Cách quản lý rác thải y tế trong khu vực cách ly, điều trị

Việc quản lý chất thải y tế tại các khu vực phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt.

Theo hướng dẫn quản lý chất thải và vệ sinh trong phòng chống dịch Covid-19 của Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, việc quản lý chất thải y tế tại các khu vực phòng cách ly, khám, theo dõi, chăm sóc, điều trị người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt từ việc phân loại, thu gom, vận chuyển đến xử lý.

Cụ thể, tất cả chất thải rắn phát sinh từ các khu vực này đều được coi là chất thải lây nhiễm (sau đây gọi là chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2). Các chất thải này phải được phân loại ngay vào thùng màu vàng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy, có lót túi, có biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh. Bên ngoài túi, thùng có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”. Những đám máu hoặc các chất tiết sinh học như chất nôn, phân có trên các bề mặt môi trường phải được loại bỏ ngay bằng cách lau bằng khăn hoặc gạc tẩm dung dịch khử khuẩn có chứa 0,5% Clo hoạt tính. Tất cả các khăn, gạc sau khi lau phải được bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm.

Đối với phân, nước tiểu của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 phải được thu gom vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế để xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Dịch tiết đường hô hấp, dịch tiết cơ thể (đờm, rãi, dịch mũi họng, dịch phế quản, dịch dẫn lưu…) của người bệnh phải được ngâm bằng dung dịch khử khuẩn có chứa 1% Clo hoạt tính với tỷ lệ 1:1 trong thời gian ít nhất 10 phút, sau đó đổ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của cơ sở y tế. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao gồm: mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm của người mắc hoặc nghi ngờ mắc Covid-19 phát sinh từ quá trình lấy mẫu xét nghiệm, từ phòng xét nghiệm phải được xử lý sơ bộ bằng thiết bị hấp hoặc khử khuẩn khác trước khi tiếp tục phân loại, thu gom, xử lý như chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2.

Trước khi thu gom, túi đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 phải buộc kín miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm thứ 2, buộc kín miệng túi, sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải có màu vàng, có dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”.

Việc vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 được ưu tiên xử lý tại cơ sở y tế hoặc vận chuyển xử lý ngay trong ngày tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế gần nhất. Việc vận chuyển phải bằng xe chuyên dụng hoặc các phương tiện đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

MINH HỒNG (tổng hợp)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/cach-quan-ly-rac-thai-y-te-trong-khu-vuc-cach-ly-dieu-tri-176822