Cách xử lý khi bị nhắn tin, gọi điện 'đòi nợ khống'

Thực tế, đã và đang có nhiều trường hợp, người dân dù không vay mượn, không bảo lãnh, thậm chí không hề quen biết người vay qua các ứng dụng (app) cho vay tiền nhưng lại bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin 'khủng bố' đòi nợ, thậm chí bị bêu xấu trên mạng xã hội. Điều này đang gây bức xúc trong dư luận và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến, nhìn chung được phân thành hai dạng: App vay tiền trực tuyến của các tổ chức tín dụng hợp pháp và app vay tiền trực tuyến của các tổ chức không chính thống, núp bóng dưới hình thức “tín dụng đen” với lãi suất "cắt cổ". Việc vay tiền qua app rất thuận tiện và thủ tục nhanh chóng nên được nhiều người lựa chọn.

Tuy nhiên, trường hợp nếu người vay vì lý do nào đó không thể thoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp... của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn,... với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên các trang mạng xã hội… Thậm chí có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền bởi lẽ số điện thoại do mới mua lại của người khác, nên không có mối quan hệ nào với người đang nợ tiền.

Điều đáng nói, mặc dù Khoản 7, Điều 1, Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4.11.2019 sửa đổi, bổ sung Điểm đ, Khoản 2, Điều 7, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về các biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính, song thực tế thời gian vừa qua, tình trạng bị quấy rối, đe dọa, khủng bố để đòi nợ bằng hình thức nhắn tin, gọi điện... vẫn thường xuyên xảy ra. Việc đòi nợ qua điện thoại đã làm không ít người cảm thấy phiền hà, bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, thậm chí hoang mang sợ hãi bởi những lời lẽ uy hiếp, đe dọa, khủng bố và xúc phạm của các đối tượng đòi nợ.

Có thể dễ dàng tìm kiếm các trang Website quảng cáo app cho vay tiền. Nguồn: ITN

Có thể dễ dàng tìm kiếm các trang Website quảng cáo app cho vay tiền. Nguồn: ITN

Trước thực tế trên, Bộ Công an khuyến cáo, khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố", người dân cần bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập. Đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ. Nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng.

Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: Thông tin về giấy tờ tùy thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống… Người dân cũng nên thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.

Người bị "đòi nợ khống" có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân hãy trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

Người dân khi có nhu cầu vay tiền phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Hiện nay, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai các biện pháp truy quét “tín dụng đen” dưới hình thức vay tiền trực tuyến, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/cach-xu-ly-khi-bi-nhan-tin-goi-dien-doi-no-khong-i321760/