Cách Stephen King tạo ra những 'con quái vật' đáng sợ

Stephen King cho rằng nhân vật y tá điên Annie Wilkes đáng sợ hơn bao giờ hết vì cô ta giống có thực.

 Nhân vật Annie Wilkes do Kathy Bates thủ vai trong phim Misery (1990). Ảnh: Lithub.

Nhân vật Annie Wilkes do Kathy Bates thủ vai trong phim Misery (1990). Ảnh: Lithub.

Với tôi, những gì xảy đến với các nhân vật khi câu chuyện diễn ra phụ thuộc hoàn toàn vào điều tôi khám phá được về họ khi đi theo họ - nói cách khác là cách họ trưởng thành.

Đôi lúc, họ hầu như không đổi khác. Nếu nhân vật phát triển quá mạnh, họ bắt đầu tác động lên hướng đi của câu chuyện chứ không phải ngược lại. Gần như tôi luôn bắt đầu với tình huống nào đó. Tôi không nói làm thế là đúng, nhưng đó là cách duy nhất tôi luôn thấy hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu mạch truyện lại có tác động mạnh hơn, tôi sẽ coi đó là thất bại bất chấp người ta và tôi thấy thú vị như thế nào. Tôi nghĩ những câu chuyện hay nhất luôn là về con người chứ không phải sự kiện, nói cách khác là nhân vật thúc đẩy tác phẩm.

Một khi bạn đã vượt qua mốc truyện ngắn (cứ cho là hai tới bốn nghìn từ đi), tôi sẽ không tin vào cái thứ mà người ta gọi là nghiên cứu nhân vật nữa. Sau cùng, tôi nghĩ câu chuyện mới là thứ nắm quyền kiểm soát.

Nếu bạn muốn nghiên cứu nhân vật, hãy mua một cuốn tiểu sử hoặc lấy vé vào cửa theo mùa để xem các tác phẩm kịch của trường đại học trong vùng. Như thế thì muốn nghiên cứu bao nhiêu nhân vật chẳng được.

Cũng cần nhớ rằng không có ai là “kẻ xấu” hoặc “người bạn tốt nhất” hoặc “ả điểm với trái tim vàng” ngoài đời thực cả. Trong đời thực, mỗi chúng ta đều coi mình là nhân vật chủ chốt, nhân vật chính diện, ông lớn; máy quay hướng về chúng ta, bạn ạ.

Nếu bạn có thể đưa thái độ này vào truyện của mình thì bạn sẽ thấy tạo nên các nhân vật tuyệt vời không dễ dàng, nhưng sẽ dễ tránh được những nhân vật một chiều hiện tràn ngập trong thể loại giả tưởng dành cho đại chúng.

Annie Wilkes, y tá giam giữ Paul Sheldon trong Misery, có lẽ là kẻ điên với chúng ta, nhưng cần nhớ cô ta thấy mình hoàn toàn tỉnh táo và hành xử hợp lý - thực ra còn thấy mình là một người phụ nữ can trường và đang vất vả gắng sức sống sót giữa thế giới cay độc toàn những lũ ngợm cứt.

Chúng ta thấy cô ta thất thường tới đáng sợ, nhưng tôi cố không viết hẳn ra là “Annie tuyệt vọng lắm, có khi sẽ tự tử vào hôm đó” hoặc “Annie có vẻ rất vui ngày hôm đó”.

Nếu tôi phải kể ra như thế, tôi thất bại. Còn nếu tôi có thể tả cho bạn hình dung ra được một người phụ nữ lặng lẽ, tóc bết không thể ngừng ngấu nghiến bánh ngọt và kẹo, rồi bạn tự kết luận được rằng Annie đang ở giai đoạn trầm cảm trong chu kỳ hưng-trầm cảm, tôi sẽ thắng.

Nếu tôi có thể cho bạn biết một phần nhỏ quan điểm của Wilkes về thế giới - nếu tôi có thể khiến bạn hiểu sự điên rồ của cô ta, thì có lẽ tôi có thể biến cô ta trở thành kẻ đáng thương hại trong mắt bạn, có khi còn là kẻ bạn hiểu. Kết quả ư? Cô ta đáng sợ hơn bao giờ hết, vì cô ta giống như có thực.

Mặt khác, nếu tôi biến cô ta thành con mụ gào thét liên thanh, thì cô ta sẽ chỉ là một mụ ba bị hù dọa người ta thôi. Nếu thế thì tôi thất bại, độc giả chẳng được gì cả. Ai lại muốn ghé thăm một bà già hôi hám chứ? Phiên bản Annie đó đã lỗi thời từ khi Phù thủy xứ Oz ra mắt lần đầu.

Tôi cho rằng cũng hợp lẽ thôi nếu muốn hỏi Paul Sheldon trong Misery có phải là tôi không. Hiển nhiên, có vài phần là thế... nhưng tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra nếu cứ tiếp tục viết truyện, mọi nhân vật được sáng tạo ra đều có phần nào của bạn. Khi bạn tự hỏi mình rằng liệu một nhân vật nhất định sẽ làm gì trong hoàn cảnh nhất định, bạn đã ra quyết định dựa theo những gì mình sẽ làm (hoặc không làm, nếu là viết về kẻ xấu).

Bổ sung thêm vào những phiên bản đó của bản thân là đặc tính của nhân vật, cả đáng yêu lẫn đáng ghét, những gì bạn đã chứng kiến ở những người khác (cái gã ngoáy mũi khi nghĩ không bị ai nhìn chẳng hạn).

Ngoài ra, còn có một nhân tố thứ ba thần diệu: Óc tưởng tượng lồng lộng như trời xanh. Đây là phần cho phép tôi trở thành một y tá điên khùng trong đoạn thời gian viết Misery.

Nhìn chung, trở thành Annie không khó chút nào. Thực ra còn khá vui nữa. Tôi nghĩ làm Paul mới khó. Anh ta tỉnh táo, tôi tỉnh táo, nên chẳng có bốn ngày chơi Disneyland nào hết.

Stephen King/NXB Thanh niên & 1980 Books.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-stephen-king-tao-ra-nhung-con-quai-vat-dang-so-post1440173.html