Cách mạng tháng Tám - Bước ngoặt lịch sử từ Hội nghị Trung ương 8
'Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được'. Quyết sách chiến lược được đưa ra từ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941) đã khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc làm nên kỳ tích của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Từ quyết định “phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ”
Từ năm 1939, tình hình trong nước và quốc tế ngày càng có những chuyển biến hết sức nhanh chóng, có liên quan tới vận mệnh của cách mạng Việt Nam. Với nhãn quan chính trị sáng suốt và thực tiễn hoạt động quốc tế phong phú, sớm nắm bắt thời cuộc và dự báo xu thế phát triển của nó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thời điểm đó đang hoạt động tại Trung Quốc, đã đưa ra nhận định: Chủ nghĩa phát xít nhất định bị tiêu diệt, đây là thời cơ thuận lợi cho các dân tộc đứng lên tự giải phóng. Sự kiện Chính phủ Pháp đầu hàng phát xít Đức (tháng 6/1940) đã khiến Người đưa ra quyết định: “Phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Từ quyết định ấy, nhằm đúng ngày mùng 2 Tết năm Tân Tỵ 1941 (28/1), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vượt qua cột mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Và chỉ 4 tháng sau đó, từ ngày 10 - 19/5/1941, để không bỏ lỡ thời cơ trước những diễn biến dồn dập của tình hình, thay mặt Quốc tế Cộng sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khóa I) của Đảng tại Khuổi Nậm, Pác Bó, Cao Bằng. Tham gia Hội nghị có Quyền Tổng Bí thư Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên, Hoàng Quốc Việt cùng một số đại biểu của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ và đại biểu tổ chức đảng hoạt động ở nước ngoài.
Dưới sự chủ trì của Người, Hội nghị đã kiện toàn cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức, Ban Thường vụ Trung ương, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương; trên cơ sở đó kiện toàn các cấp bộ Đảng từ Xứ ủy đến các cấp bộ Đảng ở các địa phương. Vì thế, theo nhà nghiên cứu, xét về tính chất và quy mô, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 như một Đại hội toàn quốc của Đảng.
Đến việc quyết nghị những thay đổi chiến lược
Không phải vô cớ Nghị quyết Trung ương 8 được xem là đã vạch ra những chiến lược căn bản cho con đường cách mạng Việt Nam.
Hội nghị đã tiến hành phân tích một cách sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, và xác định rõ: Nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải giành cho được độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho đồng bào. Từ việc xác định rõ kẻ thù chính của Nhân dân Đông Dương là “Phát xít Pháp - Nhật và các lực lượng phản cách mạng tay sai cho chúng”. Hội nghị đã đánh giá những chuyển biến hết sức quan trọng và đúng đắn về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và dân chủ.
Nhận định khoa học này là cơ sở để Hội nghị đi đến quyết tâm chuyển hướng chiến lược cách mạng. Nhằm triệt để phát huy yếu tố dân tộc, phân hóa hàng ngũ giai cấp địa chủ, Hội nghị tiếp tục thực hiện chủ trương tạm gác khẩu hiệu đánh đổ địa chủ, chia ruộng đất cho dân cày thay bằng khẩu hiệu tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và Việt gian chia cho dân cày nghèo, chia lại ruộng công, giảm tô, giảm tức. “Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc cao hơn hết, là nhiệm vụ trước tiên, tạm gác nhiệm vụ cách mạng điền địa lại” - Hội nghị quyết định.
Một trong những nội dung quan trọng nhất của Hội nghị được khẳng định rõ là sử dụng khởi nghĩa vũ trang đập tan ách thống trị của phát xít Pháp - Nhật, giành lại độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Dân chủ Cộng hòa. Theo đó những điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi cho một cuộc tổng khởi nghĩa cũng như các hình thái khởi nghĩa có thể diễn ra, đã được Hội nghị dự kiến và phân tích kĩ. Hội nghị chỉ rõ: “Chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay”. Hội nghị nêu phương châm khi thời cơ đến: “Với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương, cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Hội nghị còn đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không được ỷ lại vào những điều kiện bên ngoài, mà phải dựa vào lực lượng bản thân là chính. Hội nghị quyết định đặt vấn đề dân tộc trong khuôn khổ của một nước Việt Nam, Lào, Khơ me, thi hành đúng quyền “dân tộc tự quyết”, với tinh thần liên hệ mật thiết, giúp đỡ nhau giành thắng lợi... Hội nghị nhấn mạnh phải phát triển mạnh cơ sở Cách mạng ở nông thôn và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thành lập các đội tự vệ cứu quốc và các đơn vị du kích, đồng thời chú ý những nơi đô thị, đồn điền, hầm mỏ, làm cho phong trào công nhân ngày càng mạnh, trở thành lực lượng tiền phong trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Vì lẽ đó, Hội nghị đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, nhằm đoàn kết tập hợp mọi lực lượng yêu nước, chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo... để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Các tổ chức quần chúng yêu nước chống đế quốc trong Mặt trận đều lấy tên là Hội Cứu quốc như Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc, Hội Phụ lão Cứu quốc, Hội Nhi đồng Cứu vong, Hội Quân nhân Cứu quốc... Với các dân tộc Lào, Cao Miên, Đảng chủ trương thành lập Mặt trận ở mỗi nước, tiến tới thành lập một Mặt trận chung Đông Dương.
Theo nhìn nhận của các nhà nghiên cứu, nội dung Nghị quyết Trung ương lần thứ 8 và sự thay đổi chiến lược cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng trong việc giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ trong điều kiện cụ thể của nước ta, chính là sự hoàn chỉnh nội dung các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 và 7 trước đó. Cao hơn thế, sự thay đổi chiến lược một cách kịp thời, đầy sáng tạo của Hội nghị đã đáp ứng được khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc, phù hợp với bối cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, cả dân tộc bước vào thời kỳ mới, đẩy mạnh xây dựng lực lượng cách mạng, tập trung mọi lực lượng cho phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, chuẩn bị cho khởi nghĩa từng phần giành chính quyền từng địa phương. Phong trào cách mạng như diều gặp gió, lên rất nhanh ở các địa phương, nhiều cơ sở cách mạng nảy nở, hình thành và ngày càng trở nên vững chắc. Nói Hội nghị Trung ương lần thứ 8 đã mở đường cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi hoàn toàn có lẽ cũng vì lẽ đó.