATGT, tạo ý thức chấp hành quy định khi tham gia giao thông cho người dân.

Giám sát từ xa, ngăn ngừa vi phạm

Hàng ngày, việc theo dõi tình hình giao thông tại các nút giao trọng điểm trên toàn tỉnh được Ban ATGT tỉnh thực hiện từ xa nhờ hệ thống 17 camera giám sát giao thông được đặt tại trụ sở Ban ATGT tỉnh. Nhất là tại các vị trí nút giao có tình hình giao thông phức tạp như: ngã tư Vũng Tàu, cụm nút giao Cổng 11, ngã ba sân Golf Long Thành, ngã ba Phát Triển (thành phố Biên Hòa); ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom); ngã ba Nhơn Trạch (huyện Long Thành)… Trên cơ sở đó, Ban ATGT tỉnh kịp thời trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên tuyến như: ùn tắc giao thông, TNGT…

Phó chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Dương Anh Tuấn đánh giá: “Camera giám sát giao thông chính là những “mắt thần” giúp lực lượng chức năng theo dõi tổng thể tình hình giao thông từ xa. Nhờ vậy, chúng tôi nắm bắt được các khung giờ thường xảy ra ùn tắc, các bất cập trong tổ chức giao thông giữa các giao lộ gần nhau, tình huống va chạm thường xảy ra… Cộng với việc kiểm tra thực địa, các cơ quan chức năng sẽ kiến nghị những giải pháp góp phần đảm bảo ATGT trên tuyến giao thông trọng điểm”.

Trên toàn tỉnh, hiện Ban ATGT tỉnh cùng công an các địa phương đều có bố trí hệ thống camera (lên đến hàng ngàn vị trí lắp đặt) để theo dõi diễn biến, tình hình ATGT tại các giao lộ, tuyến giao thông, bến bãi, mỏ vật liệu xây dựng. Điển hình như thành phố Biên Hòa hiện có hơn 1,5 ngàn vị trí và có hàng trăm camera tại mỗi huyện. Qua đó, kịp thời phát hiện các sự việc “nóng”, diễn biến bất thường về ATGT, an ninh trật tự để kịp thời điều động người và phương tiện đến tận nơi giải quyết (ngăn ùn tắc giao thông, kẹt xe, xử lý TNGT…).

Theo Ban ATGT huyện Nhơn Trạch, hơn 2 năm nay, hàng trăm camera đã được lắp đặt, đưa vào sử dụng tại các tuyến đường trọng điểm như: Trần Phú, Tôn Đức Thắng… hoặc giao lộ lớn như: ngã tư Hiệp Phước, ngã ba Phước Thiền, ngã tư Tín Nghĩa, vòng xoay Bến Cam… Các camera này được cơ quan chức năng của huyện Nhơn Trạch đầu tư trong nhiều giai đoạn (bắt đầu từ năm 2019), đến nay đã lên đến hàng trăm camera tại các giao lộ, tuyến đường trọng điểm. Hệ thống này không chỉ giúp giám sát, xử phạt về ATGT, mà còn giúp lực lượng chức năng phát hiện các vụ việc về an ninh trật tự.

Đơn cử, nhờ hệ thống camera trên đường Phạm Văn Thuận mà Công an thành phố Biên Hòa đã phát hiện được xe đầu kéo làm rơi đất bùn thành vệt dài trên đường vào rạng sáng 26-7 để mời tài xế xe này đến làm việc và xử phạt hành chính. Hay trước đó, thông qua hệ thống camera an ninh, vào cuối tháng 12-2023, Công an huyện Nhơn Trạch bắt giữ nhóm 4 đối tượng chuyên thực hiện hành vi cướp giật dây chuyền vàng của người dân bằng thủ đoạn chở nhau trên xe máy, áp sát nạn nhân và cướp giật dây chuyền.

Hiện nay, nhờ sử dụng hình ảnh từ camera của lực lượng chức năng, của tổ chức, cá nhân cung cấp nên lực lượng chức năng dù không cần có mặt trên các tuyến đường, nhiều hành vi vi phạm trật tự ATGT vẫn được ghi lại và xử lý. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: vượt ở nơi cấm vượt, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe ngược chiều, đậu xe không đúng nơi quy định…

Gần đây nhất, vào sáng 21-9, tài xế T.V.T. điều khiển xe tải biển số 50H-512.65 lưu thông trên quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán, đã có hành vi lấn làn, vượt tại vị trí có biển cấm vượt gây nguy hiểm cho các xe ô tô đi hướng ngược lại. Sau khi nhận được clip của người dân ghi lại, lực lượng cảnh sát giao thông đã trích xuất các camera tại khu vực trên và tổ chức dừng phương tiện này vào tối 21-6 để lập biên bản tài xế T. vì hành vi vượt xe trên đoạn đường có biển cấm vượt.

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh đánh giá, ứng dụng khoa học - công nghệ cũng là hướng đi cần thiết nhằm góp phần đảm bảo ATGT; đồng thời, phát huy hiệu quả lâu dài trong việc quản lý trật tự, xây dựng đô thị thông minh, tạo thói quen chấp hành quy định trật tự ATGT cho người dân khi tham gia giao thông.

Những “khoảng trống” cần khắc phục

Bên cạnh mặt tích cực, việc áp dụng hệ thống camera vào kiểm soát trật tự ATGT tại Đồng Nai hiện vẫn tồn tại các “khoảng trống” cần khắc phục. Trong đó bao gồm các yếu tố: tuyến giao thông rộng, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, hệ thống camera xuống cấp theo thời gian…

Hiện địa phận Đồng Nai có 4 tuyến quốc lộ (tổng chiều dài 233km), 2 đường cao tốc (tổng chiều dài 93km), 24 tuyến đường tỉnh (tổng chiều dài 494km), 227 tuyến đường huyện (tổng chiều dài hơn 1,3 ngàn km)… Do địa bàn rộng, nhiều tuyến giao thông dài nên lượng camera do cơ quan chức năng quản lý không thể bao quát hết tất cả các diễn biến trên đường, nhất là tại các tuyến đường khu dân cư và những khu vực ít người qua lại, nhà cửa ven đường thưa thớt.

Chính vì vậy, có nhiều vụ TNGT xảy ra ở khu vực vắng vẻ, vào thời điểm ít người ra đường, tại khu vực trên lại không có camera của lực lượng chức năng, khiến lực lượng chức năng phải phát thông báo tìm nhân chứng để củng cố hồ sơ, tiến hành các bước thủ tục tiếp theo. Như vụ TNGT giữa 2 xe máy trên đường Hoàng Văn Bổn (thành phố Biên Hòa) vào rạng sáng 15-9 làm 2 người tử vong, do khu vực trên không có camera giám sát giao thông nên cơ quan chức năng đã đề nghị người chứng kiến hoặc biết thông tin về vụ việc liên hệ làm việc để cung cấp thêm thông tin.

Ngoài ra, vừa qua, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, thời gian qua, việc giám sát của một số người dân đối với lực lượng cảnh sát giao thông có lúc, có nơi chưa khách quan, chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp quay phim, ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông và chia sẻ lên mạng xã hội nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Khi những hình ảnh đăng tải được gỡ bỏ và người vi phạm bị xử lý nhưng vẫn gây ra ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông.

Camera được bố trí trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa) theo dõi tình hình giao thông liên tục. Ảnh: Đ.Tùng

Camera được bố trí trên đường Nguyễn Ái Quốc (thành phố Biên Hòa) theo dõi tình hình giao thông liên tục. Ảnh: Đ.Tùng

Cùng với đó, không ít hình ảnh, clip người dân cung cấp cho lực lượng chức năng bị mờ, không rõ hành vi, không rõ các chi tiết về biển số, địa điểm và thời gian quay/chụp…

Theo Ban ATGT thành phố Biên Hòa, một số clip được người dân lấy từ camera hành trình trên xe ô tô sẽ có cụ thể thời gian, vị trí ghi hình, tình huống rõ ràng nên việc mời những cá nhân liên quan trong clip đến làm việc và xử lý rất thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều người ghi lại hình ảnh bằng điện thoại di động do không thạo nên hình ảnh bị nhòe, rung lắc, không rõ hành vi, không rõ biển số nên việc xác minh mất nhiều thời gian hơn.

Chính vì vậy, bên cạnh hình ảnh từ camera gắn cố định hoặc camera của người dân, lực lượng chức năng vẫn tổ chức mật phục ghi hình các vi phạm ATGT trên đường để để xử phạt nguội hoặc ra hiệu lệnh người điều khiển phương tiện dừng xe để xử lý trực tiếp.

Đăng Tùng

Bài 2: Sử dụng nhiều app hỗ trợ giao thông

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202410/cach-mang-giao-thong-tu-cong-nghe-so-bai-1-ab26e39/