Cách nào mở rộng đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp?

Ngày 29/11, Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.

Cục Quản lý xây dựng công trình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Cục Quản lý xây dựng công trình đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Ghi nhận những thành tích của Cục Quản lý xây dựng công trình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá, qua 20 năm hệ thống các công trình thủy lợi đã đảm bảo thêm 6,5 tỷ m3 nước trong tổng 14,5 tỷ m3. Cùng với đó, diện tích tưới chủ động cũng tăng thêm 1 triệu ha. Riêng sản xuất lúa, các công trình đã phục vụ gần như tuyệt đối. Nhiều công trình thủy lợi đã mang tính tầm cỡ không chỉ quốc gia mà còn quốc tế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hạ tầng thủy lợi là 1 trong 3 hạ tầng quan trọng trong chiến lược quốc gia. Hạ tầng thủy lợi thời gian qua luôn được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và sự đầu tư của các địa phương. Cục Quản lý xây dựng công trình không chỉ thực hiện các công trình thủy lợi mà còn có các công trình hạ tầng cho các ngành nghề khác như nghề muối, trồng trọt, thủy sản… Ngoài chỉ đạo về xây dựng, Cục Quản lý xây dựng công trình còn tham gia tích cực, có hiệu quả trong quản lý nhà nước với các hướng dẫn về xây dựng cơ bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn, đưa công nghệ mới vào ứng dụng…

Qua 20 năm, khó có thể thống kê đầy đủ những công trình Cục Quản lý xây dựng công trình đã quản lý đầu tư. Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, cả nước đã hình thành thêm những công trình thủy lợi chuyển dịch sang hướng đa mục tiêu như Bản Lải (Lạng Sơn), hồ Bản Mồng (Nghệ An), hồ Ngàn Trươi (Hà Tĩnh), cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu)… Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được coi là "siêu cống” lớn nhất Việt Nam. Đặc biệt, các công trình đã có sự thay đổi trong tư duy kiểm soát triều, kiểm soát mặn, ngọt, lợ phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, nhiều công trình vừa làm nhiệm vụ phát điện, vừa giải quyết nước tưới, tiêu úng, chống lũ cho đồng bằng Bắc Bộ. Cục Quản lý xây dựng công trình đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng hàng trăm công trình thủy lợi, góp phần điều tiết nguồn nước, cắt lũ và chống hạn cho vùng hạ du.

Đặc biệt, việc chuyển đổi tư duy đầu tư hệ thống kênh sang hệ thống dẫn nước đã thúc đẩy áp dụng hàng loạt công nghệ mới, như công nghệ đường ống thép cỡ lớn, đường ống cốt sợi thủy tinh, đường ống HDPE để luân chuyển nước qua các địa hình phức tạp như đồi núi, sườn dốc…

Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ là công trình đầu tiên của Việt Nam được đầu tư hệ thống dẫn nước bằng ống kín để phục vụ tưới cho vùng hạ du, có thể chuyển nước qua nhiều địa hình phức tập đến các vùng khô hạn như Cam Ranh (Khánh Hòa). Đến nay, đã có khoảng 20 công trình áp dụng mô hình này trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, đơn vị không ngừng mở rộng tư duy trong quản lý, đầu tư xây dựng công trình để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đơn vị đang chuyển đổi từ tư duy quản lý hành chính sang tư duy quản lý hành chính phục vụ.

Nhờ đó, Cục Quản lý xây dựng công trình đã phát hiện và trọng dụng nhân tài, phát huy và tập hợp các chuyên gia giỏi về vật liệu xây dựng, đường hầm, kết cấu, địa chất, thiết kế, thi công, cơ khí, thủy văn, thiết bị... Qua đó, giảm được chi phí dự án, tiến độ đầu tư, thi công xây dựng được đẩy nhanh và ít xảy ra sự cố về thi công.

Cục Quản lý xây dựng công trình không ngừng mở rộng tư duy về giải pháp công trình để tham mưu cho Bộ áp dụng các vật liệu mới, công nghệ mới, thiết kế mới, kỹ thuật mới xây dựng các công trình hiện đại, phục vụ đa mục tiêu, vừa đảm bảo công năng sử dụng, vừa có tính thẩm mỹ cao, kết hợp với cảnh quan để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế; khai thác đa mục tiêu giá trị công trình như: đập tràn hình zích-zắc Phước Hòa; đập tràn hình phím đàn Piano (đập Văn Phong); đập đá đổ bản mặt bê tông (Cửa Đạt)…

Những công trình kỳ vĩ đa mục tiêu đã phát huy hiệu quả rất cao, qua đó vừa góp phần thực hiện đề án cấu trúc lại ngành nông nghiệp, vừa tạo ra cú hích trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các công trình góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường và sản xuất, tạo nền tảng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, ông Nguyễn Hải Thanh nhấn mạnh.

Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cach-nao-mo-rong-dau-tu-xay-dung-cong-trinh-nong-nghiep/316508.html