Công dụng chữa bệnh của 4 loài hoa mùa Xuân

Mùa Xuân trăm hoa đua nở và cũng là thời điểm nhiều loại hoa được thu hái để sử dụng làm thuốc quanh năm...

1. Hoa đào mùa Xuân chữa bệnh và làm đẹp

Hoa đào không chỉ đẹp mà còn là một trong những loại thuốc độc đáo của y học. Hoa đào có thể trị được các bệnh liên quan đến hệ bài tiết, kiết lỵ kéo dài, các chứng cước khí, đau vùng tim, trị hói đầu, rụng tóc, kiểm soát cân nặng và làm đẹp da. Chính vì vậy mà từ xa xưa, sau dịp tết Nguyên đán, người ta thường thu hái hoa đào vào trong bóng râm phơi khô (phơi âm can) và bảo quản ở nơi cao ráo, thoáng mát để làm thuốc dùng dần.

Theo y học cổ truyền, hoa đào có tính bình, vị đắng, đi vào 2 kinh can - vị, có công năng hoạt huyết, lợi thủy, thông tiện, chữa trị chứng thủy thũng, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện không lợi, kinh nguyệt không thông... Loài hoa này còn dùng để chữa bệnh sởi, thủy đậu.

Lưu ý, phụ nữ có thai không được dùng, vì thuốc gây hưng phấn, kích thích tử cung.

Hoa đào là loài hoa mùa Xuân có nhiều công dụng với sức khỏe.

Hoa đào là loài hoa mùa Xuân có nhiều công dụng với sức khỏe.

Cách sử dụng hoa đào chữa bệnh và làm đẹp:

- Cháo hoa đào: Hoa đào nấu với gạo tẻ, mật ong và đường thành cháo để ăn, có tác dụng hoạt huyết, chữa đại tiểu tiện bí kết.

- Nước hoa đào:

Cách 1: Hoa đào và hoa mai lượng bằng nhau (dùng hoa khô), pha (với nước sôi) cho ra nước, dùng nước này để rửa mặt, có tác dụng tẩy bỏ dần các vết thâm và nốt xám đen trên mặt, làm đẹp da.

Cách 2: Hoa đào 10g, hoa sen 15g, phơi khô, nghiền nhỏ, chia 3 lần bỏ vào cốc thủy tinh, pha nước sôi như pha trà, để một lát cho nước còn ấm, uống như uống nước trà, nhằm chữa các vết sắc tố trên da mặt.

- Mặt nạ hoa đào: Dùng hoa đào và muối ăn cùng lượng, giã nát trộn đều hòa với giấm thoa lên mặt. Nếu trên mặt có nốt mụn ra nước vàng hoặc mủ đặc, có thể dùng bột hoa đào hoặc trà hoa đào để uống.

Hoặc lấy hoa đào, nhân hạt bí đao nghiền mịn, trộn với mật ong, buổi tối xoa lên mặt, sáng dậy rửa đi, các vết nhăn sẽ dần dần hết.

- Hoa đào ngâm rượu:

Cách 1: Hoa đào, hoa hồng, hoa tường vi, hoa mai, hoa rau hẹ, trầm hương (mỗi loại 30g), đào nhân 24g. Đem các vị trên ngâm trong 1 lít rượu, đậy kín, sau 1 tháng có thể đem ra dùng được. Trong quá trình ngâm nên lắc nhiều lần cho thật đều. Mỗi lần uống 20 ml, ngày uống 1-2 lần, có tác dụng cải thiện chứng liệt dương.

Cách 2: Hoa đào 100g, rửa sạch ngâm với 1 lít rượu trắng, đậy nắp kín, sau một tuần lấy ra uống. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 10ml có tác dụng hoạt huyết.

Hoa đào có thể nấu cháo giúp hoạt huyết hoặc dùng để dưỡng nhan, làm đẹp ngày Tết.

Hoa đào có thể nấu cháo giúp hoạt huyết hoặc dùng để dưỡng nhan, làm đẹp ngày Tết.

2. Hoa mai

Hoa mai vàng là loài hoa mùa Xuân có tác dụng cải thiện tiêu hóa. Lá non có thể dùng làm rau xanh. Ở miền Nam, người ta phơi hay sấy khô vỏ cây mai vàng, rồi ngâm vào rượu để chiết những chất có vị đắng, làm thuốc bổ, lợi tiêu hóa. Vào những ngày Tết, ăn nhiều thịt, mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh, nếu làm một ly rượu đắng mai vàng khai vị, sẽ thấy ngon miệng hơn.

Trong đông y, rễ mai vàng có thể dùng làm thuốc xổ (tẩy) nhẹ sán, làm thuốc chữa trị các hỗn loạn bạch huyết.

Một số tác dụng chữa bệnh từ bài thuốc có hoa mai như:

- Tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực: Hoa mai 3g, thảo quyết minh 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

- Chướng bụng, đầy hơi: Hoa mai 10g, mộc hương 10g, hương phụ 15g, sắc uống.

- Đau bụng do lạnh: Hoa mai và chu sa liên, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 3- 6g với rượu nhạt.

Cây hoa mai, loài hoa mùa Xuân có nhiều công dụng chữa bệnh.

Cây hoa mai, loài hoa mùa Xuân có nhiều công dụng chữa bệnh.

3. Hoa hồng

Hoa hồng mặc dù không phải là loài hoa mùa Xuân nhưng lại nở rộ và đẹp nhất trong giai đoạn này. Hoa hồng có tác dụng giúp máu lưu thông, trị rối loạn kinh nguyệt, tiêu viêm, tiêu sưng. Hoa hồng đỏ còn dùng chữa đau bụng dưới, kinh nguyệt không đều, đinh nhọt, viêm mủ da, sưng tấy, làm tan máu tụ và tiêu sưng bạt độc. Hoa hồng trắng giúp nhuận tràng, hấp với đường phèn chữa trị ho rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, hoa hồng còn có tác dụng làm đẹp đáng chú ý. Thay vì mua nước hoa hồng vừa có cồn vừa có hóa chất bảo quản làm da dễ bị dị ứng, có thể tự làm nước hoa hồng để rửa mặt giúp làn da mịn màng, lỗ chân lông se khít.

Cách làm nước hoa hồng:

Sử dụng 2-3 chén cánh hoa hồng, rửa sạch, cho vào nồi, đổ nước vừa đủ ngập cánh hoa, đun nhỏ lửa cho đến khi cánh hoa bạc màu.
Để nguội nước hoàn toàn rồi dùng rây lọc lấy nước và cho vào bình xịt hoặc lọ, bảo quản trong tủ lạnh.

4. Hoa tầm xuân

Trong Đông y, tất cả các bộ phận của cây tầm xuân đều có thể được dùng làm thuốc như hoa, quả, lá, rễ, với các công dụng thanh nhiệt, giúp máu lưu thông, giải độc, tiêu viêm và giảm đau nhức.

Hoa tầm xuân là loài hoa mùa Xuân có tác dụng chữa cảm nắng nóng mùa hè, nôn ra máu, chảy máu cam, rong huyết, rét cơn, bướu giáp, đái tháo đường. Lá tầm xuân có tác dụng sinh cơ, chữa ung nhọt, viêm loét chi dưới, nhọt độc, phù nề.

Rễ cây tầm xuân dùng để chữa vàng da, chảy máu các loại, viêm khớp, liệt mặt, liệt nửa người do tai biến mạch máu não sau tăng huyết áp, ngứa lở ngoài da, lở loét miệng, bỏng.

Một số tác dụng chữa bệnh từ bài thuốc có chứa tầm xuân:

- Trị đái dầm ở trẻ em: Rễ tầm xuân 20 – 30g sắc đặc uống trong ngày.

- Chữa kiết lỵ mạn tính: Rễ tầm xuân, vỏ quả lựu, rễ tầm xoọng, vỏ quả chuối hột mỗi vị 20g, sắc uống 2 lần mỗi ngày, dùng trong 3 – 5 ngày.

- Chữa đau nhức xương khớp do phong thấp: Rễ tầm xuân 12g, khúc khắc, rễ gấc, rễ tầm xoọng mỗi vị 10g, sắc uống.

Mời bạn xem tiếp video:

Gợi ý món ăn, bài thuốc từ hoa đào | SKĐS

Lương y Bùi Đắc Sáng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cong-dung-chua-benh-cua-4-loai-hoa-mua-xuan-169250115125107306.htm