Cách mạng Tháng Tám và bài học xây dựng thế trận lòng dân

Cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sức mạnh lòng dân, tinh thần đại đoàn kết dân tộc là nhân tố quyết định làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc. Bài học về sức mạnh lòng dân từ 79 năm trước vẫn luôn được Bắc Kạn phát huy trong công cuộc xây dựng quê hương hôm nay.

Mùa Thu lịch sử

 Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước. Bắc Kạn là vùng sâu, vùng xa, núi rừng hiểm trở, dân cư thưa thớt, lại bị thực dân Pháp kiểm soát chặt chẽ, gây khó khăn cho việc tuyên truyền và phát triển phong trào cách mạng trong buổi đầu mới thành lập Đảng.

Sau thời kỳ khó khăn, trên cơ sở phong trào cách mạng trong toàn quốc dần hồi phục và phát triển, các cuộc đấu tranh hợp pháp của Nhân dân Bắc Kạn đã diễn ra. Dù cuộc sống khó khăn nhưng đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Kạn vẫn một lòng đi theo Đảng, che giấu, bảo vệ cán bộ Việt Minh khi địch truy lùng gắt gao.

 Đại biểu dâng hoa tại Di tích lịch sử Bản Duồm, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn tại xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn.

Đại biểu dâng hoa tại Di tích lịch sử Bản Duồm, nơi thành lập Chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn tại xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn.

Ngày 23/3/1945, châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng. Ngày 24/3/1945, trước đông đảo quần chúng dự mít tinh ở châu lỵ Chợ Rã, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tuyên bố xóa bỏ chính quyền và ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến toàn châu Chợ Rã.

Ngày 30/3/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời châu Chợ Rã. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước năm 1945.

Những thắng lợi dồn dập và to lớn ở Ngân Sơn, Chợ Rã đã có tác động mạnh mẽ tới phong trào ở Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì… Ngày 23/8/1945, quân Nhật chính thức rút khỏi thị xã Bắc Kạn. Ngày 25/8/1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại thị xã Bắc Kạn. Đại diện Tỉnh bộ Việt Minh tuyên bố chính thức xóa bỏ toàn bộ chính quyền địch ở Bắc Kạn, chính quyền cách mạng đã được thành lập và giới thiệu thành phần Ủy ban nhân dân lâm thời tỉnh.

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám ở Bắc Kạn năm 1945 đã diễn ra nhanh chóng và hoàn thành thắng lợi, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của Đảng bộ, Mặt trận Việt Minh và toàn thể Nhân dân Bắc Kạn. Thắng lợi đó đã chấm dứt ách thống trị của đế quốc xâm lược trên nửa thế kỷ và ách thống trị phong kiến gần một nghìn năm. Đồng thời cũng cho thấy tinh thần yêu nước của đồng bào các DTTS Bắc Kạn và vai trò của việc xây dựng thế trận lòng dân khi vũ trang cách mạng quần chúng.

Nhà văn Nông Viết Toại cho rằng: “Cách mạng Tháng Tám thành công đã giúp giải phóng Nhân dân ta khỏi ách lầm than “một cổ hai tròng” của chế độ thực dân và phong kiến. Đồng thời cũng giúp đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tại Bắc Kạn hiểu rõ và gắn trách nhiệm của bản thân, gia đình với vận mệnh của dân tộc, với Đảng và cách mạng một cách sâu đậm, toàn diện hơn”.

Xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh

 Đại tá Nguyễn Đình Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và đoàn công tác thăm, tặng quà người có công tại huyện Chợ Đồn.

Đại tá Nguyễn Đình Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và đoàn công tác thăm, tặng quà người có công tại huyện Chợ Đồn.

Lực lượng vũ trang Bắc Kạn luôn gần dân, giúp dân và bảo vệ Nhân dân.

Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay thì việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân càng được chú trọng. Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, toàn bộ hệ thống chính trị không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống của Nhân dân đặc biệt là đối với đồng bào DTTS &MN.

Khi xây dựng các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, người dân đều là trung tâm của các chính sách. Các chương trình MTQG được tỉnh triển khai góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo sinh kế và nâng cao đời sống cho đồng bào. Qua đó, củng cố vững chắc hơn niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. “Khoan thư sức dân” cũng là cách để phát huy sức dân trên con đường xây dựng quê hương.

Lực lượng vũ trang tỉnh cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu còn thường xuyên gần dân, bám dân, giúp dân. Ngoài là đội quân chiến đấu, còn là đội quân công tác, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Từ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cháy rừng, làm đường, sửa chữa cầu cống đến thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết, ốm đau, những người lính Cụ Hồ luôn sẵn sàng có mặt. Từ đó, giúp làm thắm thêm tình cảm quân – dân.

 Hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức Ngày hội "Vì an ninh Tổ quốc".

Hằng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều tổ chức Ngày hội "Vì an ninh Tổ quốc".

Lực lượng Công an trên khắp các địa bàn cũng luôn bám dân, bảo vệ bình yên cho dân. Hằng năm, các địa phương đều tổ chức Ngày hội “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, qua đó tăng cường gắn kết cộng đồng, thu thập được nguồn tin quan trọng phục vụ công tác giữ gìn an ninh trật tự.

Đại tá Lã Văn Hào, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh khẳng định: Dù thời chiến hay thời bình, dù là xây dựng hay bảo vệ Tổ quốc thì vai trò của quần chúng nhân dân là vô cùng quan trọng. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân có vững mạnh thì độc lập dân tộc, hòa bình trên mỗi miền quê mới được giữ vững.

“Lấy dân làm gốc”, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc là bài học quý báu mà dân tộc ta nói chung, tỉnh Bắc Kạn nói riêng sẽ luôn gìn giữ và phát huy./.

Xuân Nghiệp - Kim Chi

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/cach-mang-thang-tam-va-bai-hoc-xay-dung-the-tran-long-dan-post65266.html