Cách phòng và trị bệnh thường gặp do huyết hư
Huyết hư là một trong những căn bệnh về máu, gây ra những cơn đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, tim đập nhanh, tiêu hóa kém, đại tiện táo...
1. Bệnh thường gặp do huyết hư
Nội thương suy yếu, công năng của các cơ quan tạng phủ trong cơ thể hao tán chân khí là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới huyết hư.
Đông y cho rằng: Huyết hư do tiên thiên bất túc (bẩm sinh yếu ớt), hậu thiên ăn uống nuôi dưỡng không đầy đủ, dẫn đến tỳ vị hư nhược, các chất dinh dưỡng trong thức ăn không được hấp thụ đầy đủ để sinh thành khí huyết.
Hoặc do áp lực công việc, làm lụng mệt nhọc, lao động trí óc căng thẳng, suy nghĩ tư lự quá độ, khiến cho tinh huyết bị hao tổn. Hoặc hoặc do thận hư tinh suy, lục dâm xâm phạm dẫn tới huyết hư.
Ngoài ra, một số bệnh mạn tính có tính tiêu hao, lâu ngày không khỏi, cũng có thể dẫn tới huyết hư.
Huyết hư thường sinh ra nhiều bệnh như đau đầu, dễ mệt mỏi. Khi thay đổi tư thế hay bị hoa mắt, chóng mặt. Khi gắng sức thấy trống ngực, tim đập mạnh, loạn nhịp; tiêu hóa kém...
2. Bài thuốc chữa một số tình trạng do huyết hư
2.1 Chữa đau đầu, chóng mặt, hoa mắt do huyết hư
- Biểu hiện: Đau đầu, khi mệt nhọc bệnh nặng thêm, kèm theo chóng mặt, hoa mắt, trống ngực, mất ngủ, ngủ mê nhiều, tinh thần uể oải người mệt mỏi, ăn không ngon miệng, lưỡi nhợt, mạch sáp nhược (rít, yếu).
- Thành phần: Đương quy 10g, xuyên khung 5g, thục địa 15g, bạch thược 8g, nhân sâm 3g, bạch truật 10g, phục linh 8g, cam thảo 5g. Sắc uống.
- Tác dụng: Bổ dưỡng khí huyết, chữa đau đầu do huyết hư.
2.2 Chữa loạn nhịp tim, hồi hộp, trống ngực do huyết hư
- Biểu hiện: Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực, rối loạn nhịp tim kèm theo chóng mặt, mất ngủ, ngủ hay mê, sắc mặt nhợt, mệt mỏi đuối sức, chất lưỡi hồng nhạt, mạch tế nhược (nhỏ yếu).
- Thành phần: Nhân sâm 12g, bạch truật 9g, phục linh 12g, cam thảo 6g, hoàng kỳ 20g, đương quy 12g, long nhãn nhục 15g, táo nhân 15g, viễn chí 6g, mộc hương 3g. Sắc uống.
- Tác dụng: Bổ huyết dưỡng tâm, ích khí an thần, chữa trống ngực do huyết hư.
2.3 Chữa rối loạn tiêu hóa, khó đi đại tiện do huyết hư
- Biểu hiện: Đại tiện táo, người mệt mỏi, tinh thần uể oải, sắc mặt xanh xao, môi lưỡi nhợt nhạt, đầu choáng mắt hoa, trống ngực, lưỡi nhợt, mạch tế (mạch nhỏ).
- Thành phần: Đương quy 15g, sinh địa 15g, đào nhân (nhân hạt đào) 12g, ma nhân (hạt vừng) 15g, cam thảo 6g. Sắc uống.
- Tác dụng: Bổ huyết dưỡng âm, nhuận tràng thông tiện, chữa đại tiện táo bón do huyết hư.
Lưu ý, các bài thuốc trên sắc uống mỗi ngày một thang, dùng theo từng đợt 10-15 ngày.
Có thể thấy, huyết hư là căn bệnh gây ra rất nhiều triệu chứng bệnh lý khác nhau. Không chỉ quan tâm điều trị triệu chứng, người bệnh cần chú trọng yếu tố gây bệnh. Phòng tránh huyết hư bằng cách thay đổi lối sống, giảm căng thẳng, dinh dưỡng cân bằng, tăng cường vận động thể lực, bớt áp lực, phòng bệnh hơn chữa bệnh.