Cách nào để tránh 'bẫy' gian lận thương mại quốc tế

Gần đây, Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài liên tục cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng để tránh bị gian lận thương mại quốc tế. Trên thực tế, lừa đảo thương mại không phải là vấn đề mới nhưng gần đây câu chuyện thận trọng khi giao thương lại trở nên nóng hơn trước những cảnh báo từ các thị trường xuất khẩu (XK).

Theo Bộ Công Thương, từ cuối năm 2023 đến nay, số doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp phải tình trạng gian lận, lừa đảo nhiều hơn với những thủ đoạn tinh vi hơn và không ít doanh nghiệp đã bị lừa vài chục nghìn USD, thậm chí lên đến hàng triệu USD. Điều đáng nói là hầu hết các vụ việc sau khi phát hiện bị gian lận thương mại, lừa đảo, đa số DN Việt Nam mới đề nghị Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước hỗ trợ, tìm DN lừa đảo để đòi lại số hàng hóa, tiền đã mất. Tuy nhiên, việc tìm lại được hàng hóa hay tiền DN đã bị lừa rất khó khăn và tốn kém.

Mới đây, tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Theo đó, DN Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET với đối tác UAE với trị giá 665.500 USD. Tuy nhiên, sau khi nhận đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho DN Việt Nam với trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ.

Sau khi trao đổi với đối tác để cùng giải quyết sự cố, DN Việt Nam cho biết phía bạn không có phản hồi tích cực. Trước tình hình đó, DN Việt Nam đã liên hệ với Bộ Công Thương Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại UAE đề nghị hỗ trợ giải quyết vụ việc. Ngay sau khi nhận được đề nghị của DN, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại UAE khẩn trương có Công hàm gửi các cơ quan chức năng ở sở tại, đồng thời trực tiếp làm việc với đối tác của DN Việt Nam, cũng như lãnh đạo ngân hàng tiến hành giao dịch đề nghị hỗ trợ tạm giữ số tiền giao dịch giữa hai bên để làm rõ sự việc, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho DN.

Trên tinh thần làm việc khẩn trương, quyết liệt và can thiệp kịp thời của Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại UAE, đến ngày 11/4/2024, DN Việt Nam đã nhận lại đủ số tiền tạm ứng cho đối tác UAE và giúp công ty tránh được thiệt hại là 526.257 USD (tương đương với 13,4 tỷ đồng).

Tương tự, câu chuyện đối tác cung ứng điều thô ở Tây Phi trong các tháng gần đây có biểu hiện "lật kèo" là chỉ cung ứng 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy hàng bán cho người mua khác với giá cao hơn trong lúc giá cả tăng vọt.

Khi các đơn hàng có dấu hiệu nghi ngờ, doanh nghiệp cần thận trọng và xác minh kỹ qua kênh Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Khi các đơn hàng có dấu hiệu nghi ngờ, doanh nghiệp cần thận trọng và xác minh kỹ qua kênh Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại khu vực.

Theo các chuyên gia thương mại, số lượng vụ việc ngày một tăng thêm và diễn ra ở mọi thị trường từ châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ đến các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italy… Đó cũng là một bài học để DN Việt cần phát triển thêm cơ chế quản lý rủi ro cũng như không nên mạo hiểm trước rủi ro lớn trong giao thương. Nguyên nhân dẫn đến việc DN Việt XK bị đối tác nước ngoài đưa vào "bẫy" lừa đảo thương mại do việc tiếp cận còn chủ quan, soạn thảo hợp đồng sơ hở và thiếu cam kết chặt chẽ. Do đó, các chuyên gia cho rằng khi giao dịch quốc tế, DN phải thật "nhạy cảm" trước những thay đổi và tình huống mới phát sinh, nhất là pháp lý.

Về thị trường Arab Saudi, ông Trần Trọng Kim, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi cho hay, trước tình hình thực tế khi xung đột tại Biển Đỏ vẫn đang gia tăng, đề nghị DN tăng cường tìm các đầu mối nhập khẩu hàng hóa mà không đi qua khu vực Biển Đỏ (hiện nay hàng hóa đến Arab Saudi qua cảng khô Riyadh, cảng Dammam và Yanbu không bị ảnh hưởng).

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có một số vụ việc đáng tiếc. Điều này một phần do tâm lý chủ quan, phần nữa từ hiểu biết trong giao dịch thương mại. Hay có trường hợp đã nắm được thông tin nhưng thực tế những phát sinh xảy ra ngày càng phức tạp và đa dạng mà DN không lường trước được. Việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên DN cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu DN trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hóa để giảm bớt thiệt hại.

Để hỗ trợ DN, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho DN thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho DN tham gia hoạt động thương mại quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo DN Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ là cầu nối giúp DN xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà DN đang tiến hành giao dịch quốc tế; hỗ trợ DN giải quyết tranh chấp thương mại nếu có xảy ra, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho DN.

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/cach-nao-de-tranh-bay-gian-lan-thuong-mai-quoc-te-i737505/