Cách phòng tránh 'bẫy' lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tình trạng lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trái luật ở những đơn vị, doanh nghiệp không được cấp phép tiếp tục tái diễn. Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người lao động cần cảnh giác, lựa chọn đơn vị đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi...

Lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo người lao động, nhưng vẫn tiếp tục xảy ra tình trạng lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài, nhất là thị trường Hàn Quốc.

KHÔNG ĐƯỢC CẤP PHÉP VẪN ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC

Mới đây nhất, cuối tháng 9, vụ việc đưa hơn 200 lao động đi Hàn Quốc làm việc trái phép tại Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (trụ sở số 78 Duy Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) bị phát hiện.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, ngay sau đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã gửi công văn đề nghị Công an TP.Hà Nội và Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, qua rà soát, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

“Đây là vụ việc lớn, phức tạp, liên quan đến số lượng lớn người lao động, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài”, Cục này cho hay.

Thời gian qua, dù đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo, song tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc tại nước ngoài vẫn tái diễn. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước tiếp tục khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc cần liên hệ với các đơn vị uy tín để tìm hiểu thông tin liên quan và làm các thủ tục cần thiết.

Đặc biệt tuyệt đối không nghe theo các thông tin quảng cáo không chính thống và không liên hệ với các tổ chức, cá nhân trung gian, môi giới.

Riêng với thị trường Hàn Quốc, hiện nay lao động Việt Nam đang làm việc tại thị trường này theo 4 kênh hợp tác, bao gồm: Chương trình EPS (thị thực E9); lao động chuyên môn kỹ thuật (thị thực E7); thuyền viên tàu cá (thị thực E10); và lao động thời vụ (thị thực C4 và E8).

Trong đó, với chương trình lao động thời vụ, hiện có 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đăk Lăk, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động sang làm việc.

Tại các địa phương triển khai chương trình này, việc tuyển chọn, làm hồ sơ, thủ tục và đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc do cơ quan chức năng của địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện.

TÌM HIỂU KỸ THÔNG TIN VỀ DOANH NGHIỆP PHÁI CỬ

Theo đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước, ngoài các kênh chính thống được bảo hộ như trên, người lao động hiện nay cũng có thể đi theo các kênh như: Đi du lịch; du học; kết hôn; thăm thân…, rồi trốn lại Hàn Quốc làm lao động bất hợp pháp.

Giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh. Ảnh: MOLISA.

Giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh. Ảnh: MOLISA.

Thực tế, nhu cầu đi làm việc tại Hàn Quốc của lao động Việt Nam tăng cao trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, thị trường Hàn Quốc thu hút trên 15.000 người xuất cảnh mỗi năm. Hiện số lượng lao động Việt Nam cũng đang dẫn đầu trong 16 nước đưa lao động sang làm việc tại nước này.

Theo kế hoạch năm 2024, Hàn Quốc dành cho Việt Nam khoảng 15.000 chỉ tiêu lao động sang làm việc tại nước này theo Chương trình EPS. Song trong kỳ thi tiếng Hàn trong năm nay để tuyển chọn lao động sang làm việc, số người đăng ký tăng cao kỷ lục với gần 45.000 người, cho thấy nhu cầu sang nước này lao động rất lớn. Đây cũng là một trong những yếu tố gia tăng tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Từ góc độ đơn vị tư vấn dịch vụ việc làm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhìn nhận vấn đề lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tại những đơn vị không được cấp phép sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Theo ông Thành, trong quá trình tiếp xúc, cán bộ Trung tâm luôn tư vấn cho người lao động các thông tin để tránh khỏi "bẫy" lừa đảo của những đối tượng đang trục lợi từ hoạt động này, song nhiều người lao động cả tin vẫn mắc phải.

Do đó, ông Thành cho rằng điều quan trọng nhất với người lao động khi lựa chọn thị trường đi làm việc cần tìm hiểu kỹ thông tin; tình hình hoạt động của đơn vị, doanh nghiệp đưa đi; các chế độ quyền lợi; đặc biệt là tính pháp nhân pháp lý. Với những đơn vị được quảng cáo đưa đi với mức phí rẻ hơn, mà lại có yêu cầu và chế độ, mức lương tốt cũng cần cân nhắc, không nên vội tin tưởng.

Ông Thành nhấn mạnh điều này không chỉ áp dụng với việc lựa chọn đơn vị phái cử đi làm việc tại nước ngoài mà đối với cả khi người lao động tham gia hoạt động tuyển dụng trong nước.

“Khi tham gia thị trường tuyển dụng, người lao động lãy luôn trang bị cho mình kỹ năng bắt buộc phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thông tin về doanh nghiệp ứng tuyển, vị trí việc làm, chế độ quyền lợi trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành lưu ý thêm.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cach-phong-tranh-bay-lua-dao-dua-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai.htm