Cách tiếp cận chưa trúng?
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh Phan Công Bằng với tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 6 tỷ USD, tương đương hơn 138.000 tỷ đồng.
Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là chuyện không mới. Các con số lượng hóa về những thiệt hại cũng đã có, thế nhưng để có giải pháp hữu hiệu, cả cho trước mắt và lâu dài vẫn “xa vời”, hoặc có nhưng không hiệu quả khi triển khai.
Nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông đã nhiều lần được chỉ ra: Thứ nhất là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển phương tiện thấp. Thứ hai là hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao.
Thứ ba là vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu. Thứ tư là phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa hợp lý. Thứ năm là do lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh và cuối cùng là mức phạt chưa đủ răn đe, lực lượng chức năng xử lý chưa nghiêm, phạt thấp, chấp pháp chưa nghiêm.
Còn cụ thể như với TP Hồ Chí Minh, theo lý giải của đại diện Sở Giao thông Vận tải là do quy hoạch phát triển giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới được đầu tư giai đoạn 1 hoặc đang nghiên cứu nên việc liên kết giao thông trong vùng còn thiếu và gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nữa là nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông của thành phố cũng như của cả vùng Đông Nam Bộ còn hạn chế.
Hệ thống vành đai cũng chưa hoàn chỉnh; các tuyến quốc lộ, nút giao quan trọng chưa được đầu tư, mở rộng. Hơn nữa, các loại hình vận tải như đường sắt, đường thủy của vùng cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Hiện, đã có một số đề án được nghiên cứu thực hiện nhằm giảm phương tiện cá nhân, phát triển phương tiện công cộng; các dự án đường vành đai 2, 3, 4 đã và đang được triển khai - khi hoàn thành tình trạng ùn tắc sẽ cải thiện.
Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi thì cho biết, để giải quyết được hạn chế này, thành phố đã triển khai đề án tổ chức lại giao thông công cộng, trong đó có nghiên cứu cả hành vi, thói quen, văn hóa giao thông.
Cụ thể như việc thực hiện các tuyến metro, thành phố cần có cách tiếp cận khác, nếu chỉ làm từng tuyến rời rạc thì đến năm 2045 hệ thống metro trên địa bàn cũng chưa xong mà xong thì cũng không thể phát huy hiệu quả.
Rộng hơn nữa là phát triển giao thông vùng, mạng lưới giao thông thủy, đường sắt và đường bộ cần được tập trung đầu tư đồng bộ. Khi các phương tiện cá nhân đang là trở lực với thành phố và vùng Đông Nam Bộ, điều cần thiết là phải tổ chức lại phương tiện hành khách vùng bằng cả đường bộ, đường sắt, đường thủy.
Những nguyên nhân trên là khá đầy đủ và toàn diện về tình trạng ùn tắc giao thông. Các giải pháp đưa ra cũng rất cụ thể. Vấn đề còn lại là tổ chức triển khai thực hiện như thế nào.
Có lẽ không chỉ riêng với TP Hồ Chí Minh mà với nhiều địa phương khác, trước tiên phải trả lời được câu hỏi mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đặt ra là vì sao thành phố mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc nhưng vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước vẫn chậm và chưa đạt yêu cầu? Và có vẻ cách tiếp cận trong giải quyết ùn tắc giao thông của chúng ta còn chưa trúng...?
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cach-tiep-can-chua-trung-post600681.html