Cách mạng Tháng Tám thành công: Hiện thực hóa lý luận giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 78 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đã đồng lòng đứng lên tiến hành cách mạng tháng Tám thành công, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc – kỷ nguyên độc lập, tự do. Cách mạng tháng Tám thành công, khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời cũng khẳng định những giá trị của lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trung tướng Dương Công Sửu ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh, của đất nước với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Ảnh: THANH HUYỀN)

Trung tướng Dương Công Sửu ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tỉnh, của đất nước với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 123, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Ảnh: THANH HUYỀN)

Mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt trọng đại của cách mạng Việt Nam. Chánh cương vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, xác định nhiệm vụ: “Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến. Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”. Đường lối cứu nước đó của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, tập trung vào giải quyết mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu của một xã hội thuộc địa, kết tinh trí tuệ và khát vọng giải phóng dân tộc của đồng bào, phù hợp với sự biện chứng của lịch sử và xu thế thời đại.

Tháng 10/1930, “Luận cương chánh trị” của Đảng Cộng sản Đông Dương, đặt ở vị trí cốt yếu của cách mạng tư sản dân quyền “thực hành thổ địa cách mạng cho triệt để, một mặt nữa là tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập”. Có thể thấy rằng, “Chánh cương vắn tắt” và “Luận cương chánh trị” tháng 10/1930, đều thống nhất coi đế quốc và phong kiến là hai đối tượng mà cách mạng tư sản dân quyền cần đánh đổ, mới có thể giành được quyền độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền của số đông dân chúng là công nông hoặc công nông binh. Nội dung Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng cho thấy rõ lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc coi nhiệm vụ chống đế quốc là chính yếu nhất và huy động tối đa lực lượng toàn dân tộc để thực hiện.

Những thành tố cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí và tầm quan trọng hàng đầu của nhiệm vụ chống đế quốc bên cạnh nhiệm vụ chống phong kiến, chia ruộng đất cho dân cày và phát huy sức mạnh dân tộc bao hàm trong các văn kiện Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng. Những yếu tố đó được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm, xác nhận là đúng đắn và những tiến bộ trong nhận thức lý luận cách mạng giải phóng dân tộc thuộc địa của đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng đã mở ra một hướng thống nhất nhận thức của Trung ương Đảng với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến.

Tháng 10/1936, một luận điểm mới về tính cấp thiết của cách mạng giải phóng dân tộc được nêu ra trong văn kiện Chung quanh vấn đề chiến sách mới: “Cuộc dân tộc giải phóng không nhất định phải kết chặt với cuộc cách mạng điền địa. Nghĩa là không thể nói rằng: muốn đánh đổ đế quốc cần phải phát triển cách mạng điền địa, muốn giải quyết cách mạng điền địa cần phải đánh đổ đế quốc. Lý thuyết ấy có chỗ không xác đáng… nếu phát triển cuộc tranh đấu chia đất mà ngăn trở cuộc tranh đấu phản đế thì phải lựa chọn vấn đề nào quan trọng hơn mà giải quyết trước. Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng”. Những ý tưởng đó, trùng hợp, thống nhất với những luận điểm của Nguyễn Ái Quốc về xác lập vị trí quan trọng hàng đầu của cách mạng giải phóng dân tộc và tìm ra một giải pháp hữu hiệu nhất để xử lý mối quan hệ giữa nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, phù hợp với đặc điểm của cách mạng Việt Nam.

Hai tháng sau ngày Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1939), nhận định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập (…) Sự bóc lột tàn ác của đế quốc Pháp ở Đông Dương để cung cấp cho chiến tranh sẽ làm cho dân Đông Dương ngày càng cách mệnh hóa. Cuộc cách mệnh đánh đổ đế quốc Pháp của các dân tộc Đông Dương nhất định sẽ nổ bùng”. Từ nhận định đó, Hội nghị cho rằng chủ trương, chính sách của Đảng trong thời kỳ vận động Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa. Do đó “Chiến lược cách mệnh tư sản dân quyền bây giờ cũng phải thay đổi ít nhiều cho hợp với tình thế mới. Cách mệnh phản đế và điền địa là hai cái mấu chốt của cách mệnh tư sản dân quyền. Không giải quyết được cách mệnh điền địa thì không thể giải quyết được cách mệnh phản đế. Trái lại, không giải quyết được cách mệnh phản đế thì không giải quyết được cách mệnh điền địa – cái nguyên tắc chính ấy không bao giờ thay đổi được, nhưng nó phải ứng dụng một cách khôn kéo thế nào để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”.

 Hà Nội sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Hà Nội sục sôi những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 (Ảnh tư liệu)

Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì, quyết định “Cần phải thay đổi chiến lược”, phải xem nhiệm vụ giải phóng dân tộc, độc lập cho đất nước là một “nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương”. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy thì cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”. Hội nghị nhấn mạnh: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”.

Những quyết sách đó dẫn đường cho toàn thể dân tộc tiến lên giành thắng lợi trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập tự do cho Tổ quốc. Như vậy, từ Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939 đến tháng 5/1941, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc – khâu trọng yếu, mấu chốt của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, bao gồm một hệ thống các quan điểm, chủ trương và biện pháp, năng động, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 02/9/1945 là kết quả tất yếu của quá trình chuẩn bị lâu dài, chu đáo, kỹ lưỡng về chủ trương, đường lối, xây dựng thực lực cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng của hơn 20 triệu đồng bào dưới sự lãnh đạo sáng tạo của Đảng và khát vọng giải phóng dân tộc của Bác Hồ với tinh thần “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng Tháng Tám thành công, khẳng định lý luận và phương pháp cách mạng giải phóng dân tộc mang đậm những giá trị độc lập, tự chủ, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là di sản vô cùng quý giá, cho Đảng tiếp tục thực hiện những chiến lược mới, mục tiêu mới trên con đường cách mạng đã lựa chọn. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đã kế thừa, vận dụng, phát triển lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (5/1941) đã bổ sung và hoàn chỉnh “chính sách mới của Đảng” được nêu ra từ Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11/1939), khẳng định dứt khoát chủ trương thay đổi chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Sự thay đổi căn bản nhận thức về nhiệm vụ hiện thời của cách mạng Đông Dương chính là nguồn gốc, là nền tảng để Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đưa ra những quyết sách lớn nhằm đoàn kết rộng rãi mọi lực lượng yêu nước trong Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng ở cả nông thôn và thành thị, xây dựng căn cứ địa cách mạng và lực lượng vũ trang, tích cực chuẩn bị lực lượng đón thời cơ khởi nghĩa.

TS DƯƠNG MINH HUỆ

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/604697-cach-mang-thang-tam-thanh-cong-hien-thuc-hoa-ly-luan-giai-phong-dan-toc-cua-chu-tich-ho-chi-minh.html