Hải quân Hoàng gia Australia sẽ trở thành lực lượng thứ bảy trên thế giới triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sau khi một thỏa thuận được chính quyền nước này công bố vào ngày 15/9, trong đó Mỹ và Anh cam kết sẽ hỗ trợ việc cung cấp các tàu ngầm cho Australia.
Thỏa thuận đi kèm sẽ được hoàn tất trong 18 tháng tới, nằm trong hiệp ước quốc phòng do Thủ tướng Australia Scott Morrison đề xuất với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson, tạo ra liên minh Australia, Mỹ, Vương quốc Anh (AUSUK).
AUSUK được định hình rõ ràng là nhằm chống lại Trung Quốc ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác trong nhiều lĩnh vực chiến lược như khả năng tấn công tầm xa, chiến tranh mạng, trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Australia từ lâu đã vận hành các tàu ngầm tấn công điện diesel, cụ thể là lớp Collins, có thành tích ấn tượng trong các cuộc tập trận mô phỏng bao gồm đánh chìm tàu sân bay của Hải quân Mỹ. Hải quân Australia trước đó đã lên kế hoạch mua 12 chiếc thay thế từ Pháp theo một thỏa thuận trị giá hơn 40 tỷ USD.
Điều đặc biệt là chi phí tăng đã khiến hợp đồng với Pháp vượt hơn 50% chi phí ban đầu lên đến gần 70 tỷ USD và khả năng đáp ứng các yêu cầu của ngành công nghiệp Pháp đang bị đặt dấu hỏi.
Việc chấm dứt thỏa thuận với Pháp có thể khiến Australia phải trả 400 triệu đô la nếu phía Pháp yêu cầu bồi thường. Nhưng thỏa thuận thay thế với Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Hải quân Australia những vũ khí có sức chịu đựng vượt trội hơn nhiều. Các tàu của Australia dự kiến sẽ vay mượn nhiều từ các thiết kế Lớp Astute của Anh và Lớp Virginia của Mỹ.
Trước đó, đã có thông tin rộng rãi từ năm 2019 rằng Australia đang cân nhắc trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đứng cùng hàng với Ấn Độ, Triều Tiên, Pakistan và Israel với tư cách là một quốc gia đứng bên ngoài Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, nếu Australia thực hiện chương trình tàu ngầm thì nước này sẽ là quốc gia duy nhất có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không có vũ khí hạt nhân để triển khai trên các con tàu này.
Ngược lại có một số quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng các quốc gia này lại chưa có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như Israel, Pakistan và Triều Tiên.
Do đó, việc cung cấp các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia có thể được coi là một nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ cho phép nước này triển khai hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân, thay mặt cho một liên minh rộng lớn của phương Tây chống lại các nước ở Đông Á.
Trong quá khứ, một số nguồn tin đã suy đoán rằng Australia có thể trở thành khách hàng cho B-21 Raider của Mỹ, các máy bay ném bom chiến lược sẽ cung cấp cho nước này một vũ khí tầm xa có khả năng tấn công Trung Quốc, kể cả bằng vũ khí hạt nhân nếu nước này đi theo con đường đó.
Một khả năng lớn hơn là Australia có thể đào tạo nhân viên của mình sử dụng vũ khí hạt nhân của Mỹ như nhiều thành viên NATO châu Âu đã làm, trên cơ sở các đầu đạn sẽ được Mỹ chuyển cho các đồng minh trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Với việc các tàu ngầm mới của Australia được thiết kế để tương thích với các loại vũ khí trang bị của Mỹ và Anh, tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân phóng tên lửa hành trình có khả năng được chuyển giao cho Hải quân Hoàng gia Australia trong trường hợp xảy ra chiến tranh giống như kế hoạch của Mỹ từng chuyển giao bom trọng lực hạt nhân cho các đồng minh châu Âu. Nguồn ảnh: Foxt.
Dù chuyển giao công nghệ đóng tàu ngầm hạt nhân cho Australia, Mỹ chắc chắn sẽ không chuyển giao các tên lửa Trident II cho quốc gia này. Nguồn: QPVN.
Thái Hòa