Cách tính quỹ tiền lương, tiền công của đơn vị sự nghiệp
Cách tính quỹ tiền lương, tiền công thực hiện trong năm nêu tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã được hướng dẫn cụ thể tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC.
Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 quy định: "Đối với Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi, mức trích tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công bình quân thực hiện trong năm của đơn vị. Quỹ tiền lương ngạch, bậc, chức vụ làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị, bao gồm:
- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp: Tính trên cơ sở hệ số lương, hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) do Nhà nước quy định của số lượng người làm việc trong đơn vị theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP của Chính phủ và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng từ 1 năm trở lên;
- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có)".
Mặt khác, tại Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định: "Trích lập quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị".
Bà Nguyễn Hải Linh hỏi, theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP tiền lương, tiền công thực hiện trong năm có giống cách tính của tiền lương, tiền công thực hiện trong năm theo Thông tư số 145/2017/TT-BTC không?
Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, quy định:
"Điều 14. Phân phối kết quả tài chính trong năm
1. Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định, nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo thứ tự như sau:
… c) Trích lập Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi: Tổng hai quỹ tối đa không quá 3 tháng tiền lương, tiền công thực hiện trong năm của đơn vị;…".
Ngày 16/9/2022, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP), trong đó Khoản 1 Điều 10 quy định:
"Điều 10. Phân phối kết quả tài chính trong năm
Kết thúc năm tài chính, sau khi hạch toán đầy đủ các khoản thu, chi thường xuyên giao tự chủ, trích khấu hao tài sản cố định (nếu có), nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước, trích lập nguồn cải cách tiền lương theo quy định, phần chênh lệch thu lớn hơn chi thường xuyên giao tự chủ (nếu có), đơn vị sự nghiệp công được sử dụng theo quy định tại Điều 14 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 1, nhóm 2), Điều 18 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 3) và Điều 22 (áp dụng đối với đơn vị nhóm 4) Nghị định số 60/2021/NĐ-CP. Thông tư này quy định một số nội dung cụ thể như sau:
1. Trong thời gian Chính phủ chưa ban hành chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp:
a) Quỹ tiền lương, tiền công làm cơ sở để tính trích Quỹ khen thưởng và Quỹ phúc lợi trong năm của đơn vị nhóm 1, nhóm 2 và nhóm 3 bao gồm:
- Tiền lương ngạch, bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công theo số lượng người làm việc trong đơn vị quy định tại Điều 9 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập và mức tiền lương cơ sở do Chính phủ quy định; tiền lương của lao động hợp đồng theo quy định (nếu có);
- Tiền lương tăng thêm do nâng bậc lương theo niên hạn và nâng bậc lương trước thời hạn của đơn vị theo quy định (nếu có);
- Tiền công theo hợp đồng vụ việc (nếu có);".
Theo đó, về cách tính quỹ tiền lương, tiền công thực hiện trong năm nêu tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP đã được hướng dẫn cụ thể tại Điểm a Khoản 1 Điều 10 Thông tư số 56/2022/TT-BTC.
Đề nghị bà Linh căn cứ quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, Thông tư số 56/2022/TT-BTC để thực hiện.