Cách nào phát triển hơn 5.400 làng nghề trên cả nước ?
Cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề. Các sản phẩm làng nghề của cả nước đã xuất khẩu sang khoảng 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, các làng nghề còn gặp nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó tiếp cận khoa học công nghệ, vốn…
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân hiến kế hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển làng nghề vừa diễn ra, Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho biết, cả nước có trên 5.400 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận, thu hút khoảng 11 triệu lao động tham gia.
Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá, trong hơn 30 năm đổi mới kinh tế làng nghề đã có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của đất nước. Các làng nghề đã giúp nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được, kinh tế làng nghề cũng bộc lộ nhiều vấn đề từ quy hoạch, đất đai, ô nhiễm môi trường, khó khăn trong tiếp cận khoa học công nghệ, vốn và hỗ trợ tài chính của nhà nước, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá sản phẩm và phát triển bền vững…
Thời gian tới, trong bối cảnh các điều kiện, môi trường và hoàn cảnh có nhiều thay đổi, ông Nguyễn Văn Bình đề nghị Hiệp hội và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp tại các ngành nghề, làng nghề ở nông thôn nắm bắt được các cơ chế chính sách và Pháp luật của Nhà nước. Chính quyền các địa phương cần quan tâm lắng nghe, chỉ đạo để phát triển kinh tế làng nghề lành mạnh; quan tâm phát triển kinh tế hợp tác để liên kết trong sản xuất giúp giải quyết các khó khăn của nhân dân. Các cơ quan quản lý cần tách biệt giữa ngành nghề ở nông thôn với các làng nghề truyền thống để từ đó hoạch định lại, có cơ chế chính sách để giúp nhân dân định hình được hướng đi phù hợp.
“Tôi đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến với các đề xuất, kiến nghị gửi về Ban Tổ chức Cuộc vận động để trên cơ sở đó Đảng và Nhà nước có các cơ chế chính sách mới, đúng đắn, sát thực và quyết liệt hơn góp phần phát triển kinh tế làng nghề bền vững, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân”, ông Bình đề nghị.
Các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làng nghề đã đưa ra các ý kiến đóng góp cho Chính phủ trong hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế làng nghề.
Về vấn đề bảo vệ môi trường, nhìn từ khía cạnh quy hoạch đất đai tại làng nghề nông thôn Việt Nam, PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần quan tâm đến môi trường sống, chất lượng cuộc sống về vật chất, tinh thần tại làng nghề, đặc biệt, xây dựng hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đủ mạnh. Các cơ quan chức năng khi quy hoạch đất phát triển làng nghề cần lựa chọn vị trí quy hoạch xây dựng điểm sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại làng nghề, đặc biệt vị trí này cần bảo đảm giao thông, cấp thoát nước, xử lý chất thải...
Bàn về cơ chế để người dân tiếp cận vốn phát triển kinh tế làng nghề, ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, cần phải bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính đối với các hộ gia đình, các cá thể trực tiếp sản xuất để họ có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn. Ngoài ra cần phải giảm phí, thuế hoặc lãi suất đối với các khoản vay để mua sắm các thiết bị, công nghệ mới dùng cho sản xuất sản phẩm làng nghề. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ và phát huy được thế mạnh của kinh tế làng nghề.
Cũng bàn về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề, ông Mẫn Ngọc Anh, Chủ tịch Tập đoàn Hanaka cho biết, doanh nghiệp rất mong có được cơ chế hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Qua Diễn đàn này, doanh nghiệp kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và có chính sách cụ thể, áp dụng việc cho vay đối với các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực kinh tế làng nghề, xử lý ô nhiễm môi trường.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bắc Ninh kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ các cụm công nghiệp đang hoạt động xử lý nước thải, rác thải và hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh, vì vậy, Hiệp hội mong muốn tỉnh Bắc Ninh đôn đốc các chủ dự án các cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng...