Tin tức kinh tế ngày 22/8: Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu rau quả Việt Nam

Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu rau quả Việt Nam; Lãi suất gửi tiền kỳ hạn dài cán mốc 7,4%/năm; Giá cà phê lập kỷ lục mới… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 22/8.

Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu rau quả Việt Nam (Ảnh minh họa)

Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu rau quả Việt Nam (Ảnh minh họa)

Giá vàng quay đầu giảm

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/8, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2503,12 USD/ounce, giảm 14,83 USD so với cùng thời điểm ngày 21/8.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 22/8, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/8.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/8.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 79-81 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 21/8.

Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu rau quả Việt Nam

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), xuất khẩu rau quả trong 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,6 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí là thị trường lớn nhất, với kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Việt Nam đạt gần 2,5 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, tăng 25% so với năm trước. Mỹ và Hàn Quốc cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ với kim ngạch lần lượt đạt 189 triệu USD và 188 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, Thái Lan trước đây đứng thứ 6 sau Nhật Bản và Đài Loan, đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 123 triệu USD (khoảng 3.064 tỷ đồng), tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quốc gia có mức tăng trưởng mua nông sản Việt Nam mạnh nhất trong giai đoạn này.

Lãi suất gửi tiền kỳ hạn dài cán mốc 7,4%/năm

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố thông tin về diễn biến lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng tháng 7/2024.

Theo đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) bình quân của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4%-3,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4%-4,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,5%-6,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,9%-7,4%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng.

Về lãi suất cho vay, lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở trong khoảng 6,9%-9,3%/năm.

Việt Nam chi gần 2,3 tỷ USD mua hạt điều trong 8 tháng đầu năm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,78 triệu tấn hạt điều thô với giá trị hơn 2,1 tỷ USD, tăng 2,5% về lượng và 0,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Tính từ đầu năm đến ngày 15/8, nước ta đã chi gần 2,3 tỷ USD để nhập khẩu khoảng 1,88 triệu tấn hạt điều thô, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Sự phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến ngành điều Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn. Đầu năm nay, giá hạt điều thô tăng mạnh, nhà cung cấp yêu cầu tăng giá hoặc hủy đơn hàng, gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu nghiêm trọng cho các nhà máy sản xuất trong nước.

Giá cà phê lập kỷ lục mới

Khép lại phiên giao dịch ngày 21/8, hai mặt hàng cà phê cùng lập đỉnh mới, nối dài đà tăng sang phiên thứ 5 liên tiếp.

Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng 0,3%, tiến sát mức giá cao nhất hai năm rưỡi đã ghi nhận vào giữa tháng 7; giá cà phê Robusta phá vỡ kỷ lục vừa hình thành ở phiên trước, tạo mức đỉnh lịch sử mới khi gần tiến tới mốc 5.000 USD/tấn.

Thị trường tiếp tục phản ứng với rủi ro thời tiết có thể ảnh hưởng đến triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2025 -2026 của Brazil. Lo ngại sương giá trở lại vào cuối tháng 8 chưa qua, nông dân trồng cà phê tại Brazil lại đối mặt với tình trạng khô hạn tại các vườn trồng cà phê chính.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-228-thai-lan-tang-manh-nhap-khau-rau-qua-viet-nam-716319.html