Cách nào bảo vệ học đường trước ma túy 'núp bóng' thực phẩm?
Đang có nhiều loại ma túy mới chưa từng xuất hiện, núp bóng trong thực phẩm, thuốc lá điện tử, có khả năng xâm nhập vào trường học.
Tội phạm ma túy luôn “đi trước một bước”
Cách đây không lâu, 13 học sinh của Trường THPT Hoành Bồ, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã ăn chung một gói kẹo màu xanh, có in chữ nước ngoài, không rõ xuất xứ, do một bạn học mang đến quán cà phê.
Sau đó, các em phải nhập viện vì những triệu chứng ngộ độc, như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, tê bì chân tay... Bệnh viện đã làm test nhanh nước tiểu các học sinh trên và kết quả 13 em đều dương tính với cần sa (một trong các loại ma túy).
Đây là một trong số rất nhiều trường hợp ma túy “núp bóng” thực phẩm để tấn công HSSV.
Theo cảnh báo của Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy (Bộ Công an), hiện gia tăng tình trạng ma túy “núp bóng” dưới 2 dạng.
Các loại thực phẩm và dược phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm chức năng được sản xuất, đóng gói có phép của cơ quan chức năng, nhưng có chứa chất ma túy. Dạng thứ 2 là tội phạm thực hiện hành vi pha trộn, tẩm ướp, đóng gói ma túy dưới dạng thực phẩm, thuốc lá điện tử...
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cảnh báo, ma túy “núp bóng” thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in các dòng chữ dễ nhầm lẫn như: Crispy fruit, Mango, “nước vui”, cà phê “White Coffe”, “CHALI”... Những loại ma túy “núp bóng” được vận chuyển về Việt Nam theo dạng hàng hóa xách tay và được rao bán tại các shop online, quán bar, pub…
Một số đối tượng cũng bán các loại ma túy này tại các cơ sở giáo dục, các trường đại học, trung học nhằm lôi kéo, dụ dỗ HSSV sử dụng chất ma túy.
Trên thực tế, nhiều địa phương trong cả nước đã phát hiện các loại ma túy núp bóng thực phẩm như: “Nước xoài” chứa ma túy tại TPHCM vào tháng 10/2020; “Nước nho” có chứa ma túy tại Đà Nẵng vào tháng 4/2022; Socola có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA tại Hà Nội vào tháng 6/2022. Ngoài ra, còn có các loại bánh lười “lazy cakes” chứa cần sa; Nước nho Ribena chứa ketamine...
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc thuốc lá điện tử.
Đơn cử như một nữ sinh 20 tuổi ở Hà Nội đã rơi vào hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy ADB-BUTINACA.
Đây là một trong những chất ma túy mới mà tội phạm ma túy sử dụng để đưa vào dung dịch thuốc lá điện tử. Theo Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, đã phát hiện những chất ma túy mới, chưa có trong danh mục chất cấm tại Việt Nam như các chất eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử.
Các bác sĩ cho biết, các chất ma túy mới này có loại sẽ gây kích thích vật vã, hoang tưởng, ảo giác nhưng cũng có loại khiến con người co giật, tím tái, sùi bọt mép, tổn thương đa tạng, suy tim, tổn thương não lan rộng, hôn mê sâu, phù não...
Theo Viện Khoa học Hình sự, sẽ rất khó phân biệt được thuốc lá điện tử có tinh dầu nguyên chất hay đã được pha ma túy vì các chất ma túy này không màu, không mùi và do lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan khó có thể nhận biết được.
Chỉ có người bán và người sử dụng mới biết được thuốc lá điện tử có chất ma túy hay không (từ nguồn mua, giá cả).
BS Huỳnh Thanh Hiển - chuyên gia về ma túy, nguyên Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Tâm thần TPHCM - nhận định: “Thế giới ngầm luôn đi trước luật pháp và các nhà quản lý một bước, họ luôn tìm cách lách luật một cách khôn ngoan. Khi luật pháp cấm chất này họ sẽ tìm ra chất khác chưa bị luật pháp phát hiện và ngăn cấm để thay thế”.
Lợi dụng tâm lý tò mò tuổi mới lớn
Vì sao HSSV dễ rơi vào ma trận ma túy? Theo BS Huỳnh Thanh Hiển, độ tuổi tiếp cận ma túy thường là thanh thiếu niên.
“Đây là độ tuổi ham tìm hiểu và muốn khẳng định là mình đã lớn, thậm chí có những hành động sai nhưng lại được cổ vũ do sự ngộ nhận về giá trị.
Xu hướng thích nổi loạn cũng góp phần khiến các em dễ bị dụ dỗ và sa vào sử dụng ma túy. Hầu hết các tình trạng nghiện ngập đều bắt đầu từ những cuộc chơi và sự rủ rê, cộng với bản tính tò mò “thử cho biết” của tuổi mới lớn”, BS Huỳnh Thanh Hiển lý giải.
BS Huỳnh Thanh Hiển cho rằng, để bảo vệ trẻ trước hiểm họa ma túy vây quanh trường học, cần theo đúng mục tiêu “Không thử dù chỉ một lần”.
Đây là thông điệp đơn giản, gọn và chính xác để phòng ngừa ma túy.
Vai trò của gia đình là rất quan trọng để thực hiện thông điệp này, như phải tìm cách kiểm soát tiền bạc và thời gian rảnh của con; biết được những mối quan hệ bạn bè của con.
Để bảo vệ HSSV khỏi ma trận ma túy, các chuyên gia cho rằng cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để tác động trên cả 3 bình diện: Nhận thức, cảm xúc và hành vi.
Trong đó, tăng cường vai trò chủ động của gia đình, nhà trường và đoàn thể, tổ chức xã hội.
Trong nội dung hoạt động giáo dục kỹ năng sống, báo cáo chuyên đề ở trường học nên tập trung tăng hiểu biết của học sinh về thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ các em sử dụng các loại ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống vào nội dung.
Học sinh cũng cần biết được hậu quả khi sử dụng các loại ma túy cũng như kỹ năng từ chối lời rủ rê sử dụng các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc của bạn bè, người quen.
Hoạt động này nên phối hợp với các chuyên gia về ma túy và nên được thực hiện bằng cách đóng vai trong các tình huống giả định.
Hình thức truyền thông sinh động và phong phú sẽ giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ để chủ động phòng tránh các loại ma túy với hình thức mới đang ngày càng xuất hiện nhiều quanh trường học.
Kết quả cuộc điều tra xã hội học với 2.000 học sinh ở nhiều địa phương của Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho thấy, có tới 65% học sinh không biết tác hại của ma túy nên tò mò dùng thử; 27% bị bạn bè rủ rê; 8% nghiện do bị lừa sử dụng lúc nào không biết. Có từ 3 - 5% số học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên đã dương tính với các loại ma túy.