Cách phân biệt đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục khác

Bệnh đậu mùa khỉ gây ra vết phát ban có thể trông giống mụn trứng cá, herpes hoặc giang mai. Tuy nhiên, một số đặc điểm giúp chúng ta nhận biết căn bệnh này.

Cùng với sốt, phát ban là một trong những triệu chứng chính thường gặp ở người mắc đậu mùa khỉ. Theo Insider, một nghiên cứu gần đây cho thấy trong số 528 người mắc đậu mùa khỉ ở 16 quốc gia được chẩn đoán từ tháng 4 đến tháng 6, 95% bị phát ban.

Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng tương tự cúm như sốt, nhức đầu, đau cơ, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết. Sau đó, bệnh phát triển thành các mụn nước có thể lan rộng khắp cơ thể. Bệnh nhân được coi là dễ lây nhiễm nhất khi các mụn nước chảy mủ.

Nhưng trong đợt bùng phát hiện tại, các triệu chứng không điển hình. Một số người gặp phát ban, mụn nước đầu tiên rồi mới tới sốt, nhức đầu... Trong khi đó, những người khác lại bị phát ban và không thêm bất kỳ triệu chứng giống cúm nào. Nhiều bệnh nhân đã bị mụn rộp khu trú trên bộ phận sinh dục và hậu môn.

CDC và WHO cho biết mụn rộp, phát ban rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lây truyền qua đường tình dục thông thường.

Bệnh đậu mùa khỉ

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Infectious Diseases Journal, các bệnh nhân đậu mùa khỉ ít sốt và ít mệt mỏi hơn. Nhưng họ có nhiều tổn thương ở vùng sinh dục, hậu môn hơn bình thường.

Tiến sĩ Esther Freeman cho biết phát ban đậu mùa khỉ thường bắt đầu với vết sưng tấy chứa mủ, đóng vảy trước khi phát triển thành vết loét. Vết này đóng vảy và lành trong khoảng thời gian 2-4 tuần.

Bà nói: "Khi nhìn thấy lớp da non bên dưới các vết phát ban, chúng không còn khả năng lây nhiễm virus cho người khác".

 Đậu mùa khỉ đặc trưng với các vết phát mụn nước ban lõm. Ảnh: CDC.

Đậu mùa khỉ đặc trưng với các vết phát mụn nước ban lõm. Ảnh: CDC.

Theo CDC, phát ban ở đậu mùa khỉ có thể xảy ra trên nhiều bộ phận của cơ thể như mặt, miệng, tay, chân, ngực, bộ phận sinh dục và hậu môn.

Tiến sĩ Carrie Kovarik cho biết hầu hết bệnh nhân đậu mùa khỉ đến khám ở phòng khám của bà tại Pennsylvania đều không bị nốt phát ban kín từ đầu đến chân mà thay vào đó, chúng chỉ giới hạn ở một số bộ phận hoặc tập trung quanh một vùng cơ thể nhất định. Tại các nơi khác trên cơ thể, vết phát ban xuất hiện rải rác.

Phát ban cũng có thể là triệu chứng duy nhất mà bệnh nhân đậu mùa khỉ mắc phải. Nhưng các triệu chứng khác như sốt, sưng hạch bạch huyết có thể xảy ra trước hoặc sau phát ban.

Herpes

Các tổn thương ở người mắc đậu mùa khỉ thường dễ nhầm lẫn với bệnh herpes hay mụn rộp đường sinh dục, mụn rộp ở môi do virus herpes simplex gây ra.

Tiến sĩ Kovarik nói: “Bạn có thể xuất hiện những đám mụn sưng ở bộ phận sinh dục, sau đó trở thành mụn nước mọc theo chùm và đóng vảy. Tuy nhiên, các tổn thương mụn nước ở đậu mùa khỉ tạo thành vết lõm tại trung tâm khá đặc trưng và các nốt này thường có kích thước lớn hơn so với herpes".

Đồng quan điểm, tiến sĩ Freeman cho biết cả bệnh đậu mùa khỉ và HSV đều có thể gây các tổn thương ở bất cứ đâu trên cơ thể, vì chúng lây lan khi tiếp xúc trực tiếp. Theo các bác sĩ da liễu, xét nghiệm là cách tốt nhất để phân biệt sự khác biệt giữa đậu mùa khỉ và herpes.

 Herpes thường gây mụn rộp mọc thành từng chùm, kích thước nhỏ hơn vết phát ban của đậu mùa khỉ. Ảnh: Freepik.

Herpes thường gây mụn rộp mọc thành từng chùm, kích thước nhỏ hơn vết phát ban của đậu mùa khỉ. Ảnh: Freepik.

Giang mai

Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Trong da liễu, nó còn được biết đến với cái tên là "kẻ lừa bịp đại tài" vì triệu chứng giống rất nhiều bệnh lý khác.

Tương tự phát ban của đậu mùa khỉ, triệu chứng khi mắc giang mai tiến triển qua nhiều giai đoạn và mỗi giai đoạn lại rất khác nhau.

Một số triệu chứng của bệnh giang mai là các vết loét nhỏ hoặc không đau, thường xuất hiện trên dương vật, âm đạo hoặc xung quanh hậu môn, nhưng có thể xảy ra ở những nơi khác như miệng; phát ban đỏ nổi mẩn thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; xuất hiện sẩn như mụn cóc sinh dục có thể phát triển trên âm hộ ở phụ nữ hoặc xung quanh hậu môn ở cả nam và nữ; các mảng trắng trong miệng; mệt mỏi, nhức đầu, đau khớp, sốt và nổi hạch ở cổ, nách và bẹn.

Nếu không điều trị bằng thuốc kháng sinh, bệnh giang mai có thể gây tử vong.

Không nên tự chẩn đoán đậu mùa khỉ tại nhà

Theo CDC, số lượng lớn các ca mắc đậu mùa khỉ hiện nay là đồng tính nam, song tính và nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Song, đây không phải là bệnh chỉ xuất hiện ở mỗi nhóm dân số này, bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc gần nguồn lây, chạm vào vật dụng (chăn, ga, gối, đệm) bị ô nhiễm.

Phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 8 tuổi, người cao tuổi và nhóm bị suy giảm hệ miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh nặng. Đa phần người mắc bệnh có thể tự khỏi nhưng đã có một số trường hợp tử vong. Do đó, người bệnh cần cẩn trọng về căn bệnh này.

 Đi kèm phát ban, người mắc đậu mùa khỉ sẽ gặp phải tình trạng sốt, mệt mỏi và cần cách ly. Ảnh: Freepik.

Đi kèm phát ban, người mắc đậu mùa khỉ sẽ gặp phải tình trạng sốt, mệt mỏi và cần cách ly. Ảnh: Freepik.

Tiến sĩ Carrie Kovarik, giáo sư da liễu tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania, Mỹ, trả lời phỏng vấn của Insider: "Chúng tôi không mong đợi bệnh nhân tự chẩn đoán tại nhà, nhưng ít nhất bệnh đậu mùa khỉ trong tầm chú ý của người dân là điều tốt, đặc biệt nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng cao”.

Đồng quan điểm, tiến sĩ Esther Freeman, Giám đốc Khoa Da liễu Sức khỏe Toàn cầu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts, Mỹ, cũng cho rằng: "Thông điệp của tôi là tình trạng phát ban trên da không phải là điều mà bạn nên cố gắng tự chẩn đoán hoặc tự chữa tại nhà”.

Một số bệnh lý lây qua đường sinh dục (STI) khác cũng có thể gây phát ban, mụn nước ở vùng kín. Đặc biệt, đã có những ca bệnh đồng nhiễm đậu mùa khỉ và các bệnh lây qua đường tình dục khác. Một nghiên cứu từ London, được công bố trên tạp chí Lancet Infectious Diseases Journal, cho thấy 1/4 số bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ dương tính với HIV và 1/4 mắc các bệnh STI khác.

Zing News cùng Nutifood GrowPLUS+ đồng hành thực hiện tuyến nội dung “Bệnh truyền nhiễm mùa hè”, nhằm cập nhật thông tin và giúp các bậc phụ huynh nâng cao nhận thức phòng chống bệnh truyền nhiễm ở trẻ trong thời điểm giao mùa.

Nutifood GrowPLUS+ Sữa non với công thức được phát triển bởi Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, xây dựng nền tảng FDI đề kháng khỏe, tiêu hóa tốt, giúp trẻ hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Sản phẩm được bổ sung 100% sữa non 24 giờ tự nhiên từ Mỹ với hàm lượng kháng thể IgG 1000+, đã được chứng nhận lâm sàng giúp nhân đôi đề kháng, tạo nền tảng vững chắc cho bé cao lớn và thông minh hơn. Độc giả tìm hiểu thêm về sản phẩm tại đây hoặc liên hệ hotline (028)38255777.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-phan-biet-dau-mua-khi-va-cac-benh-lay-qua-duong-tinh-duc-khac-post1341073.html