Cách xử lý khi trẻ hóc dị vật

Trẻ em, đặc biệt lứa tuổi 1-5, thường cho đồ vật vào miệng. Đây là phần bình thường trong cách trẻ khám phá thế giới. Dù vậy, phụ huynh cần nắm các bước xử lý khi con hóc dị vật.

 Trẻ nhỏ thường tò mò và thích cho mọi thứ vào miệng, điều này có thể gây nguy hiểm khi dị vật kẹt ở đường thở của trẻ. Ảnh: Motherly.

Trẻ nhỏ thường tò mò và thích cho mọi thứ vào miệng, điều này có thể gây nguy hiểm khi dị vật kẹt ở đường thở của trẻ. Ảnh: Motherly.

Một số đồ vật nhỏ, chẳng hạn viên bi, hạt cườm và pin cúc áo, có kích thước vừa phải, có thể mắc vào đường thở của trẻ, gây ngạt thở. Cách tốt nhất để phòng tránh tai nạn này là đảm bảo những đồ vật nhỏ như vậy được đặt ngoài tầm với của trẻ.

Tuy nhiên, dù người lớn cẩn thận đến đâu, trẻ vẫn có nguy cơ mắc nghẹn đồ vật lạ. Trong phần lớn trường hợp, dị vật thường đi vào cơ thể do trẻ nuốt chúng.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) lưu ý trẻ có thể ho với nhiều lý do. Nhưng nếu con đột nhiên bắt đầu ho, không bị bệnh và có thói quen cho những vật nhỏ vào miệng, rất có thể, trẻ đang bị nghẹn.

Cha mẹ sơ cứu cho con

Nếu có thể nhìn thấy dị vật trong miệng con, cha mẹ có thể cố gắng tự lấy nó ra. Dù vậy, phụ huynh không nên dùng ngón tay chọc liên tục, lung tung. Làm như vậy, họ có thể vô tình khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn khi đẩy dị vật vào sâu, khiến nó khó lấy ra hơn.

Nếu con ho mạnh, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ tiếp tục ho để tống ra thứ mà chúng đang mắc nghẹn. Phụ huynh cần ở bên cạnh con cho trường hợp cần hỗ trợ.

Nếu con ho nhưng không hiệu quả (trẻ im lặng hoặc không thể hít vào), phụ huynh hãy gọi trợ giúp ngay lập tức và quyết định xem trẻ có còn tỉnh hay không. Nếu con bạn vẫn còn tỉnh nhưng không ho hoặc ho nhưng không thể đẩy dị vật ra, người lớn hãy vỗ vào lưng trẻ.

Cha mẹ có thể đặt trẻ nằm úp, vỗ tối đa 5 lần vào phần lưng giữa 2 bả vai bé để thúc dị vật ra. Ảnh: Raising Children.

Cha mẹ có thể đặt trẻ nằm úp, vỗ tối đa 5 lần vào phần lưng giữa 2 bả vai bé để thúc dị vật ra. Ảnh: Raising Children.

Với trẻ dưới một tuổi, cha mẹ phải ngồi xuống, đặt bé úp mặt dọc theo đùi hoặc cẳng tay của bạn, dùng tay đỡ lưng và đầu bé rồi dùng gốc bàn tay vỗ mạnh vào lưng trẻ phần giữa 2 bả vai tối đa 5 lần.

Với trẻ trên một tuổi, phụ huynh vẫn đặt con nằm úp lên tay hoặc đùi như cách với trẻ dưới một tuổi. Nếu không thể thực hiện, cha mẹ hãy ôm con từ phía sau, ôm thắt lưng trẻ rồi vỗ lưng 5 cái từ phía sau.

Nếu phương pháp vỗ lưng không giúp trẻ đỡ nghẹt thở, trong trường hợp trẻ vẫn tỉnh, cha mẹ hãy ấn ngực cho trẻ dưới một tuổi và ấn bụng cho trẻ trên một tuổi. Cách này tạo ra cơn ho nhân tạo, tăng áp lực trong lồng ngực và giúp tống dị vật ra ngoài.

Cách đẩy ngực cho trẻ dưới một tuổi: Người lớn đặt trẻ nằm ngửa dọc theo đùi hoặc cẳng tay, tìm xương ức, đặt 2 ngón tay vào giữa rồi ấn mạnh 5 lần vào ngực.

Với trẻ trên một tuổi: Cha mẹ đứng hoặc quỳ phía sau con, đặt cánh tay dưới cánh tay trẻ và xung quanh bụng trên của chúng, nắm chặt bàn tay của bạn, đặt nó giữa rốn và xương sườn rồi nắm tay này bằng tay kia, kéo mạnh vào trong theo chiều lên trên. Cha mẹ lặp lại động tác tối đa 5 lần.

 Động tác đẩy ngực khi trẻ hóc dị vật cần được thực hiện cẩn thận. Ảnh: Aboutkidshealth.

Động tác đẩy ngực khi trẻ hóc dị vật cần được thực hiện cẩn thận. Ảnh: Aboutkidshealth.

Phụ huynh phải chắc chắn trong quá trình sơ cứu, họ không tạo áp lực lên lồng ngực dưới của trẻ vì điều này có thể gây ra tổn thương.

Trường hợp cần gọi cấp cứu

Sau khi thực hiện động tác ấn ngực hoặc ấn bụng, cha mẹ cần đánh giá lại tình hình sức khỏe của con. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài và con vẫn còn tỉnh táo, người lớn tiếp tục thực hiện chuỗi các động tác vỗ lưng và ấn ngực hoặc bụng. Tiếp đó, họ nên gọi điện nhờ người trợ giúp. Trong mọi trường hợp, cha mẹ không để con ở một mình.

Sau khi thử vỗ lưng, ấn ngực hoặc bụng, dị vật vẫn không thoát ra ngoài, cha mẹ cần gọi cấp cứu rồi tiếp tục lặp lại các động tác trên cho đến khi nhân viên y tế có mặt.

Ngay cả khi dị vật đã ra ngoài, cha mẹ vẫn nên gọi cấp cứu. Một phần dị vật có thể vẫn sót lại trong đường thở của trẻ hoặc con có thể bị tổn thương sau các thủ thuật sơ cứu.

Trong trường hợp trẻ bất tỉnh bị nghẹn, cha mẹ cần đặt con lên bề mặt chắc chắn, bằng phẳng, hô lớn để được giúp đỡ. Họ gọi cấp cứu, mở loa ngoài để có thể thực hiện theo hướng dẫn. Trong mọi hoàn cảnh, phụ huynh không được để con nằm một mình.

Cha mẹ nên thử mở miệng con, nếu thấy rõ vật đang mắc kẹt và có thể dễ dàng tiếp cận, phụ huynh nên tự lấy nó ra rồi tiến hành các bước hồi sức tim phổi cho con.

Nguyên Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cach-xu-ly-khi-tre-hoc-di-vat-post1419446.html