Cách Nga 'tráng giáp' tổ hợp quân sự khiến UAV Ukraine phải chùn bước

Nga đã xây dựng các tổ hợp công nghiệp quốc phòng giống như 'pháo đài' với nhiều lớp phòng thủ kiên cố và hệ thống chống tên lửa khiến UAV của Ukraine gặp khó khăn khi tấn công.

Ukraine thay đổi kỳ vọng đối với các cuộc tấn công UAV

Trong hai năm rưỡi qua, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái tầm xa để tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng, nhà máy các kho chứa vũ khí và vị trí radar, đồng thời vô hiệu hóa các sân bay của Nga. Những cuộc tấn công này buộc Nga phải tái bố trí hệ thống phòng không, đầu tư nguồn lực vào việc bảo vệ các cơ sở và chịu tổn thất tài chính.

Cấ trúc một tổ hợp quân sự của Nga nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Ukrainska Prada

Cấ trúc một tổ hợp quân sự của Nga nhìn từ vệ tinh. Ảnh: Ukrainska Prada

Sau đó, Ukraine đã chuyển hướng tiến hành những cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu quân sự - công nghiệp của Nga. Song những cuộc tấn công này dường như không đạt hiệu quả như mong đợi của Kiev. Bởi các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga được bảo vệ tốt hơn nhiều. Để tấn công các mục tiêu này, đòi hỏi Ukraine phải sử dụng vũ khí với phạm vi, độ chính xác và hiệu quả cao hơn. Cấu trúc phức tạp của các cơ sở quân sự Nga đã đặt ra nhiều thách thức đối với Kiev.

Kỳ vọng của Ukraine vào các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã thay đổi theo thời gian. Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thành công được đo lường bằng việc một UAV đã vượt qua được hệ thống phòng không của Nga, tiến sâu vào hậu phương và tạo ra tác động tâm lý với đối phương. Sau đó, chỉ cần một chiếc UAV bắn trúng mục tiêu cũng được coi là thành công đối với Kiev.

Ngày nay, việc hàng chục chiếc UAV của Ukraine bay sâu vào lãnh thổ Nga hay phá hủy một kho dầu không còn là điều bất ngờ. Kiev cho rằng, những cuộc tấn công này có thể khiến quá trình sản xuất bị đình trệ, mục tiêu bị vô hiệu hóa hoặc phá hủy hoàn toàn. Sự thay đổi kỳ vọng của Ukraine đối với các cuộc tấn công tầm xa là điều phù hợp logic.

Khi tấn công các nhà máy lọc dầu Nga, Ukraine dễ đạt được mục tiêu hơn. Các cơ sở này có bố cục mở và được kết nối chặt chẽ với nhau bởi các quy trình công nghệ hoạt động dưới áp suất và nhiệt độ cao. Việc gây hư hại cho một đơn vị hoặc bể chứa thường gây ra hiệu ứng domino - áp suất giảm, hỏa hoạn bùng phát, hệ thống tự động tắt và toàn bộ cơ sở ngừng hoạt động.

“Pháo đài” công nghiệp của Nga kiên cố thế nào?

Tuy nhiên, cơ sở công nghiệp quốc phòng lại là một vấn đề khác. Chúng có sự khác biệt cơ bản về cách bố trí, mức độ bảo vệ và khả năng chống chịu nhiều cuộc tấn công khác nhau. Ngay cả trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, phần lớn cơ sở công nghiệp quốc phòng của Liên Xô đã được di dời xa tiền tuyến, nằm sâu trong hậu phương. Điều này đã đặt nền móng cho sự logic mang tính hệ thống: việc sản xuất vũ khí quan trọng phải được đảm bảo an toàn và nằm cách xa đối phương.

Tiếp nối phương pháp thời Liên Xô này, Nga đã xây dựng một hệ thống lớn để sản xuất máy bay không người lái loại Shahed tại Đặc khu Kinh tế Alabuga ở Tatarstan, cách tiền tuyến khoảng 1.200 km. Uralvagonzavod - nhà sản xuất xe tăng T-90M Proryv và các mẫu T-72B3/T-72B1 nâng cấp, được đặt tại Nizhny Tagil, cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 1.700 km.

Nhà máy Uralvagonzavod được xây dựng theo cách đặc biệt. Mỗi quy trình quan trọng đều diễn ra tại một khu vực riêng. Trong trường hợp hỏa hoạn, ngọn lửa vẫn được khống chế và không lan sang các khu vực lân cận. Các dây chuyền lắp ráp quan trọng nhất được ẩn sâu bên trong các các tòa nhà phụ trợ, điều này khiến đối phương phải tìm cách phá vỡ kết cấu bên ngoài trước khi tiến hành tấn công.

Tuyến đường năng lượng và vận chuyển được nhân đôi: có ít nhất hai lò hơi và ba đường ống song song. Nếu một nhánh bị hỏng, các nhánh khác có thể tiếp nhận chức năng. Các bức tường giữa các tòa nhà đóng vai trò như rào chắn lửa bằng bê tông, ngăn hỏa hoạn lan sang các khu vực lân cận, giúp quá trình sản xuất không bị gián đoạn.

Kết cấu nhiều lớp và hệ thống phòng không tại chỗ

Nga đã xây dựng một vùng đệm gồm các tòa nhà hậu cần và hành chính bao quanh các cơ sở sản xuất. Những cấu trúc này hấp thụ tác động ban đầu, giúp "lõi" của nhà máy có thời gian tự cô lập và tiếp tục hoạt động. Về bản chất, Uralvagonzavod là một hệ thống các khoang liên kết với nhau: việc phá hủy một khoang sẽ không khiến toàn bộ khu tổ hợp bị vô hiệu hóa. Nhưng để cố gắng phá hủy một mục tiêu như vậy, trước tiên Ukraine phải tiếp cận được mục tiêu này.

Các cơ sở quan trọng - đặc biệt là những cơ sở liên quan đến cơ sở công nghiệp quốc phòng - được bảo vệ trực tiếp và nghiêm ngặt. Nga thường triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không trực tiếp tại các nhà máy, chẳng hạn như hệ thống phòng không Pantsir, vốn đã được chứng minh là một trong những phương tiện hiệu quả nhất chống lại máy bay không người lái của Ukraine.

Để tăng cường tầm nhìn và phạm vi bắn, các hệ thống được lắp đặt trên các gò đất hoặc tháp pháo đặc biệt. Những hệ thống này có thể nhìn thấy rõ ràng trên ảnh vệ tinh. Nga đã đặt hệ thống Pantsir tại Đặc khu Kinh tế Alabuga, nơi sản xuất máy bay không người lái Shahed và tại khu định cư Kuzmino-Gat, ngay giữa khu dân cư để bảo vệ Nhà máy Thuốc súng Tambov. Moscow cũng triển khai tháp phòng không trong khuôn viên của đơn vị quân đội 3058 hoặc một gò đất kiên cố gần Nhà máy Yakov Sverdlov.

Chiến thuật chống UAV

Một trong những thay đổi đáng chú ý của Nga nhằm ứng phó với việc sử dụng hàng loạt UAV tấn công là việc lắp đặt các cấu trúc lưới không chỉ trên mái nhà mà còn xung quanh toàn bộ chu vi của các tòa nhà. Đôi khi, chúng không phải là lưới kim loại truyền thống mà là các màn chắn nhẹ làm từ nhiều vật liệu khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc vẫn như cũ, tạo ra chướng ngại vật trên đường đi của máy bay không người lái. Chẳng hạn tại nhà máy Sverdlov, các tấm lưới như vậy đã được lắp đặt xung quanh lò hơi và xưởng sản xuất.

Đáng chú ý Nga đang bắt đầu áp dụng chiến thuật chống máy bay không người lái tương tự như của Ukraine. Moscow đã triển khai các đội hỏa lực cơ động tại một số khu vực nhất định. Một số công ty cũng đang tuyển dụng tình nguyện viên để thành lập các đơn vị FPV chống máy bay không người lái (UAV) nhằm đánh chặn UAV tấn công của Ukraine

Tóm lại, không giống như các cơ sở năng lượng, hầu hết các cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga đều có kiến trúc bảo vệ được hình thành từ thời Liên Xô. Từ các vị trí đến hoạt động hậu cần nội bộ, đều được cân nhắc kỹ lưỡng và phân chia cấu trúc. Các nhà quốc phòng được thiết kế để đảm bảo rằng ngay cả trong trường hợp bị tấn công, các quy trình sản xuất vũ khí quan trọng vẫn tiếp tục diễn ra.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Ukrainska Prada

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-nga-trang-giap-to-hop-quan-su-khien-uav-ukraine-phai-chun-buoc-post1218237.vov