Cách người xưa đối diện với dịch bệnh và phòng, chữa bệnh

Người xưa phòng, chữa bệnh tật bằng kinh nghiệm sống, họ ít có cơ hội để tìm kiếm tới thầy thuốc, phần vì nghèo, phần vì cho rằng đó là 'số mệnh'. Chuyện bệnh tật, tìm kiếm thầy lang, bốc thuốc cũng nhiều chuyện thú vị…

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I).

Ảnh minh họa. (Nguồn: Trung tâm lưu trữ quốc gia I).

Những căn bệnh bị xã hội ruồng bỏ

Trong cuốn “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh - Hoài Chân viết về nhà thơ tài hoa mệnh bạc Hàn Mặc Tử khi ông mắc bệnh phong và điều trị cô độc ở Quy Nhơn, đã phải thốt lên đau đớn: “Không có bao giờ tôi thấy cái việc phê bình thơ tàn ác như lúc này. Tôi nghĩ đến người đã sống trong túp lều tranh phải lấy bì thư và giấy nhựt trình che cho mái nhà đỡ dột. Mỗi bữa cơm đưa đến người không sao nuốt được vì ăn khổ quá. Cảnh cơ hàn ấy và chứng bệnh kinh khủng đã bắt người chịu bao nhiêu phũ phàng, bao nhiêu ruồng rẫy. Sau cùng người bị vứt hẳn ra ngoài cuộc đời, bị giữ riêng một nơi, xa hết thảy mọi người thân thích. Tôi nghĩ đến bao nhiêu năm người bó tay nhìn cảnh thể phách lẫn linh hồn tan rã... Một người đau khổ nhường ấy, lúc sống ta hững hờ bỏ quên, bây giờ mất rồi ta xúm lại kẻ chê, người khen. Chê hay khen tôi đều thấy có gì bất nhẫn”.

Đó là một câu chuyện có thật về bối cảnh xã hội thời đó, khi Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong, mà dân gian gọi là bệnh hủi - một thứ bệnh mà xã hội thời đó xa lánh, đáng sợ và người bệnh phải sống cô độc, xa lánh cộng đồng, vì họ sợ lây lan mà họ còn gọi thêm là “người cùi”. Một nhà thơ danh tiếng như Hàn Mặc Tử còn bị coi thường như vậy, còn dân nghèo bị bệnh thì khổ đau biết nhường nào.

Chuyện đấu tố, chỉ trích người bị nhiễm bệnh phong có nói tới trong cuốn sách “Tiểu luận về dân Bắc Kỳ” của Gustave Dumoutier, một nhà nghiên cứu dân tộc học, nhân học và tôn giáo, do NXB Hà Nội ấn hành. Khi viết về người hủi, ông cho biết: “Vào năm 1893, tại làng Kẻ Mọc, gần Trung Liệt, ngoại ô Hà Nội, một thiếu nữ hủi bị cha mẹ thiêu sống. Cuộc thiêu sống được chính nạn nhân đồng ý, cô ta muốn biến mất như vậy, để khỏi kéo dài cuộc sống khốn khổ trong trại hủi và mãi mãi là vết ô nhục cho gia đình”.

Ông cho biết thêm, những người bị hủi bị giam giữ trong những làng đặc biệt gọi là “trại phong”. Tại đó họ sống chung với nhau; ở mỗi tỉnh, có những trại hủi lớn do Nhà nước quản lý. Hàng tháng, mỗi bệnh nhân lãnh của công khố An Nam một quan tiền và một hộc lúa, đủ để họ sống, người nào muốn buôn bán sẽ được miễn một số thuế. Việc bắt họ vào “trại phong” không phải người bị bệnh nào cũng thích, nhiều người thích tự do đi lại, ăn xin ở chợ, tự đến đám ma, đám cưới,... người dân kinh sợ cho họ tiền để họ bỏ đi.

Gustave Dumoutier cho biết thêm, dân ta thời đó đã có cách phòng nguy cơ lây bệnh hủi và di truyền như: bệnh nhân bị cấm không được lấy người lành mạnh, những gia đình bị bệnh sẽ bị cách ly. Người ta tránh ăn cơm cạnh người hủi, hoặc tại những nơi họ cư ngụ, buổi sáng đừng đi gần mộ người bị bệnh qua đời.

“Theo dân An Nam, bệnh là do con yêu tinh, gọi là bạch xà trừng phạt nam giới. Nhờ thói mê tín này mà các bà đồng kiếm chác được ít nhiều; trong một góc các trang thờ nhỏ, bà đồng đặt một bình nước, xung quanh cắm nhang thơm và bán cho bệnh nhân thứ nước gọi là con bạch xà này để chữa bệnh”, Gustave Dumoutier chia sẻ về hủ tục mê tín trong cách chữa bệnh.

Thuốc bắc và thuốc nam

Trong cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ” của bác sĩ Hocquard do NXB Hà Nội ấn hành đã ghi nhận về hoạt động thầy thuốc ở nước ta, ông cho biết: “Các thầy thuốc An Nam có cuốn sách hướng dẫn hành nghề của Trung Hoa: trước hết là cuốn “Y học” trình bày những dấu hiệu bệnh lý và những khác biệt về khí chất, tiếp đến là cuốn “Bản thảo”, nổi tiếng trong toàn vùng Viễn Đông, nói về các loại cây thuốc, trong đó có hàng loạt công thức pha chế liên quan đến hiệu lực và quá trình chuẩn bị thảo dược”.

Trại Phong ở Quy Nhơn, nơi cố nhà thơ Hàn Mặc Tử từng điều trị. (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Trại Phong ở Quy Nhơn, nơi cố nhà thơ Hàn Mặc Tử từng điều trị. (Ảnh: Tuấn Ngọc)

Cuốn “Bản thảo” mà bác sĩ Hocquard nói đến đây là cuốn “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trần (1518 - 1593), cuốn sách “gối đầu giường” của tác cả các lương y Trung Quốc và Việt Nam.

Nền y học xưa dựa theo nhận biết hai yếu tố cơ bản là “tính hàn” và “tính nhiệt”, vốn đóng vai trò chủ chốt trong các lý thuyết y học Trung Hoa. Việc kết hợp hai yếu tố này sẽ tạo ra một sự cân bằng hoàn hảo cho tình trạng sức khỏe, khi sự cân bằng đó bị phá vỡ sẽ sinh ra bệnh tật. Vai trò của thầy thuốc là tìm lại sự hài hòa giữa hai yếu tố đó. Ăn uống sẽ đóng vai trò quan trọng trong diễn biến của bệnh tật, nên người Việt hay có câu: “Bệnh từ miệng mà ra”.

Theo bác sĩ Hocquard thì người Việt điều trị bệnh theo phương pháp của y học Trung Hoa là dùng thuốc bắc dựa trên những cuốn sách nêu trên và phương pháp của người An Nam còn gọi là thuốc nam. Thuốc bắc thì theo dạng bào chế sẵn, còn thuốc nam chỉ sử dụng cây cỏ và những sản phẩm được khai thác trong nước.

“Thông thường cách chữa theo thuốc nam không được thịnh hành bằng chữa theo thuốc bắc, hoàn toàn dựa trên kinh nghiệm và có hàng loạt cách pha chế thuốc với mức độ hiệu quả ít nhiều được thừa nhận theo thời gian. Các lương y truyền lại những bài thuốc cho học trò, đúng như họ đã nghe được trước đó. Một số bài thuốc được giữ bí truyền, được một số dòng họ khai thác độc quyền và chỉ lưu truyền trong nội bộ từ đời này sang đời khác như một di sản riêng. Những thầy thuốc có uy tín chỉ nói về thuốc nam với thái độ xem thường giống như giáo sư trường y ở Pháp chế giễu cách chữa của các bà nội trợ”, bác sĩ Hocquard cho biết.

Xưa ở miền Bắc có những trung tâm thuốc bắc lớn như ở Hà Nội có hẳn một con phố chuyên bán thuốc bắc. Ở Nam Định cũng có nhiều cửa hiệu lớn bán thuốc bắc. “Trong mỗi cửa hiệu đều có một góc dành để đặt ban thờ ông tổ nghề y, đó là một nhân vật tương tự như Hippocrate của người Hoa, đã sống cách đây nhiều thế kỷ và vô cùng nổi tiếng bởi kiến thức cùng những khám phá trong lĩnh vực trị bệnh cứu người”, bác sĩ Hocquard mô tả. Thuốc nam cũng có nhiều sạp hàng bày bán nơi phố thị, các thảo dược đựng trong hũ nhỏ, rễ cây được cắt từng khoang mỏng, hạt, quả sấy khô… để trong thúng bày bán ở mặt đường, chợ.

Kinh nghiệm dân gian trong chữa bệnh

Ngoài việc nhờ cậy thầy thuốc, thì người Việt ta xưa chữa bệnh bằng kinh nghiệm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nhất Thanh có thống kê rằng: ví như va chạm bươu đầu thì lấy đũa cả hơ nóng áp vào; váng đầu, ngạt mũi thì xoa dầu cù là; nhức đầu thì cắt hai khoanh chanh mỏng bôi vôi đắp hai bên thái dương; cảm sốt nhiều thì xông bằng lá tía tô, lá tre… Bị đánh nhiều gậy đau thâm tím thì uống nước cua sống; trẻ con bị mồ hôi trộm cho ăn cơm nếp cẩm; lên quai bị thì đốt lá quai bị luyện với dầu chay bôi vào...

Còn nhà nghiên cứu người Pháp Gustave Dumoutier cũng đưa ra nhiều thống kê về kinh nghiệm chữa bệnh của người Việt, có nhiều thứ mang màu sắc mê tín, như chữa đau răng, người An Nam dùng tăm bông đuôi voi; để ngăn buồn ngủ, người ta hứng nước mắt ngựa nhỏ vào mắt; lúc sắc thuốc, nếu nước bốc hơi quá nhanh, đó là điềm xấu đối với bệnh nhân, nếu siêu lật úp hay vỡ, đó là dấu hiệu tử vong.

Người ta phòng bệnh lao lây lan, đó là đặt một bộ lòng gà trên ngực người chết vì lao, sau đó chôn bộ lòng, việc này được xem như rút hết mầm mống truyền nhiễm ở xác chết.

Khi các nốt đậu mùa phát ra, người ta lấy con sâu dâu, ngâm rượu, sau đó nướng lên, lấy tro trộn lẫn với một phương thuốc đặc trị của người Hoa cho bệnh nhân uống. Ngoài ra, người ta còn đốt hương và treo ở cửa ra vào một lát táo ta, hoặc một cây dược thảo đặc biệt, gọi là “rây”, bỏ trong nồi cùng với vài đôi giày hàng mã. Bệnh nhân đậu mùa khỏi bệnh mang biếu thầy lang một con lợn quay, thầy lang lại mang món quà này biếu tổ sư nghề thuốc.

Chữa bệnh dạ dày, người ta lấy da chiếc trống cũ hãm như hãm trà, đổ nước đầu, sau đó uống. Một trẻ sơ sinh hay khóc đêm, người ta lén không cho ai biết, để dưới giường đứa bé một cái cọc lấy từ chuồng lợn. Nếu nó đái dầm, người ta cho ăn nhện nướng, trẻ còi cọc, người ta cho ăn đùi con cóc lột da rán lên.

Người bị bệnh bướu cổ, người ta đốt đáy cái bị, hòa chung với rượu, làm thành cao đắp vào cổ họng bệnh nhân. Phân dơi dùng chữa bệnh kiệt lỵ và giúp dễ sinh con. Bị đau bụng, chỉ cần bứt thật mạnh trên đầu người bệnh vài nắm tóc. Người ta gọi là “nhổ bão”, tức là nhổ cơn đau bụng.

Cách phòng bệnh cũng mang nhiều màu sắc mê tín, cộng kinh nghiệm, như treo những cành cây xương rồng trét vôi để xua đuổi bệnh ngoài da. Một nhánh cây bồ hòn trồng trước cửa, ngăn không cho ma bệnh vào nhà…

Chuyện chữa bệnh, phòng bệnh của cha ông ta rất nhiều kinh nghiệm, mẹo và cả màu sắc mê tín, cúng bái… đến bây giờ vẫn còn tồn tại.

Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cach-nguoi-xua-doi-dien-voi-dich-benh-va-phong-chua-benh-post536263.html