'Cách mạng' giao thông từ công nghệ số Bài cuối: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tạo đột phá trong giao thông
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho một địa bàn rộng, nhiều cửa ngõ giao thông quan trọng như Đồng Nai, cần có giải pháp đồng bộ. Bên cạnh phát triển hạ tầng giao thông, cần quan tâm phát triển hạ tầng số trong quản lý, hỗ trợ giao thông, giúp người dân đi lại an toàn, thuận tiện hơn.
Cấp bách phủ rộng camera giám sát
Hiện nay, với hàng ngàn vị trí lắp đặt camera giám sát tại các giao lộ, tuyến đường trên toàn tỉnh, vấn đề đặt ra tiếp theo là cần có sự kết nối, chia sẻ dữ liệu hình ảnh các camera do cơ quan chức năng đầu tư, lắp đặt, tập trung với nhau. Qua đó, tăng hiệu quả quản lý nhà nước về ATGT cũng như trật tự đô thị tại Đồng Nai.
Theo Ban ATGT tỉnh, khi dữ liệu camera được kết nối với nhau, nhiều cơ quan chức năng và cả người dân có thể theo dõi, giám sát chéo tình hình trật tự ATGT trên đường. Qua đó, sẽ khiến người tham gia giao thông tự giác hơn trong chấp hành nghiêm quy định ATGT đường bộ; các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện sẽ “siết” quản lý với tài xế hơn để hạn chế các vi phạm dẫn tới “phạt nguội”.
Cùng với đó, từ lâu, việc lắp đặt thêm các camera trên những tuyến giao thông trọng điểm, nhất là các tuyến quốc lộ, có tác động rất lớn đến ý thức của người tham gia giao thông. Chẳng hạn như, không ít người đã rất ấn tượng với cách làm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi bố trí hệ thống camera cùng bảng điện tử thông báo biển số xe vi phạm tốc độ trên quốc lộ 51. Việc này khiến nhiều tài xế “chùn chân”, vì không dám chạy quá tốc độ khi di chuyển trên đoạn đường này.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ phường An Bình, thành phố Biên Hòa) cho hay, mỗi tuần anh đều đi trên quốc lộ 51 để về nhà người thân tại thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Dù cùng đi trên một tuyến quốc lộ nhưng khi sang địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các phương tiện chạy chậm hơn hẳn dưới sự giám sát chặt chẽ và xử “phạt nguội” nghiêm khắc của lực lượng chức năng. Anh kỳ vọng cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai sẽ áp dụng cách làm này trên các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai để kiểm soát trật tự ATGT, kéo giảm tai nạn giao thông.
Cùng với đó, Công an tỉnh đang thực hiện Đề án Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh. Trong đó có việc bố trí hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến giao thông toàn tỉnh.
Đầu tháng 9-2024, Giám đốc Công an tỉnh, đại tá Nguyễn Hồng Phong đã dẫn đầu đoàn công tác Công an tỉnh Đồng Nai tham quan, trao đổi kinh nghiệm về công tác triển khai xây dựng hệ thống camera thông minh và Trung tâm Thông tin chỉ huy tại Công an tỉnh Bắc Ninh. Các thành viên trong đoàn công tác của Công an tỉnh Đồng Nai đã trao đổi, thảo luận về công tác triển khai xây dựng hệ thống camera và hoạt động vận hành Trung tâm Thông tin chỉ huy và nhiều vấn đề liên quan.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong đã đánh giá cao công tác điều hành và kinh nghiệm trong việc triển khai xây dựng hệ thống camera, cũng như hoạt động vận hành tại Trung tâm Thông tin chỉ huy của Công an tỉnh Bắc Ninh và cho biết sẽ nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn trong công tác tại Đồng Nai.
Ngày 9-9, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT trên toàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh và Sở Giao thông vận tải nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào kiểm soát trật tự ATGT. Cụ thể là ứng dụng hệ thống camera ghi hình, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, khai thác dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình…, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm về ATGT.
Cần sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật
Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng ứng dụng giao thông dành riêng cho người dân. Thông qua ứng dụng này, người dân có thể khai thác những tiện ích liên quan đến lĩnh vực giao thông như: tra cứu thông tin về tình hình giao thông, tra cứu thông tin vi phạm giao thông, nộp phạt vi phạm hành chính trực tuyến..., cũng như phản ánh tình hình trật tự ATGT đến cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Tân (thành phố Biên Hòa) Trương Văn Khiêm đánh giá, thời gian qua, hệ thống camera giám sát của cơ quan chức năng địa phương phát huy hiệu quả khi phát hiện các vi phạm trên lĩnh vực ATGT, trật tự đô thị. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng có thể lập thành hệ thống cơ sở dữ liệu chung của các camera do xã, phường quản lý cùng với camera của các cơ quan chức năng khác. Như vậy, sẽ giúp khai thác hình ảnh hiệu quả, phát hiện sự di chuyển liên tục của các phương tiện vi phạm.
Ngoài ra, theo Trưởng Công an thành phố Biên Hòa, thượng tá Huỳnh Yên Nam, thời gian tới, Công an thành phố Biên Hòa tiếp tục duy trì trang Facebook “Tuổi trẻ thành phố Biên Hòa” để tiếp nhận các thông tin, hình ảnh, clip về ATGT, an ninh trật tự. Đây là cách làm hiệu quả trong việc ứng dụng các kênh mạng xã hội để tiếp cận thông tin liên quan đến an ninh trật tự, ATGT từ người dân, góp phần kiểm soát tình hình trật tự ATGT tại thành phố Biên Hòa.
Ngoài ra, để các giải pháp về công nghệ có thể đi vào thực tiễn, nhiều người đề xuất cần có sự đồng bộ về hạ tầng viễn thông như: sự ổn định của kết nối internet, tăng thêm độ phủ sóng internet đến các vùng nông thôn… Đồng thời, các app về giao thông cần thường xuyên được cập nhật, nâng cấp để người dân có thể sử dụng liên tục và đáp ứng nhu cầu thực tế. Điển hình như có thể thêm vào những app theo dõi tình hình giao thông các tính năng như: cảnh báo ùn tắc giao thông; chỉ dẫn bãi đậu xe ô tô; cảnh báo khi dừng, đậu ở nơi có biển cấm…
Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an, thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhận định, ứng dụng khoa học - công nghệ vào công tác đảm bảo trật tự ATGT đường bộ sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu đường bộ và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan. Thông qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực trật tự ATGT, tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Giữa tháng 7-2024, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp quý III-2024, lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đã nhắc tới vai trò của việc ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin, dữ liệu số trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Cụ thể, lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia đã đề cập việc mua thông tin từ camera gắn trên các xe về ứng dụng của Bộ Công an để làm cơ sở cho việc xử phạt trong thời gian tới.
Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, hệ thống camera giám sát trên đường cũng như sự “góp sức” từ các camera hành trình của người dân sẽ dễ dàng phát hiện vi phạm ATGT hơn, khả năng “lọt lưới” sẽ thấp. Lãnh đạo Ủy ban ATGT quốc gia nhận định, điều này sẽ giúp xây dựng ý thức tham gia giao thông của người dân, tạo thói quen lái xe an toàn, góp phần kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra.