Cách người Trung Quốc lách luật để đầu tư tiền mã hóa

Bất chấp nỗ lực siết chặt tiền mã hóa của giới chức, việc giao dịch loại tài sản rủi ro này ở Trung Quốc hiện không quá khó khăn. Nỗ lực tiếp cận tiền mã hóa

Từ năm 2020 đến giữa năm 2022, cơn sốt tiền mã hóa đã thu hút hàng triệu người trên khắp châu Á. Tuy nhiên, Trung Quốc gây bất ngờ khi trở thành quốc gia đi đầu trong việc ra quyết định “cấm cửa” chúng và hoạt động đào coin.

Năm 2013, chính phủ đã cấm các ngân hàng Trung Quốc xử lý giao dịch liên quan đến Bitcoin.

Hồi tháng 5/2021, chính phủ Trung Quốc một lần nữa đưa ra các lệnh cấm liên quan đến tiền mã hóa và khai thác chúng. Bitcoin cùng toàn bộ thị trường tiền số ngay lập tức mất 50% giá trị trong một tuần.

Nỗ lực tiếp cận tiền mã hóa

Bất chấp nỗ lực siết chặt tiền mã hóa, một nhà đầu tư ẩn danh có tên Lowell chia sẻ với Cointelegraph việc tiếp cận loại tài sản rủi ro này ở đất nước tỷ dân không quá khó như mọi người vẫn nghĩ.

Lowell là một sinh viên mới tốt nghiệp đại học và tự nhận bản thân là một nhà giao dịch toàn thời gian. Theo cô, lệnh cấm của chính phủ Trung Quốc không phải lúc nào cũng gắt gao hoặc hiệu quả. Mặc dù giao dịch và kinh doanh loại tài sản này bị cấm, vẫn có nhiều cách "lách luật" để các nhà đầu tư tại Trung Quốc tham gia thị trường toàn cầu.

Cụ thể, người chơi tại đất nước tỷ dân tiết lộ họ mua và bán tiền mã hóa cho các nhà đầu tư khác thông qua giao dịch ngang hàng trên các sàn giao dịch tập trung như OKX và Binance.

Trang web của những sàn này vốn nằm trong danh sách cấm của Vạn lý Tường lửa (Great Firewall), hệ thống tường lửa phức tạp để chặn các ứng dụng và trang web nước ngoài. Tuy nhiên, họ có thể dễ dàng "lách luật" bằng VPN để giả mạo IP.

“Hầu hết nhà giao dịch tiền mã hóa ở đây không nói về những điều này vì chúng tôi biết rằng Trung Quốc là như vậy”, Lowell tiết lộ.

Phóng sự của Cointelegraph cho thấy các kênh giao dịch thanh toán bằng hình thức giao dịch ngang hàng (P2P) trên sàn tiền mã hóa cho phép người dùng mua tài sản này bằng đồng nhân dân tệ thông qua chuyển khoản ngân hàng với WeChat Pay hoặc Alipay - hai trong số những phương thức thanh toán hàng đầu của quốc gia này.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư ở Trung Quốc cũng có thể tìm kiếm cơ hội sinh lợi trong những dự án giao thức tài chính phi tập trung (DeFi) xuyên biên giới bằng cách sử dụng bot hoặc thuê sinh viên để Airdrop. Ngành này phổ biến đến mức nó đã trở thành việc bán thời gian với một số người dùng mạng Trung Quốc.

Robin Hui Huang, một giáo sư luật tại đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nói rằng bản thân các token không phải là tài sản bất hợp pháp ở Trung Quốc. Việc trao đổi chúng cũng nằm trong vùng xám.

“Mọi người có thể nắm giữ tiền mã hóa ở Trung Quốc. Họ cũng có thể trao đổi tiền mã hóa lấy các tài sản khác. Tuy nhiên, những trao đổi như vậy không được pháp luật bảo vệ. Điều này có nghĩa là nếu bên kia vi phạm hợp đồng, sẽ không có biện pháp bảo vệ pháp lý nào được áp dụng”, ông Huang cho biết.

Lỗ hổng pháp lý

Mặc dù lệnh cấm khai thác Bitcoin của Trung Quốc đã được hầu hết cơ quan truyền thông lớn đưa tin rộng rãi vào năm 2021, nhưng rõ ràng là luật đã không ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác tại quốc gia tỷ dân.

Daniel Batten, một nhà nghiên cứu Bitcoin, chỉ ra rằng lý do là bởi lệnh cấm thực tế đã được đưa tin "khắc nghiệt" hơn thực tế. Ông Batten lập luận rằng nếu phân tích kỹ hơn về cách diễn đạt của lệnh cấm, có thể thấy luật này chỉ thực sự cấm việc thành lập các trang trại đào tiền mã hóa mới.

Ngoài ra, trong luật chỉ chứa một "tuyên bố về ý định" rằng hoạt động khai thác nên dần dần bị loại bỏ do sử dụng điện, ảnh hưởng khí hậu và liên quan đến rửa tiền.

Không cá nhân hay tổ chức nào có thể công bố những con số chính xác, nhưng hầu hết ước tính đều cho thấy Trung Quốc vẫn chiếm ít nhất 1/5 chỉ số hashrate - sức mạnh tính toán của các mạng Bitcoin trên toàn cầu.

Theo số liệu của tổ chức Center for Alternative Finance thuộc Đại học Cambridge và World Population Review, Trung Quốc chiếm khoảng 21,1% hashrate.

Đến tháng 7, nhà sáng lập CryptoQuant Ki Young Ju đã công bố một biểu đồ cho thấy các nhóm khai thác tại Trung Quốc vẫn còn chiếm 54% hashrate toàn cầu. Ông lưu ý không phải tất cả thợ đào trong một nhóm đều ở Trung Quốc và nhấn mạnh "một số trang trại khai thác vẫn có thể hoạt động bí mật ở Trung Quốc".

Dù vẫn có thể giao dịch, bất kỳ doanh nghiệp tiền mã hóa nào ở Trung Quốc cũng luôn đối mặt nguy cơ ngừng hoạt động đột ngột.

Wayne Zhao, giám đốc điều hành của công ty phân tích TokenInsight có trụ sở tại Bắc Kinh kể rằng sự việc tương tự đã xảy ra với một người bạn của ông.

"Họ chỉ nhận được thông báo rằng 'công ty không thể tồn tại nữa. Các bạn phải đóng nó' và thế là xong. Vài ngày sau, công ty đã ngừng hoạt động”, ông Zhao kể lại.

Bên cạnh đó, các nhà giao dịch P2P phải đối mặt với rủi ro vì không có bên trung gian đáng tin cậy. Cụ thể, những người này thường mua tiền mã hóa trực tiếp từ người lạ và không biết nguồn gốc của tài sản.

Rào cản ấy khiến họ có nguy cơ vô tình tham gia vào hoạt động rửa tiền hoặc bị coi như là có tội do liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp khác.

Bảo Long/Coin Telegraph

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cach-nguoi-trung-quoc-lach-luat-de-dau-tu-tien-ma-hoa-d51700.html