Cách nào chống ùn tắc giao thông giờ cao điểm?

Trước tình trạng lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, gây ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường, nút giao thông, ảnh hưởng đến vấn đề an toàn giao thông (ATGT) và phát triển kinh tế, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm áp lực cho hạ tầng giao thông.

Thành phố Vĩnh Yên nỗ lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, hiện đại để góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyễn Lượng

Thành phố Vĩnh Yên nỗ lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, hiện đại để góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc và kiềm chế tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyễn Lượng

Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển KT-XH, số lượng phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là ô tô không ngừng gia tăng, cộng với lưu lượng phương tiện từ các địa phương khác qua địa bàn tỉnh luôn ở mức cao, đã gây áp lực đối với hệ thống hạ tầng giao thông cũng như trật tự ATGT của tỉnh.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, hiện nay, Vĩnh Phúc đang quản lý trên 897 nghìn phương tiện giao thông, trong đó có trên 64,3 nghìn xe ô tô; hơn 792,2 nghìn xe máy và gần 40,7 nghìn xe máy điện.

Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, trong khi hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông dù luôn được quan tâm đầu tư nhưng chưa theo kịp nhu cầu phát triển xã hội, gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ.

Tiêu biểu như đoạn từ Km18 đến Km21 Quốc lộ 2B đường lên thị trấn Tam Đảo trong những dịp nghỉ lễ, cuối tuần và tại một số tuyến đường, nút giao thông trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên, vào giờ tan tầm, hoặc những ngày mưa bão, thường xuyên bị ách tắc, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Tại khu vực trung tâm thành phố Vĩnh Yên, theo ghi nhận của phóng viên, khu vực vòng xuyến ngã 5 Gốc Vừng, nút giao đường Lý Thái Tổ-Kim Ngọc, nút giao đường Lý Thái Tổ-Nguyễn Tất Thành vào giờ cao điểm buổi sáng và chiều tối, dù có tín hiệu giao thông và lực lượng chức năng điều tiết song các loại phương tiện vẫn xếp hàng dài...

Vào những ngày trời mưa, lượng ô tô tham gia lưu thông còn tăng lên đáng kể khiến cho phương tiện lưu thông càng khó khăn hơn, phải nhích từng chút một để di chuyển.

Chị Bùi Thị Yến Hoa (xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương) than thở: “Để đi qua được nút giao đường Lý Thái Tổ-Kim Ngọc vào giờ cao điểm, có hôm tôi phải mất từ 5-10 phút hoặc hơn. Dẫu biết rằng đi qua đây phải chịu cảnh này nhưng chẳng còn cách nào khác, bởi đây là con đường chính duy nhất để đến cơ quan”.

Nhằm giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, thời gian qua, các ngành chức năng đã liên tục theo dõi để có phương án điều chỉnh chu kỳ đèn giao thông hợp lý, đặt biển cấm rẽ trái tại một số nút giao, như nút giao đường Lý Thái Tổ-Kim Ngọc để hạn chế xung đột giao thông.

Đồng thời, bố trí lực lượng phân luồng hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm tại vị trí các nút giao, khu vực ngã tư, ngã năm; tăng cường công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự ATGT; tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức, tuân thủ, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ…

Trên cơ sở các nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông cục bộ tại một số nút giao thông, tuyến đường, về lâu dài, Sở GTVT đã xác định những giải pháp mang tính chiến lược và nhanh chóng triển khai thực hiện như tham mưu UBND tỉnh quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tầm nhìn đến 2030 và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự, ATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025.

Đề xuất xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên ùn tắc cục bộ như nút giao đường Lý Thái Tổ-Kim Ngọc và nút giao đường Lý Thái Tổ-Nguyễn Tất Thành; phối hợp, chỉ đạo Ban QLDA ĐTXD các công trình giao thông tỉnh triển khai thủ tục đầu tư, khởi công mới 3 dự án đường giao thông; hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 trình UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh 14 dự án.

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục rà soát, đề xuất khắc phục các điểm, tuyến đường tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, mất ATGT; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, góp phần đảm bảo trật tự ATGT.

Đồng thời, triển khai thực hiện tốt quy hoạch điều chỉnh phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; bám sát chủ trương, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để đề xuất đầu tư các công trình giao thông lớn, trọng điểm.

Hoàn thiện thủ tục để khởi công mới các công trình giao thông trong kế hoạch năm 2022, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đề ra; ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/83214/cach-nao-chong-un-tac-giao-thong-gio-cao-diem.html