Cách nào 'hồi sinh' loài rùa Hoàn Kiếm?

Sau khi cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô chết, thế giới chỉ còn lại 1 cá thể rùa ở Trung Quốc, 1 ở hồ Xuân Khanh và có thể vẫn còn 1 cá thể nữa ở hồ Đồng Mô.

Lục lọi các sông hồ để tìm rùa Hoàn Kiếm

Rùa Hoàn Kiếm (loài giải Sin-hoe) từng có một vùng phân bố rộng lớn từ phía nam sông Trường Giang của Trung Quốc đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình săn bắt và sự thay đổi môi trường sống đã biến loài rùa này bên bờ tuyệt chủng.

Tại Việt Nam, rùa Hoàn Kiếm từng có vùng phân bố rộng khắp Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trong đó có Hồ Gươm, hồ Đồng Mô. Năm 2016, cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng ở Hồ Gươm qua đời, khiến Việt Nam thời điểm đó chỉ có một con rùa duy nhất được ghi nhận ở hồ Đồng Mô.

Loài rùa Hoàn Kiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Loài rùa Hoàn Kiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Hoàng Văn Hà, Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) cho biết, năm 2003, ATP bắt đầu tìm kiếm các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở hồ Đồng Mô, các cán bộ thực địa được cử đi quan sát liên tục, hàng ngày nhằm tìm manh mối của loài rùa đang bên bờ tuyệt chủng này. Phải mất 4 năm trời và hàng nghìn giờ quan sát, tháng 6/2007, các nhà bảo tồn mới chụp được bức ảnh đầu tiên về một cá thể rùa mai mềm khổng lồ trên hồ Đồng Mô, mở ra hy vọng tìm thấy rùa Hoàn Kiếm bên ngoài Hồ Gươm, cũng là cá thể rùa Hoàn Kiếm đầu tiên trong môi trường hoang dã được tìm thấy trên thế giới thời điểm đó.

Sự kiện vỡ đập Đồng Mô năm 2008 khiến rùa thoát ra bên ngoài, sau đó được cứu hộ thành công đã khẳng định chắc chắn sự tồn tại của loài rùa Hoàn Kiếm bên ngoài Hồ Gươm thời điểm đó.

PGS. Hà Đình Đức (nguyên giảng viên Khoa Sinh học – Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) cho biết, con rùa vừa bị chết ở Đồng Mô thuộc giống loài cực kỳ quý hiếm hiện nay. Trên thế giới hiện chỉ còn ghi nhận 2 con, một ở hồ Xuân Khanh (Thị xã Sơn Tây), một ở vườn thú Tô Châu, Trung Quốc.

PGS. Hà Đình Đức chia sẻ, ông cùng các chuyên gia đã đi nhiều vùng ở Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Ao Châu (Phú Thọ)... với hy vọng tìm được thêm rùa cùng giống loài rùa Hồ Gươm. Đi nhiều nơi, nhóm chỉ thấy bộ xương, chứ không thấy rùa sống. Thực ra, nếu được cơ quan chức năng quan tâm thì trước năm 1995 có thể nhân giống loài rùa mai mềm này. Vì thời điểm đó, người dân vẫn bắt được rùa, nhưng họ đem đi bán.

Trong những năm qua, các thành viên của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã khảo sát 28 tỉnh thành miền Bắc với hy vọng tìm thêm nhiều rùa Hoàn Kiếm. ATP ghi nhận khoảng 30 khu vực sông, hồ ở 28 tỉnh, thành có khả năng tồn tại loài rùa Hoàn Kiếm. Riêng tại hồ Đồng Mô, các nhà bảo tồn rùa vẫn kỳ vọng còn một con rùa Hoàn Kiếm sinh sống tại đây vì từ lâu, người dân đánh bắt cá khẳng định có một con rùa nhỏ hơn con vừa chết, đang sống trong hồ.

Trong nỗ lực tìm kiếm loài rùa quý hiếm này, các nhà khoa học của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á đã tìm kiếm thành công một con rùa Hoàn Kiếm ở hồ Xuân Khanh (Hà Nội) thông qua công nghệ gene môi trường. Rùa nặng khoảng 70-80kg, vô cùng hoang dã và bí ẩn, rất khó để bắt gặp và chụp ảnh.

Cùng với đó, các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á cũng ghi nhận bằng quan sát một rùa Hoàn Kiếm khác ở hồ Đồng Mô, khác với con rùa ghi nhận được vào năm 2008. Tuy nhiên, chưa có phân tích gene để khẳng định nó là rùa Hoàn Kiếm. Nỗ lực bẫy bắt con rùa này ở hồ Đồng Mô cũng chưa có kết quả.

Có thể nhân bản vô tính rùa Hoàn Kiếm?

Tại Trung Quốc trước năm 2019 ghi nhận hai rùa chính thức gồm một đực, một cái, cùng sống tại vườn thú Tô Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, ngày 13/4/2019, sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo, rùa cái đã qua đời. Phía Trung Quốc chỉ còn ghi nhận một rùa Hoàn Kiếm chính thức. Trước đó, trong nỗ lực khôi phục loài rùa quý hiếm nhất thế giới, các nhà khoa học Trung Quốc đã ghép đôi sinh sản với hai rùa này. Tuy nhiên, 600 trứng được sinh ra mà không một con rùa nào ra đời. Nguyên nhân được xác định có thể do rùa đực quá già.

Các nhà khoa học cũng thực hiện thụ tinh nhân tạo ở cá thể rùa cái. Tuy nhiên, cả 5 năm thực hiện đều không thành công. Đến lần thứ 5, rùa cái qua đời sau 24 giờ thực hiện thụ tinh nhân tạo. Câu hỏi đặt ra là có thể nhân bản vô tính để bảo tồn loài rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam?

Nhân bản vô tính là phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh (không phân biệt giới tính). Bằng phương pháp này, các cá thể có thể được tạo ra từ một tế bào lấy từ nguyên bản. Phương pháp này lần đầu được công bố trên thế giới với sự ra đời của chú cừu Dolly năm 1997.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội - Tạ Văn Sơn cho rằng ý tưởng này rất hay nhưng để làm được việc này là điều vô cùng khó. Việc khó khả thi nhất yêu cầu là có cá thể đực và cái thì hiện nay do loài rùa này cực kỳ quý hiếm đến mức khó khả thi. Hơn nữa việc nhân bản vô tính rất phức tạp, vẫn còn nhiều tranh cãi ngay cả trên thế giới, nên rất khó áp dụng.

"Con rùa mai mềm thuộc giống loài rùa Hoàn Kiếm còn cực kỳ ít, rất khó để nhân giống thành công. Ngay cả phương pháp nhân bản vô tính cũng khó khả thi. Tôi hy vọng các nhà khoa học tìm được thêm rùa mai mềm này ở ngoài tự nhiên để có thể ghép đôi. Đó là phương án khả thi nhất, nhưng cũng rất khó", PGS. Hà Đình Đức chia sẻ.

Chương trình bảo tồn rùa Châu Á sẽ tiếp tục tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm ở miền Bắc Việt Nam, thậm chí có thể mở rộng tìm kiếm sang Lào, nơi các cuộc phỏng vấn với người dân địa phương cho thấy, loài rùa mai mềm lớn có thể xuất hiện ở một số sông hoặc hồ lớn. Ông Hoàng Văn Hà cho biết, hành trình tìm kiếm thêm các cá thể rùa Hoàn Kiếm cần thêm rất nhiều nguồn lực và nhân viên để đưa mọi người ra thực địa trong thời gian dài. Ngay cả khi việc tìm kiếm thành công, việc bảo vệ, tạo môi trường sống sẽ rất quan trọng. Các cá thể rùaùa nếu tìm được cần được sống trong được bảo vệ, nơi các loài động vật có thể được tập hợp lại để sinh sản.

Sáng 27/4: Hé Lộ Danh Tính “Ông Trùm” Lợi Dụng 4 Nữ Tiếp Viên Xách Ma Túy Từ Pháp Về Việt Nam | SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-nao-hoi-sinh-loai-rua-hoan-kiem-169230427161025326.htm