Cách phòng chống say tàu xe trong dịp Tết Nguyên đán
Mọi người nên ăn vừa phải thức ăn, đồ uống, đặc biệt là không dùng đồ uống có cồn vào cơ thể trước và trong khi di chuyển đường dài.
Theo lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội, cách chống say tàu xe đơn giản là làm giảm mùi xăng xe khi lên xe.
Do đó, có thể dùng một trong những phương pháp sau.
Dùng gừng, nhánh tỏi, củ hành sau đó dán vào mạch ở cổ tay sẽ giúp làm giảm cơn say xe.
Nếu ngại sử dụng hành tỏi vì sợ người bên cạnh khó chịu thì đơn giản là lấy củ gừng. Miếng gừng dán vào động mạch ở cổ tay. Một số người có thể nhai kẹo gừng. Gừng làm giảm triệu chứng say xe cũng như phòng say xe từ trước.
(Ảnh minh họa).
Gừng có vị cay, tính âm, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Gừng sống còn có tác dụng phát tán phong hàn, chống nôn ói. Dùng gừng vừa đảm bảo hiệu quả, không gây các tác dụng phụ.
Trước khi lên xe 30 phút, dùng một miếng gừng tươi bằng cỡ ngón tay cái, gọt bỏ vỏ, rửa sạch, giã nát rồi hòa với một cốc nước ấm để uống.
Ngoài ra, có thể lấy một miếng gừng dán vào cổ tay hoặc rốn, lấy băng bông dính lại là được.
Lấy vỏ quýt, vỏ cam để đánh bay mùi xe ô tô. Đây là cách nhiều người áp dụng vì đơn giản chỉ cần miếng vỏ cam, vỏ quýt để ngửi, cho vào trong khẩu trang. Tinh dầu từ vỏ cam, vỏ quýt giúp người say xe dễ chịu hơn.
Ăn uống vừa đủ
Ăn vừa phải thức ăn, đồ uống, đặc biệt là không dùng đồ uống có cồn vào cơ thể trước và trong khi di chuyển đường dài. Nếu ăn hoặc uống đồ nào đó mà cơ thể cảm thấy khác lạ thì nên dừng.
Thực phẩm giàu chất béo, cay nên hạn chế.
Không để đồ nặng mùi trên xe
Không để đồ ăn nặng mùi trên xe như mít, sầu riêng bởi chúng dễ kích ứng khiến nhiều người khó chịu khi ngồi trong ôtô đóng kín.
Cố gắng ngủ một giấc
Nếu có thể, hay cố gắng ngủ một giấc trên xe, không nên quan sát nhìn về nhiều phía.
Không hút thuốc lá, ngửi mùi thuốc lá
Khi ngửi mùi thuốc lá khi đi trên tàu xe sẽ khiến bạn càng say xe nhiều hơn.