Cách Ukraine biến lựu đạn phân mảnh thành 'sát thủ diệt tăng'
Tại một căn cứ bí mật, một đơn vị của Ukraine đang sử dụng băng keo, cân, máy in 3D và nhiều vật dụng khác để biến lựu đạn phân mảnh thành sát thủ diệt xe tăng. Đây là một nhiệm vụ đầy khó khăn và nguy hiểm.
Nỗ lực chế tạo “sát thủ diệt tăng”
Một loạt thiết bị quen thuộc được bày trên hai chiếc bàn gỗ trong phân xưởng chật chội ở miền Đông Ukraine: băng dính 2 mặt, găng tay, mỏ lết Allen, mỏ hàn, nhựa in 3D, vòng bi và thiết bị kỹ thuật số. Bên cạnh đó là quả lựu đạn phân mảnh DM51 của Đức.
Đây đều là những trang thiết bị và nguyên vật liệu quan trọng để quân đội Ukraine giải bài toán: Làm thế nào để tạo ra một quả lựu đạn với trọng lượng nhẹ có thể thả từ máy bay không người lái (UAV) và phá hủy một chiếc xe tăng nặng 40 tấn của đối phương.
“Xung đột cũng là một cuộc cạnh tranh về mặt kinh tế. Nếu bạn có một chiếc máy bay không người lái với giá 3.000 USD, một quả lựu đạn với giá 200 USD và bạn phá hủy một chiếc xe tăng trị giá 3 triệu USD. Bạn sẽ có lợi thế”, một binh sỹ Ukraine có biệt danh Graf, phụ trách đơn vị máy bay không người lái cho biết.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine cách đây gần 1 năm, cả hai bên đều áp dụng những tiến bộ mới về công nghệ trên chiến trường, chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sử dụng máy bay không người lái cỡ nhỏ, được vận hành từ xa. Những UAV này ngày càng khẳng định tầm quan trọng ở hầu hết mọi khía cạnh của cuộc chiến, trong đó có do thám, kiểm soát hỏa lực pháo binh và tấn công cảm tử.
Hiện giờ, Graf và nhóm của anh đang cố gắng nâng cao hiệu quả của máy bay không người lái lên một tầm cao mới, sử dụng chúng để ném lựu đạn diệt tăng. Nhưng việc chế tạo lựu đạn này là một thách thức lớn.
“Đây là mục tiêu chính của chúng tôi”, Graf cho biết trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2022, tại trụ sở chính của anh tại thành phố Sloviansk. Xung quanh anh là những công cụ cần thiết để biến một thiết bị bay dân sự thành một vũ khí sát thương trên chiến trường.
Việc Graf nỗ lực mày mò, nghiên cứu trong phòng làm việc là một ví dụ cho thấy quân đội Nga đã và đang tìm cách thích nghi với cuộc xung đột cường độ cao, nhằm tạo ra sự cân bằng khi đối mặt với ưu thế vượt trội về quân số và vũ khí tầm xa của quân đội Nga.
Khiến UAV trở nên nguy hiểm hơn
Graf cho biết, quả lựu đạn cần nặng khoảng nửa kg – trọng lượng tối đa mà máy bay không người lái DJI Mavic 3 có thể mang theo mà không làm gián đoạn chuyến bay của nó. Để lựu đạn có trọng lượng này, nhóm của Graf đã sử dụng máy in 3D, cố gắng tạo ra lớp vỏ mỏng nhẹ có thể chứa chất nổ cần thiết để xuyên thủng lớp giáp của xe tăng. Nhiệm vụ tiếp theo là thử nghiệm những lựu đạn có thiết kế khác nhau và điều chỉnh cơ chế nổ cho chúng.
Theo Graf, lựu đạn này cần có khả năng xuyên thủng thân xe bọc thép chở quân hoặc xe tăng – điều mà những quả lựu đạn nặng khoảng 0,5kg thông thường không thể làm được. Hiện, nguyên mẫu tốt nhất mà họ lựa chọn để cải tiến là lựu đạn cầm tay DM51 do Đức cung cấp, có gắn thiết bị ổn định, nặng gần với ngưỡng quy định. Nhưng DM51 được thiết kế để gây sát thương binh lính và không hiệu quả khi tấn công xe tăng.
Đối với Graf và các đơn vị vận hành, chế tạo máy bay không người lái của Ukraine, việc phát triển lựu đạn cải tiến là một phần của cuộc chạy đua vũ trang máy bay không người lái với Nga. Hiện quân đội Nga cũng đang cố gắng khiến các phương tiện không người lái cỡ nhỏ của họ trở nên nguy hiểm hơn.
Samuel Bendett, chuyên gia am hiểu về máy bay không người lái (UAV) của Nga tại Viện nghiên cứu CNA có trụ sở ở Mỹ cho biết: “Quy trình phát triển máy bay không người lái của Ukraine ngày càng được sắp xếp hợp lý hơn và các đội ngũ kỹ sư thường có sự phối hợp với nhau cũng như với quân đội”. Điều đó có nghĩa là các phát minh của Graf và đồng đội có thể nhanh chóng được chia sẻ với các đơn vị máy bay không người lái khác trước khi được sử dụng trên thực địa.
Theo nhà phân tích Samuel Bendett, Nga đang theo đuổi cách tiếp cận mang tính công nghiệp hơn trong cuộc chạy đua vũ trang bằng máy bay không người lái, ưu tên trang bị các loại đạn dược sản xuất đại trà với số lượng lớn. Một số nhóm tình nguyện của Nga đã đạt được tiến bộ trong việc thử nghiệm và đưa máy bay không người lái ra tiền tuyến.
Nhiệm vụ đầy thách thức
Một trở ngại mà các chuyên gia công nghệ không người lái của Ukraine gặp phải là làm sao sửa đổi vũ khí để chúng hoạt động theo cách khác với tính năng truyền thống của chúng. Thách thức thứ hai, khi có quá nhiều loại đạn dược mà các nước phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ cung cấp, quân đội Ukraine cần phải tìm hiểu sự phức tạp của từng loại trước khi sửa đổi, tăng hoặc giảm lượng chất nổ. Quá trình này rất phức tạp.
Chẳng hạn, một số loại lựu đạn nhỏ như M433 do Mỹ sản xuất và cung cấp, có đầu đạn xuyên phá có thể xuyên thủng lớp giáp xe tăng, nhưng chúng phải được bắn từ súng phóng lựu cầm tay chứ không phải do máy bay không người lái thả xuống. Các binh sỹ Ukraine phải đặt quả lựu đạn cẩn thận vào một báng kẹp và bắt đầu tháo rời một số bộ phận như hộp đạn hay chiếc nắp nhôm trên mũi quả lựu đạn. Sử dụng kìm và các thiết bị cầm tay khác, các binh sỹ phải nhẹ nhàng thăm dò và điều chỉnh cơ chế bên trong của ngòi nổ để vô hiệu hóa tính năng đảm bảo an toàn của nó. Nếu thành công, họ có thể tạo ra một quả lựu đạn dễ dàng phát nổ ngay cả khi bị xử lý sai cách. Trước khi đưa ra chiến trường, quả lựu đạn này phải được gắn cẩn thận vào máy bay không người lái.
Graf nói rằng không ai trong nhóm của mình thiệt mạng khi chế tạo lựu đạn, nhưng nó lại rất nguy hiểm đối với quân đội ở tiền tuyến. Anh cho biết: “Có rất nhiều người đã chết vì họ không hiểu cách thức hoạt động của vũ khí này”.
Bất chấp rủi ro, Graf và các đồng nghiệp vẫn tiếp tục nghiên cứu trong xưởng chế tạo đầy ắp các loại chất nổ khác nhau, tiến gần hơn đến việc tạo ra loại lựu đạn diệt tăng hiệu quả. Họ cho biết, ở thời điểm hiện tại họ đã chế tạo thành công loại lựu đạn có thể xuyên thủng lớp giáp xe tăng với trọng lượng chưa đến 0,5kg./.