Cách phát hiện sớm khuyết tật nghe, nói ở trẻ em

Khuyết tật nghe, nói ở trẻ gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác, trao đổi hay thể hiện các nhu cầu cá nhân. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu khuyết tật nghe nói ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn.

Hiện có nhiều dạng khuyết tật trong đó khuyết tật nghe, nói ở trẻ gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác, trao đổi hay thể hiện các nhu cầu cá nhân.

Trẻ bị giảm hay không có khả năng nghe/ nói/ phát âm hoặc cả 3 trường hợp trên cũng được xếp vào nhóm khuyết tật. Vì vậy, việc hiểu đúng về các dạng khuyết tật ở trẻ sẽ giúp phụ huynh nhận biết sớm được các biểu hiện bất thường ở con nếu có, từ đó sớm có biện pháp can thiệp trong các trường hợp cần.

Một thống kê tại Việt Nam cho thấy ở, có khoảng 2,74% trẻ trong độ tuổi 2- 4 tuổi bị khuyết tật và 2,81% trẻ trong độ tuổi 5- 17 tuổi bị khuyết tật. Mặt khác 2,94% trẻ em khuyết tật ở nông thôn và 2,42% ở thành thị. Trong số đó tỉ lệ trẻ ở nông thôn phát hiện khuyết tật muộn là khá lớn do sự thiếu thốn về nhận thức cũng như các biện pháp chẩn đoán y tế chuyên môn.

Theo các chuyên gia, các dạng khuyết tật ở trẻ sẽ khó nhận biết hơn ở người trưởng thành. Bởi trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện và phát triển nên đôi khi việc chưa phát triển một vài chức năng vẫn có thể xảy ra.

Nhân viên y tế tập ngôn ngữ trị liệu cho một trẻ nghi khuyết tật tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Nhân viên y tế tập ngôn ngữ trị liệu cho một trẻ nghi khuyết tật tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Mặt khác ở những nhóm trẻ 2- 3 tuổi trở xuống, trẻ vẫn chưa có năng lực nhận thức hay ngôn ngữ cao nên việc con có thể hiện sự khó chịu ở một cơ quan nào đó cũng không được rõ ràng như người lớn. Bởi thế với các dạng khuyết tật ở trẻ em bẩm sinh thường rất khó nhận biết ngay mà thường đợi đến khi con lớn mới có thể phát hiện.

Thực tế có rất nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề các dạng khuyết tật ở trẻ, trong đó không thể không nhắc đến các hạn chế, thiếu thốn trong khía cạnh chăm sóc và tạo điều kiện cho các đối tượng này hòa nhập với cộng đồng. Phát hiện sớm và can thiệp điều trị phù hợp cũng là tiền đề quan trọng để thay đổi cuộc sống cho những nhóm trẻ này.

Nhận biết sớm khuyết tật nghe, nói

Hiện nay tỷ lệ trẻ chậm nói có liên quan đến các dạng khuyết tật nghe, nói ở trẻ cũng tăng lên đáng kể, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể phát hiện. Nhiều người mãi cho đến khi trẻ 4- 5 tuổi nhưng không thấy con có các phản ứng với tiếng động, không phát ra âm thanh hoặc rất ít mới đưa trẻ đi khám và biết con gặp các khiếm khuyết về thính giác.

ThS.BS Nguyễn Mai Hương – Phó trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em là một tình trạng chậm trễ trong việc đạt được mốc phát triển về ngôn ngữ, bao gồm ngôn ngữ tiếp nhận và ngôn ngữ diễn đạt.

"Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu lời nói, phản ứng lại với lời nói của người khác, chậm nói, không ghép được các từ thành câu, vốn từ ít, diễn đạt câu vụng về…

Thông thường, một trẻ được coi là chậm nói khi tới 2 tuổi vẫn chưa nói được khoảng 50 từ đơn hoặc chưa nói được từ ghép (câu 2 từ)"- BS Hương nói.

Trẻ chậm nói được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ, các nhà tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ chậm nói được thăm khám bởi đội ngũ bác sĩ, các nhà tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ tại Khoa Tâm thần – Bệnh viện Nhi Trung ương.

Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ em chiếm tỉ lệ khoảng 20%. Đa số trẻ sẽ bắt kịp đà phát triển khi 4 tuổi nếu được can thiệp sớm và tích cực. Tuy nhiên, một số trẻ vẫn còn những khó khăn về ngôn ngữ sau 4 tuổi, vì vậy vẫn cần những biện pháp can thiệp lâu dài.

Các chuyên gia cho rằng, biểu hiện về dạng khuyết tật nghe nói ở trẻ giúp phụ huynh có thể phát hiện sớm như:

- Trẻ không phản ứng với âm thanh, không bị giật mình trước các tiếng động lớn

- Không quay đầu nhìn khi cha mẹ gọi tên

- Trẻ không phát ra âm thanh hay lời nói khi đạt cột mốc 7 tháng tuổi

- Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ hay lời nói của trẻ đều chậm hơn những đứa trẻ khác, thậm chí là không có

- Trẻ không biết dùng lời nói hay ngôn ngữ để diễn đạt các nhu cầu cá nhân

- Trẻ không hiểu người khác nói gì và cũng không đáp ứng thực hiện các yêu cầu từ người khác

- Lời nói không rõ hoặc không ai hiểu

- Không bắt chước lời nói của người khác

- Mặt khác nếu bị bị điếc (khiếm thính hoàn toàn) thường cũng sẽ kèm theo tình trạng câm.

Với các dạng khuyết tật nghe nói ở trẻ có thể liên quan đến các bệnh lý khiếm thính, câm, sứt môi hở hàm ếch, hoặc cũng có thể liên quan đến một số vấn đề tổn thương trong não bộ.

Lời khuyên của bác sĩ

Việc phát hiện sớm các dấu hiệu khuyết tật nghe nói ở trẻ sẽ đem lại cơ hội điều trị tốt hơn. Vì thế, khi cha mẹ thấy con mình có những bất thường kể trên, cần sớm đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín.

Các bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá toàn diện các kỹ năng phát triển của trẻ, phát hiện các nguyên nhân hoặc các yếu tố ảnh hưởng đến ngôn ngữ của trẻ, thực hiện các trắc nghiệm tâm lý cần thiết.

Trẻ khuyết tật nghe nói cần được thăm khám bởi đội ngũ cán bộ đa ngành, bao gồm bác sĩ, các nhà tâm lý lâm sàng, giáo viên giáo dục đặc biệt, nhà trị liệu ngôn ngữ giàu kinh nghiệm, có kiến thức chuyên môn sâu, nhiệt tình, yêu trẻ. Cha mẹ của trẻ sẽ được hướng dẫn, tư vấn cụ thể về các hoạt động can thiệp, hỗ trợ cho trẻ tại gia đình.

Nguyễn Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-phat-hien-som-khuyet-tat-nghe-noi-o-tre-em-169231221085646148.htm