Cách Nga hút khách trên thị trường vũ khí toàn cầu

Ngày càng có nhiều nước quan tâm và đặt mua vũ khí do Nga sản xuất. Vậy Nga đã áp dụng chiến lược gì để thu hút khách hàng khi cuộc đua giành 'miếng bánh' trên thị trường vũ khí toàn cầu ngày càng khốc liệt?

Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph do Nga sản xuất. Ảnh: Tass

Trong bài viết mới đây đăng trên trang mạng Russia Beyond, nhà phân tích quân sự Nga Dmitry Litovkin, Tổng biên tập tạp chí Quân sự độc lập đã chỉ rõ cách Nga giành thị phần trên thị trường vũ khí toàn cầu. Ông Litovkin nhận định, tăng doanh số bán hàng cho các đối tác nước ngoài là một chiến lược của các nhà sản xuất vũ khí Nga. Chiến lược này được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga hoàn thành việc hiện đại hóa kho vũ khí. Mátxcơva đã đầu tư 23.000 tỷ rúp vào chương trình tái vũ trang quân đội kéo dài 10 năm (2011-2020).

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, hiện nay, tỷ lệ vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại trong quân đội Nga đạt 71,9%. Mười năm đầu tư hiện đại hóa quân đội và đặt mua các loại vũ khí mới đã dẫn đến việc ngành công nghiệp quốc phòng Nga dư thừa sản phẩm. Điều này chỉ có thể được giải quyết bằng cách thâm nhập thị trường nước ngoài.

Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport thuộc Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga đã có chiến lược từ sớm để ngăn chặn cuộc khủng hoảng dư thừa vũ khí. Giải pháp cho vấn đề này là đưa ra chính sách tích cực quảng bá vũ khí Nga trên thị trường thế giới. Đơn cử như tại Triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế MAKS-2021 ở thành phố Zhukovsky, gần thủ đô Mátxcơva của Nga hồi tháng 7 năm nay, lần đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp quốc phòng Nga, nước này đã trình làng một máy bay chiến thuật hạng nhẹ mới dù mới chỉ ở dạng mô hình. Đó là máy bay chiến đấu Su-75 Checkmate (Chiếu tướng).

Theo Giám đốc điều hành Tập đoàn nhà nước Rostec Sergei Chemezov, được đặt tên theo một thuật ngữ trong cờ vua, Su-75 Checkmate như một “kỵ binh” hạng nhẹ và cơ động, có khả năng thực hiện các nước đi bất ngờ. Ông Chemezov cho biết, Su-75 Checkmate sẽ có giá khoảng 25-30 triệu USD, rẻ hơn nhiều lần so với các loại máy bay chiến đấu của nước khác. Ông Chemezov nhận định, Su-75 Checkmate sẽ trở thành một giải pháp thực sự hiệu quả cho những quốc gia không thể mua máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Mỹ với giá 120 triệu USD.

Đặc biệt, Nga không gắn vấn đề chính trị trong việc chọn lựa khách hàng mua vũ khí. Có thể kể đến thương vụ mua bán tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumph giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ-một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong những năm gần đây, Mátxcơva và Ankara đã có các động thái xích lại gần nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, giữa hai nước vẫn có mâu thuẫn về một số vấn đề. Dù vậy, Mátxcơva vẫn sẵn sàng cung cấp tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumph cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó, Tập đoàn nhà nước Rostec bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Ankara chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm. “Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện dự án chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm TF-X của riêng mình. Sở hữu năng lực độc đáo trong lĩnh vực phát triển và sản xuất máy bay, chúng tôi có thể xem xét khả năng hỗ trợ đối tác Thổ Nhĩ Kỳ trong việc chế tạo máy bay chiến đấu mới”, Giám đốc điều hành Tập đoàn nhà nước Rostec Chemezov chia sẻ.

Theo nhà phân tích quân sự Litovkin, những ví dụ trên đã phần nào minh họa cho chiến lược xuất khẩu vũ khí mà Nga đang thực hiện. Không chỉ bán vũ khí với mức giá ưu đãi hơn các đối thủ, Nga còn chia sẻ công nghệ sản xuất vũ khí. Thậm chí, Nga còn cung cấp các khoản vay để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng mua vũ khí do nước này sản xuất. Ngoài ra, Mátxcơva cũng sẵn sàng đồng tài trợ cho việc phát triển các loại vũ khí đầy triển vọng.

Những thị trường truyền thống của Nga như Ấn Độ và một số quốc gia khác hiện đang tràn ngập vũ khí Nga. Tuy nhiên, Nga xác định cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ giữ vững vị thế ở các thị trường truyền thống mà còn phải thâm nhập những thị trường mới. Bất chấp việc Mỹ và các nước phương Tây cố gắng ngăn chặn những thương vụ mua bán vũ khí Nga, Mátxcơva đang nỗ lực vượt qua “rào cản” bằng cách chế tạo ra hàng loạt vũ khí hiện đại, trong đó có những loại không có phiên bản tương tự trên thế giới.

Các vũ khí và thiết bị quân sự do Nga chế tạo được đánh giá có hiệu quả chiến đấu cao và hoạt động bền bỉ, đáp ứng được nhu cầu về vũ khí của quân đội các nước. Với chất lượng tốt, mức giá mềm cùng chiến lược thúc đẩy xuất khẩu hợp lý, vũ khí Nga ngày càng được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng.

Link gốc:

https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/vu-khi-trang-bi/cach-nga-hut-khach-tren-thi-truong-vu-khi-toan-cau-675120

Theo Lâm Anh / Quân đội Nhân dân

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cach-nga-hut-khach-tren-thi-truong-vu-khi-toan-cau-post1387137.tpo