Cách thức 'rút ruột' SCB và 'cắt' dòng tiền của bà chủ Vạn Thịnh Phát
Sáng 6-3, phiên tòa sơ thẩm xét xử bà chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo liên quan với hàng loạt tội danh tiếp tục phần công bố cáo trạng truy tố. Trước đó, Hội đồng xét xử đã phải dành gần 1 ngày để thực hiện phần thủ tục bắt đầu phiên tòa.
Theo cáo trạng truy tố, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) bị truy tố cùng lúc 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “Tham ô tài sản”. 84 bị cáo liên quan (1 bị cáo được tạm đình chỉ xét xử) lần lượt bị xét xử về các tội: “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng”.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch Công ty Đầu tư và Quản lý giáo dục Văn Lang; Công ty Tập đoàn Capella) bị truy tố về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Trong vụ án, ngoài tư cách bị cáo, bà chủ Vạn Thịnh Phát còn giữ vai trò bị hại ở hành vi bị “đại gia” Nguyễn Cao Trí lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng trong việc mua bán, chuyển nhượng dự án.
Hồ sơ vụ án cho thấy, trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đóng vai trò hạt nhân, kiểm soát toàn bộ hoạt động đối với các công ty khác nhưng không tham gia trực tiếp kinh doanh. Bị cáo Trương Mỹ Lan còn dùng những người thân tín, trả lương cao để hoạt động phạm tội.
Dùng người thân tín và trả lương hậu hĩnh
Theo đó, cáo trạng truy tố thể hiện, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 doanh nghiệp chia làm 4 nhóm chính, có quan hệ chặt chẽ với nhau, gồm: nhóm định chế tài chính, nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, nhóm các công ty “ma’’ tại Việt Nam và cuối cùng là mạng lưới công ty tại nước ngoài.
Bị cáo Trương Mỹ Lan xây dựng mạng lưới nhiều công ty vỏ bọc, tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế’’ phục vụ hoạt động kinh doanh, đầu tư. Bị cáo Lan còn sử dụng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bị cáo này ở nước ngoài.
Trong nhóm định chế tài chính, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) có vai trò đặc biệt quan trọng, được Lan sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho các công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Về phương thức thủ đoạn, đầu tiên Lan thâu tóm 3 ngân hàng là Ngân hàng Sài Gòn (cũ), Ngân hàng Tín Nghĩa, Ngân hàng Đệ Nhất. Sau đó, năm 2012, ba ngân hàng này được hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Bị cáo Lan chỉ đứng tên một phần, còn lại nhờ nhiều người khác đứng tên sở hữu phần lớn cổ phần tại SCB với tỉ lệ chi phối lên đến hơn 91%. Những người đứng tên hộ Lan là những người thân tín, tin tưởng.
Nắm giữ tỉ lệ chi phối, bị cáo Lan đưa nhiều người thân tín, được tin tưởng vào các vị trí chủ chốt của ngân hàng như HĐQT, Ban Tổng giám đốc, Giám đốc chi nhánh lớn, Ban Kiểm soát… và trả lương cao từ 200-500 triệu đồng/tháng.
Bà chủ Vạn Thịnh Phát dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống. Thậm chí nhiều khoản vay được rút tiền ra trước, hoàn thiện hồ sơ sau.
Chuyển tiền lòng vòng, rồi hô “biến”
Tài liệu truy tố, xét xử xác định, hầu hết các hồ sơ đều được giải ngân trước, hợp thức hóa sau. Trong khi ấy, theo quy trình, ngân hàng chỉ giải ngân khi đã hoàn thiện các thủ tục thế chấp. Tuy nhiên, có tới 684 khoản vay của Lan và nhóm Vạn Thịnh Phát với tổng số nợ hơn 382.000 tỉ đồng chưa có thủ tục thế chấp khi giải ngân.
Tính đến ngày 17-10-2022 có 1.284 khoản vay của 875 khách hàng là các khoản vay của nhóm Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát với dư nợ gốc là hơn 483.000 tỉ đồng, thuộc nợ nhóm 5 không có khả năng thu hồi. Để rút được số tiền này, Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm bị cáo tại SCB, Vạn Thịnh Phát lập hồ sơ khống.
Cụ thể, thứ nhất, thành lập hàng nghìn pháp nhân “ma”, nhờ hoặc thuê hàng nghìn cá nhân đứng tên khách hàng vay vốn. Thứ hai, lập các phương án vay vốn khống. Thứ ba là các tài sản đưa vào bảo đảm cho khoản vay không đủ pháp lý, không đủ điều kiện thế chấp hoặc được nâng khống giá trị, không đăng ký giao dịch bảo đảm. Ngoài ra, các bị cáo liên quan còn thông đồng với các đơn vị định giá để hợp thức giá trị tài sản.
Tiếp đến là lập ra các thủ tục thẩm định, phê duyệt các khoản vay như một hồ sơ vay vốn thông thường để hợp thức. Thứ năm là sau khi tiền được chuyển vào tài khoản chỉ định, sử dụng hàng nghìn pháp nhân “ma”, nhờ hoặc thuê hàng nghìn cá nhân mở tài khoản chuyển tiền lòng vòng, chuyển khoản ra khỏi SCB rồi rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền để Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, sử dụng.
Ngoài việc lập hồ sơ các khoản vay khống nhằm hợp thức hóa việc rút tiền nêu trên, Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm bị cáo ở SCB thành lập mới đơn vị kinh doanh tại Hội sở để chỉ giải ngân cho nhóm Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, hoán đổi, rút tài sản bảo đảm có giá trị thay thế bằng các tài sản không đủ pháp lý hoặc không có giá trị, giá trị thấp nhằm rút ruột tổ chức tín dụng.
Cuối cùng, bị cáo Lan chỉ đạo bán nợ xấu cho Công ty Mua bán nợ VAMC, bán nợ trả chậm, cấn trừ nợ để che giấu nợ xấu, giảm dư nợ tín dụng với mục đích để tiếp tục được huy động vốn, giải ngân...
Cơ quan tố tụng xác định, Trương Mỹ Lan đã tham ô tài sản, chiếm đoạt của SCB hơn 304 nghìn tỉ đồng, gây thiệt hại gần 130 nghìn tỉ đồng và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng gây thiệt hại hơn 64 nghìn tỉ đồng.
Phiên tòa xét xử bà chủ Vạn Thịnh Phát và 84 bị cáo liên quan, hiện vẫn đang ở phần công bố cáo trạng truy tố.