Cách phân biệt nhanh ho do viêm mũi dị ứng và ho do cảm lạnh
Cả viêm mũi dị ứng và cảm lạnh đều có thể gây ho cùng nhiều triệu chứng khác kèm theo. Làm cách nào để phân biệt?

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm mục đích "tống thải" các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp. Tuy vậy ho cũng có thể là triệu chứng của bệnh tật, chẳng hạn như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Trước khi tìm hiểu về cách phân biệt đâu là ho do viêm mũi dị ứng và đâu là dấu hiệu ho do cảm lạnh thì bạn cần hiểu cơ chế bệnh sinh của tình trạng viêm mũi dị ứng và cảm lạnh thông thường. Cụ thể:
- Viêm mũi dị ứng: Là tình trạng mũi bị kích thích và viêm không phải do virus, vi khuẩn mà do những chất gây kích ứng từ môi trường bên ngoài, chẳng hạn như phấn hoa, không khí khô lạnh, mạt bụi, lông động vật, ô nhiễm không khí,... Viêm mũi dị ứng thường được chia thành 2 dạng là viêm mũi dị ứng theo mùa (có chu kỳ) và viêm mũi dị ứng quanh năm (không có chu kỳ).

Ho là phản xạ tự nhiên của cơ thể nhằm mục đích "tống thải" các chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp (Ảnh: ST)
Khi cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng, nó sẽ giải phóng ra histamine để bảo vệ cơ thể, đây cũng chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng viêm mũi dị ứng mà bạn thường thấy. Khác với cảm lạnh, viêm mũi dị ứng không phải là bệnh lây nhiễm.
- Cảm lạnh thông thường:Cảm lạnh là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên dễ lây lan ảnh hưởng đến mũi, họng, xoang và khí quản. Theo nhiều thống kê thì có tới hơn 200 loại virus khác nhau có thể gây ra cảm lạnh, trong đó virus gây cảm lạnh phổ biến nhất là rhinovirus.
1. Cách phân biệt nhanh ho do viêm mũi dị ứng và ho do cảm lạnh
Viêm mũi dị ứng và cảm lạnh dễ nhầm lẫn do đều có các triệu chứng tương đồng dễ nhầm lẫn như: Chảy nước mũi, nghẹt mũi, chảy nước mắt, chảy dịch mũi sau, nhức đau xoang (tăng áp lực xoang), hắt hơi nhiều lần, đau đầu, mệt mỏi và ho. Vậy ho do viêm mũi dị ứng và ho do cảm lạnh có gì khác biệt?
- Kiểu ho:Như đã nói, cả viêm mũi dị ứng và cảm lạnh đều gây ho, chủ yếu là ho khan. Trong viêm mũi dị ứng, cơn ho thường là ho kích ứng kèm theo ngứa họng, cần hắng giọng hoặc ho kèm theo một lượng đờm rất ít màu trắng trong có bọt, rõ rệt hơn trước khi ngủ, khi thức dậy hoặc sau khi tập thể dục.
Còn ho do cảm lạnh ban đầu có thể là ho khan, nhưng có thể phát triển theo thời gian thành cơn ho có đờm. Ho đờm trong cảm lạnh có thể là đờm trắng đục hoặc đờm vàng, ho nhiều cả vào ban ngày và ban đêm trước khi đi ngủ.
- Mức độ phổ biến của triệu chứng ho: Ho do viêm mũi dị ứng không phải là một triệu chứng phổ biến, thường gặp hơn ở người bị viêm mũi dị ứng có tiền sử bị hen suyễn.

Cả viêm mũi dị ứng và cảm lạnh đều có thể gây ho (Ảnh: ST)
Trong khi đó ho là triệu chứng cảm lạnh mà hầu hết người bệnh đều gặp phải và trải qua ở giai đoạn sớm. Thậm chí ngay cả khi các triệu chứng cảm lạnh khác như sổ mũi, hắt hơi đã biến mất thì ho do cảm lạnh cũng có thể kéo dài tới vài tuần sau đó - nhất là ở những người hút thuốc hoặc sẵn có các tình trạng như viêm phổi.
- Các triệu chứng đi kèm:Do nguyên nhân gây bệnh viêm mũi dị ứng và cảm lạnh thông thường khác nhau nên mặc dù có một vài triệu chứng tương đồng nhưng cũng có nhiều dấu hiệu khác biệt.
Theo Healthline, dưới đây là bảng so sánh một số triệu chứng thường gặp có thể đi kèm ở người bị dị ứng và cảm lạnh:

Như vậy có thể thấy, ở bệnh viêm mũi dị ứng, ngoài ho khan thì người bệnh có thể bị ngứa mắt, ngứa da, thở khò khè nhưng không sốt. Trong khi người bị cảm lạnh thường gặp các triệu chứng nhiễm trùng điển hình hơn là đau mỏi người, sốt nhẹ, đau họng. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi do cảm lạnh có thể nghiêm trọng hơn so với viêm mũi dị ứng, đôi khi nó khiến người bệnh suy nhược, đau nhức không muốn ra khỏi giường.
- Thời gian kéo dài triệu chứng:Trong khi thời gian mắc bệnh cảm lạnh dao động khoảng 5 - 7 ngày, ho do cảm lạnh có thể kéo dài thêm một thời gian sau khi các triệu chứng khác đã biến mất, nhưng mức độ nghiêm trọng không tăng lên. Thì viêm mũi dị ứng lại có thể kéo dài liên tục cho tới khi các chất gây dị ứng biến mất hoặc được kiểm soát. So với thời gian bị cảm lạnh, bạn có thể bị dị ứng trong vài tuần hoặc lâu hơn.
Mặt khác, nếu như có thể tránh xa chất gây dị ứng gây ra các triệu chứng, bạn có thể cảm thấy khỏe hơn gần như ngay lập tức. Nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu như bị cảm lạnh.

Thời gian kéo dài các triệu chứng ở bệnh cảm lạnh thông thường và viêm mũi dị ứng là khác nhau (Ảnh: ST)
2. Lưu ý về triệu chứng cần thăm khám bác sĩ
Mặc dù cảm lạnh thông thường hay viêm mũi dị ứng có thể dễ dàng kiểm soát nhưng có một vài dấu hiệu cho thấy các triệu chứng ho, nghẹt mũi, hắt hơi "mơ hồ" mà bạn đang gặp phải có thể xuất phát từ một vài nguyên nhân bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Các triệu chứng đã kéo dài vài ngày mà không cải thiện, thậm chí nghiêm trọng hơn ngay cả khi đã áp dụng các biện pháp điều trị tại nhà.
- Dịch nhầy ở mũi họng đặc, có màu hồng hoặc lẫn máu đỏ.
- Sưng đau hạch bạch huyết ở cổ.
- Cơn ho và đau họng ảnh hưởng tới khả năng nhai nuốt, nói chuyện hay chất lượng giấc ngủ.
- Mệt mỏi nghiêm trọng tới mức không thể thực hiện các sinh hoạt cơ bản hàng ngày.
Viêm mũi dị ứng không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng như viêm mũi mạn tính, niêm mạc mũi thoái hóa, phù nề gây nghẹt mũi, các cuốn mũi bị quá phát, viêm họng, viêm phế quản do nghẹt mũi phải thở bằng đường miệng, viêm loét vùng tiền đình mũi, viêm tai giữa,... Trong khi đó, cảm lạnh thường không nghiêm trọng và có thể tự khỏi nhưng cảm lạnh kiểm soát không đúng cách có thể dẫn tới biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai, viêm xoang cấp tính, hen suyễn,...
Tóm lại, nếu bị ho do cảm lạnh hay ho do viêm mũi dị ứng thì điều quan trọng là chú ý tới các bất thường của sức khỏe để nhanh chóng kiểm tra tại cơ sở y tế với bác sĩ.