Cách nào giúp trẻ bắt nhịp đến trường sau Tết?
Sau Tết, chuông đồng hồ lại reo vang và tiếng gọi 'Con ơi, dậy đi học nào' khiến không ít phụ huynh cảm thấy việc lôi con khỏi giường để đến trường như tham gia một 'cuộc chiến'.
Khi được nghỉ Tết, trẻ thường được ngủ nướng, dậy muộn, cả ngày chỉ đi chơi và đi ăn. Sau kỳ nghỉ Tết, trẻ thường có tâm lý uể oải, mệt mỏi và chán học. Để con trẻ hào hứng và nhanh chóng bắt nhịp việc học tập trở lại, các chuyên gia đã có những kinh nghiệm, mẹo nhỏ giúp cha mẹ chuẩn bị tâm lý cho các con, giúp con trẻ lấy lại tinh thần học tập sau Tết.
Theo ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân - giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường Đại học Hùng Vương, ngay cả người lớn cũng có chút nuối tiếc khi kỳ nghỉ Tết dài ngày kết thúc, vì vậy, việc trẻ nhỏ có nhiều xúc cảm trái ngược khi quay lại trường học cũng không có gì lạ. Trẻ có thể phấn khích khi được gặp lại thầy cô và bạn bè, nhưng cũng có trẻ cảm thấy lo lắng, căng thẳng.
ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, ở mỗi lứa tuổi khác nhau, trẻ có những trạng thái tâm lý khác nhau khi trở lại nhiệm vụ học tập sau thời gian dài được nghỉ xả hơi ngày Tết, cha mẹ cần bình tĩnh đồng hành với con khi quay lại trường.
Ở độ tuổi mẫu giáo, khi trẻ trở lại trường lớp thường mè nheo, khóc lóc. Độ tuổi tiểu học, trẻ thường uể oải, chán nản, buồn bã khi phải đi học lại. Lứa tuổi lớn hơn, nhiều trẻ mong muốn kỳ nghỉ Tết kéo dài thêm để được vui đùa và đi chơi được nhiều nơi thoải mái hơn. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, các con đã trải nghiệm qua nhiều kỳ nghỉ Tết, nhận thức được việc đi học là điều tất nhiên nên đã biết chấp nhận và phản ứng ra bên ngoài nhẹ nhàng hơn.
"Cha mẹ hãy ngồi lại với con nói về những kế hoạch quay lại trường học, cùng nhau xếp lại góc học tập, chuẩn bị sách vở cho học kỳ mới và thảo luận về kế hoạch trẻ sẽ quay lại trường thế nào với những hoạt động vui vẻ ra sao. Sau đó, cha mẹ yêu cầu trẻ đi ngủ và thức giấc theo thời gian biểu trước đó.
Về phía giáo viên, thầy cô không nên đặt nặng việc dạy kiến thức ngay trong những ngày đầu các con đi học trở lại. Thầy cô có thể chọn nội dung là các môn nhẹ nhàng để học sinh dần bắt nhịp học trở lại, rèn thói quen, hứng thú học tập trở lại".
Chia sẻ thêm, thầy Bùi Gia Hiếu - Chủ tịch Hội đồng Hệ thống trường tiểu học, THCS, THPT Tre Việt (Bamboo School), tác giả cuốn sách Dạy con trong hạnh phúc cho rằng, việc giúp học sinh quay lại nhịp học tập sau kỳ nghỉ không chỉ là thử thách của các em mà còn là một hành trình cần sự yêu thương, thấu hiểu và đồng hành của cả cha mẹ, thầy cô.
"Đối với học sinh, kỳ nghỉ Tết giống như một "giấc mơ dài" với những ngày vui chơi thỏa thích, những tiếng cười bên gia đình và cảm giác thoải mái khi được tạm gác lại bài vở. Thế nhưng, khi kỳ nghỉ kết thúc, việc quay lại trường học đôi khi có thể khiến các em cảm thấy hơi "choáng" như vừa tỉnh giấc sau một giấc mơ đẹp.
Đây là lúc các em cần chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng để đón nhận những ngày học mới đầy ý nghĩa. Vào ngày cuối kỳ nghỉ, các em hãy dành chút thời gian để ôn tập lại bài học cũ, để không bị bỡ ngỡ khi quay lại lớp.
Hãy thử thu xếp góc học tập của mình thật gọn gàng như một cách tạo cảm giác mới mẻ và sẵn sàng cho chặng đường tiếp theo. Đặc biệt, các em nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt để cơ thể không bị mệt mỏi, giúp các em có một khởi đầu thật hứng khởi. Và quan trọng nhất, hãy nhớ mang theo tinh thần tích cực đến trường, vì mỗi ngày học là một cơ hội để các em học hỏi thêm những điều thú vị, gặp gỡ bạn bè, và khám phá thêm những điều mới mẻ".
Với phụ huynh, thầy Hiếu cho rằng, điều quan trọng nhất trong giai đoạn này chính là sự đồng hành và kiên nhẫn. Sau Tết, trẻ có thể bị mất tập trung hoặc có chút "lười biếng", điều này là hoàn toàn tự nhiên. Thay vì vội vàng thúc giục, cha mẹ có thể khéo léo cùng con tạo ra một môi trường học tập tích cực, như cùng con chuẩn bị góc học tập gọn gàng trong không khí vui vẻ và đặc biệt là những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, động viên. "Hãy hỏi con những câu như: "Con thấy điều thú vị gì trong kỳ nghỉ vừa qua?" hoặc "Con có kế hoạch gì cho tuần đầu tiên trở lại trường?".
Điều quan trọng không phải là giải pháp mà là cách cha mẹ giúp con cảm thấy được lắng nghe và chia sẻ. Và khi cha mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc trong hành trình cùng con thì những áp lực nặng nề sẽ tự nhiên tan biến".