Cách nào 'kích hoạt' năng lượng những ngày đi làm lại sau Tết?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, quen với việc sáng được ngủ nướng, vui chơi tới đêm muộn, nhiều người trẻ chưa thể lập tức vào guồng khi đi làm. Cảm xúc tiếc nuối khiến một số bạn trẻ mất tập trung, thiếu động lực làm việc.
"Tết ơi quay lại đi", "Còn mùng là còn Tết, còn mùng đến 30 cơ mà"... đó là trạng thái của nhiều bạn trẻ sau kỳ nghỉ Tết với những buổi tiệc với gia đình, bạn bè.
"Ngại" đi học, đi làm sau chuỗi ngày chơi “thả ga”
Quay trở lại với nhịp học tập và làm việc của cuộc sống nơi phố thị, Hoàng Thùy Dương (22 tuổi, quê ở Hải Dương) cho biết, tuy rất hào hứng khi được gặp lại bạn bè và đồng nghiệp sau thời gian nghỉ lễ nhưng cô vẫn cảm thấy tiếc nuối vì Tết trôi qua nhanh.
“Lịch nghỉ Tết của mình kéo dài hơn 2 tuần, nên khi quay trở lại thành phố để học tập mình có chút “không nỡ”. Tết được quây quần bên gia đình, là thời gian mình cảm thấy yên bình nhất khi không còn phải chạy deadline”, Dương chia sẻ.
Bên cạnh đó, cô bạn cũng bày tỏ sự lo lắng khi chưa thể bắt nhịp lại với công việc và học tập. Sau chuỗi ngày chơi “thả ga” ngày Tết, Dương cảm thấy e ngại khi phải đi học, đi làm với cường độ lớn. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến cô trở nên khó tập trung khi làm việc, hiệu quả công việc không cao.
“Trong kỳ nghỉ dài mình quen với việc ngủ nướng thậm chí tới trưa, bây giờ phải dậy sớm lúc 6h sáng quả thật có chút e ngại. Tuy nhiên, hiện tại mình vẫn còn đi học, chỉ làm thêm bán thời gian nên công việc sau Tết không bị đổ dồn. Mình vẫn có thời gian để lên kế hoạch du xuân đầu năm cùng bạn bè”, Dương nói.
“Lụy” những ngày được vui chơi
Trong những ngày đi làm đầu tiên sau Tết, Đinh Văn Nam (27 tuổi, quê ở Phú Thọ) không khỏi cảm thấy ngao ngán khi phải đối diện với cảnh tắc đường mỗi ngày đi làm. Mặc dù khối lượng công việc sau Tết không quá nhiều nhưng nghĩ đến cảnh dậy sớm, đều đặn đi làm khiến Nam thấy uể oải.
“Khi đang trong trạng thái nghỉ xả hơi, được ăn chơi, đột nhiên quay trở lại “khuôn” làm việc, mình thấy có chút hụt hẫng”, anh bày tỏ.
Với sở thích đi du lịch một mình bằng xe máy, Nam đã tận dụng ngày nghỉ Tết để dành thời gian cho bản thân. Do đó, để trở lại với công việc ngay từ những ngày đầu là một thử thách tâm lý.
“So với việc ngày nào cũng đi làm, mình “lụy” những ngày được vui chơi trong Tết. Bởi đó là quãng thời gian mình có thể tự do đi thăm thú đây đó, còn khi đã đi làm trở lại thì việc đi chơi xa rất hiếm hoi”, Nam chia sẻ.
Nguyễn Thanh Nghĩa (24 tuổi, ở Huế) không giấu được sự tiếc nuối khi nhắc đến kỳ nghỉ lễ đã qua. Đối với anh, Tết năm nay không khác mấy so với những ngày làm việc bình thường, bởi áp lực công việc không cho phép anh có được khoảng thời gian thư thái bên gia đình.
Do đặc thù công việc, ngay cả khi Tết đến, Nghĩa vẫn phải hoàn thành nhiều đầu việc quan trọng, không thể tạm gác lại để tận hưởng trọn vẹn không khí xuân cùng những người thân yêu. "So với trong Tết, công việc của mình vẫn vậy, không có nhiều thay đổi nên mình không gặp nhiều khó khăn để thích nghi. Nhưng cũng vì thế mà mình không có được khoảng lặng để thực sự cảm nhận không khí đoàn viên như bao người khác," anh chia sẻ.
So với trong Tết, công việc của anh vẫn vậy, không có nhiều thay đổi nên không gặp nhiều khó khăn để thích nghi. "Mình làm việc xuyên Tết, không có nhiều thời gian để quan tâm gia đình, nhưng khi nhớ về không khí đặc biệt của ngày Tết, mình vẫn có chút bồi hồi”, Nghĩa kể.
Cách nào "kích hoạt" năng lượng?
Phân tích về hiện tượng uể oải trong công việc trước và sau Tết, ThS Trần Thị Thu Hương (trợ lý điều hành của Giám đốc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (WWF Asia Pacific) cho rằng, tính động học của động lực nhân sự, đặc biệt là trong những giai đoạn chuyển tiếp như cuối năm - đầu năm rất quan trọng.
Ngoài ra, sau một kỳ nghỉ dài, việc tái tạo năng lượng để trở lại làm việc và học tập hiệu quả đòi hỏi một cách tiếp cận khoa học dựa trên điều chỉnh nhịp sinh học, quản lý tinh thần và tối ưu hóa thể chất. Những thay đổi trong thói quen hàng ngày có thể giúp cơ thể và não bộ thích nghi nhanh chóng, giảm thiểu cảm giác mệt mỏi, trì hoãn và thiếu động lực.
Một số nhân sự dễ bị cảm giác uể oải, mất động lực và khó tập trung bởi sự thay đổi đột ngột giữa trạng thái thư giãn và áp lực công việc. Vì vậy, cần đặt ra các mục tiêu nhỏ và khả thi trong những ngày đầu tiên giúp giảm áp lực và tạo cảm giác thành công, thúc đẩy động lực làm việc.