Cách nào để thích ứng ở vùng 'rốn lũ' Đắk Nông?

Xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô là vùng chuyên canh lúa nước của tỉnh Đắk Nông, hàng năm chịu tác động từ ngập lụt. Chính quyền, người dân xã Buôn Choáh phải tìm cách thích ứng vừa bảo đảm an toàn người dân, vừa phát triển kinh tế.

“Lũ về, tôi chỉ biết ôm con chạy lên cao!”

Năm 2000, có lẽ là năm ám ảnh nhất đối với nhiều hộ dân xã Buôn Choáh. Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài, lũ bất ngờ đổ về, nhận chìm toàn bộ vùng trồng lúa rộng cả trăm héc ta. Nước lũ dâng cao đến độ, khắp vùng chỉ còn một vài nóc nhà nhấp nhô trên mặt nước trắng xóa.

Bà Triệu Thị Thuận, thôn Thanh Sơn, nhớ lại cảnh nước lũ đổ về xã Buôn Choáh năm 2020

Bà Triệu Thị Thuận, thôn Thanh Sơn, nhớ lại cảnh nước lũ đổ về xã Buôn Choáh năm 2020

Nhắc về trận lũ lịch sử này, bà Triệu Thị Thuận, thôn Thanh Sơn vẫn nhớ như in cảnh ôm 2 đứa con nhỏ tháo chạy khỏi căn nhà đã ngập đến mái.

“Nước về nhanh quá, tôi không kịp trở tay vì còn 2 đứa nhỏ. Ôm được cái gì thì ôm, chạy thật nhanh lên phía trên cao. Lúc đó, chỉ nghĩ làm sao để giữ được mạng sống chứ không thiết tha gì tài sản”, bà Thuận kể.

Bỏ lại toàn bộ đồ đạc, lương thực, bà Thuận nói rằng, sau nhiều năm từ tỉnh Lạng Sơn vào tỉnh Đắk Nông sinh sống, đó là lần đầu tiên và duy nhất tới thời điểm này, bà chứng kiến ngập lụt kinh hoàng đến vậy.

“Tôi không nhớ thôn xóm đã thiệt hại những gì, chỉ biết rằng sau đợt lũ lụt ấy, gia đình tôi trắng tay. Ngày ấy, rất nhiều hộ dân trong vùng đều chung cảnh ngộ. May mắn giữ được mạng sống, chúng tôi gây dựng lại từ đầu. Vài năm liền chịu ảnh hưởng vì ngập lụt, đến năm 2010 tôi chuyển nhà lên vị trí cao hơn để ở. Tuy nhiên, có một số năm, nước lũ vẫn tràn vào tới tận bên trong nhà”, bà Thuận bồi hồi nhớ lại.

Cũng là một trong những nhân chứng của trận lũ lụt năm 2000, anh Ngô Văn Sỹ, thôn Ninh Giang, gọi đó là “trận lũ lụt lịch sử”. Tưởng chừng chỉ có ngập lụt ở vùng đồng bằng nên ngày lũ đổ về, nhiều hộ dân ở vùng núi Buôn Choáh trở tay không kịp.

“Ở ngoài quê thì ngập lụt nhiều rồi, hầu như năm nào cũng bị nên người dân không bị động, bất ngờ. Sau nhiều năm vào Đắk Nông, đó là năm đầu tiên gia đình tôi bị ngập lụt. Tôi nhớ lúc đó mới thu hoạch xong, lúa để hết trong nhà. Lũ về, cả nhà chỉ mang được vài bao lúa lên trên cao cất giữ, còn lại bị ngâm nước hết. Vài ngày sau lúa mọc mầm trắng xóa”, anh Sỹ nhắc về những thiệt hại của gia đình trong đợt lũ năm 2000.

Sau trận ngập lụt lịch sử năm 2000, người dân xã Buôn Choáh tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các trận ngập lụt khác. Trong ảnh là xã Buôn Choáh chìm trong biển nước năm 2020 (Ảnh: Cẩm Xuyên)

Sau trận ngập lụt lịch sử năm 2000, người dân xã Buôn Choáh tiếp tục chịu ảnh hưởng từ các trận ngập lụt khác. Trong ảnh là xã Buôn Choáh chìm trong biển nước năm 2020 (Ảnh: Cẩm Xuyên)

Gần 20 năm sau “trận lũ lụt lịch sử”, anh Sỹ và người dân xã Buôn Choáh tiếp tục chịu thiệt hại ở trận lũ lụt năm 2016. Mưa lớn kéo dài, cùng với việc vận hành điều tiết nước hồ Thủy điện Buôn Tua Srah đã gây thiệt hại hàng trăm héc ta lúa, hoa màu và nhiều tài sản khác của người dân. Nước lũ đã khiến nhiều khu dân cư bị chia cắt, thiếu điện, nước sinh hoạt...

“So với năm 2000, lũ năm 2016 lên chậm hơn. Mấy năm nay nhờ có cảnh báo từ trước nên bà con chủ động hơn trong việc phòng chống, qua đó mà giảm thiểu được thiệt hại”, anh Ngô Văn Sỹ nói tiếp.

Trận ngập tháng 12 năm 2020 đã khiến cánh đồng và đường giao thông thôn Ninh Giang bị nước nhấn chìm (Ảnh: Phạm Hoài)

Trận ngập tháng 12 năm 2020 đã khiến cánh đồng và đường giao thông thôn Ninh Giang bị nước nhấn chìm (Ảnh: Phạm Hoài)

Vùng "rốn lũ" tìm cách thích ứng

Buôn Choáh được coi là vùng rốn lũ của tỉnh Đắk Nông. Hầu như năm nào địa phương này cũng chịu tác động của lũ lụt. Sau năm 2016, xã Buôn Choáh tiếp tục chịu tác động của các trận lũ lụt liên tiếp qua các năm 2017, 2019 và 2020.

Theo ngành chức năng, so với các địa phương trong cả nước, ngập lụt tại đây xuất hiện muộn, thường là vào tháng 10, 11. Cá biệt, có năm ngập lụt xảy ra vào tháng 12, khi nhiều địa phương khác trong tỉnh đang vào mùa khô.

Xã Buôn Choáh nằm cạnh sông Krông Nô, hàng năm đều chịu tác động của dòng nước con sông này

Xã Buôn Choáh nằm cạnh sông Krông Nô, hàng năm đều chịu tác động của dòng nước con sông này

Nguyên nhân khiến xã Buôn Choáh là vùng “rốn lũ" là phần lớn đất sản xuất của người dân nằm ở vùng trũng, cạnh sông Krông Nô. Thời điểm này, Thủy điện Buôn Tua Srah và Thủy điện Chư Pông K’rông (nằm tại thượng nguồn sông) không còn tác dụng cắt lũ nên nước nhanh chóng bao trùm phần lớn diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu của người dân.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, hàng năm, xã Buôn Choáh đều chịu tác động của ngập lụt, tập trung tại các thôn Ninh Giang, Bình Giang, Thanh Sơn, Cao Sơn… Khu vực có nhiều hộ sống gần bờ sông Krông Nô, thường xuyên chịu ảnh hưởng do lũ lụt gây ra.

Đơn cử năm 2022, trận ngập lụt đã làm cho 56 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 25km đường giao thông ngập nước không đi lại được. Trong đợt lũ này đã có hơn 120 lồng nuôi cá của người dân bị thiệt hại, 65ha cây trồng của người dân cũng bị thiệt hại.

Trong trận lũ lụt năm 2022, nhiều cụm dân cư bị cô lập hoàn toàn. Địa phương đã phải di dời khẩn cấp người dân về khu vực tránh lũ an toàn để bảo vệ.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô khuyến cáo người dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm để tránh tác động do ngập lụt những tháng cuối năm

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô khuyến cáo người dân chỉ sản xuất 2 vụ lúa/năm để tránh tác động do ngập lụt những tháng cuối năm

Nhằm hạn chế tác động của mưa lũ, ngập lụt, trong thời gian qua, chính quyền địa phương và người dân xã Buôn Choáh đã thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân được đặt lên hàng đầu.

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô thông tin, để bảo đảm an toàn về người, tài sản, huyện đã đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí nguồn vốn thực hiện dự án tái định cư. Khu dân cư tập trung mới sẽ có với diện tích khoảng 10ha tại tiểu khu 1260, thôn Cao Sơn. Đây là khu vực nằm trên cao, đất bằng phẳng, thuận lợi cho người dân đi lại.

“Bên cạnh di dời, hỗ trợ người dân ra khỏi khu vực thường xuyên chịu tác động của ngập lụt, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với 2 nhà máy thủy điện để điều tiết, cắt xả lũ, đặc biệt là cảnh báo, thông báo để người dân chủ động di dời tài sản, thu hái hoa màu.

Hàng năm, địa phương phối hợp với đơn vị vận hành hồ chứa cụ thể hóa các yêu cầu về cung cấp thông tin, thông báo, báo cáo, phối hợp trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các hồ chứa, tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa”, ông Doãn Gia Lộc cho hay.

Ngoài bảo đảm an toàn cho người dân, trong những năm qua, huyện Krông Nô đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với tình trạng ngập lụt. Ngành chức năng khuyến cáo người dân chỉ sản xuất lúa 2 vụ/năm và trồng xen một vụ hoa màu ngắn ngày. Đối với nuôi cá lồng bè, chủ lồng tiến hành thu hoạch trước mùa ngập lụt hàng năm.

Thanh Hằng

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cach-nao-de-thich-ung-o-vung-ron-lu-dak-nong-225478.html