Cái bắt tay của Shark Hùng Anh và Tuệ Lâm với thương vụ người Ấn Độ có làm nên chuyện lớn?
Shark Tank Việt Nam tập 10 ghi nhận startup không sở hữu nhà kho và đội vận tải, startup nền tảng dịch vụ hậu cần của founder người Ấn Độ vẫn có 3.000 người dùng sau hơn 2 tháng ra mắt, khiến Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm bắt tay cùng đầu tư.
Kêu gọi đầu tư 500 ngàn USD cho 8% cổ phần của công ty
Sự xuất hiện của một founder Rajnish Sharma người Ấn Độ cùng Giám đốc Sản phẩm Lê Thọ đến gọi vốn cho nền tảng logistics. Từng có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hậu cần (logistics) ở các doanh nghiệp địa phương, Rajnish Sharma nhận thấy các doanh nghiệp thường có trung tâm phân phối ở phía Bắc và phía Nam, khiến chi phí phân phối cao hơn và mất thời gian hơn.
Để hạn chế những tổn thất đó, mang lại sự minh bạch và linh hoạt, Rajnish đã cho ra đời nền tảng dịch vụ hậu cần Wareflex Việt Nam.
Wareflex không sở hữu bất kỳ nhà kho, cũng như bất kể đội xe tải nào. Thay vào đó, nền tảng này đứng ở vai trò trung gian kết nối doanh nghiệp với các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà kho, vận tải phù hợp với từng yêu cầu.
Đến tháng 8/2023, nền tảng Wareflex ra mắt để phục vụ khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu về kho vận. Sau hơn 2 tháng, nền tảng này có hơn 3.000 tài khoản doanh nghiệp đăng ký và 70 yêu cầu dịch vụ.
Đến với Shark Tank Việt Nam, startup này kêu gọi sự đồng hành của các Shark với số tiền đầu tư 500 ngàn USD cho 8% cổ phần của công ty.
Giới thiệu kỹ hơn về mô hình kinh doanh và bức tranh doanh thu, Rajnish cho biết dự án này được khởi động từ tháng 12/2021. Thời gian đầu Wareflex tiến hành phát triển mạng lưới đối tác và hiện hợp tác với hơn 150 nhà cung cấp dịch vụ với tổng cộng gần 400 nhà kho, gần 4.000 xe tải.
Để gia tăng lợi thế cho mô hình kinh doanh, Wareflex tiến hành xác minh và nghiên cứu trước về nguồn cung, sau đó phân loại theo 103 đặc tính để khách hàng dễ dàng tìm được dịch vụ phù hợp nhất.
Theo chia sẻ của nhà sáng lập, tệp khách hàng chính của startup này là các công ty hàng hóa. Hành trình sử dụng dịch vụ trên Wareflex sẽ bắt đầu từ việc sắp xếp cuộc gặp đầu tiên, ký NDA (thỏa thuận bảo mật thông tin), cung cấp chi tiết mong muốn, dùng thử hợp đồng và sau đó mới chính thức hợp tác.
"Đốt" khoảng 40 ngàn USD mỗi tháng, doanh thu 1 triệu USD/tháng và hòa vốn năm 2025
Với cách làm này, đến thời điểm gọi vốn Wareflex đã có được hợp đồng trị giá hơn 500 ngàn USD và dự kiến trong tháng 12/2023 sẽ chốt thêm hợp đồng logistics trị giá 3 triệu USD. Wareflex sẽ nhận được mức phí từ 5-10% tùy thuộc vào quy mô hợp đồng, loại nhà kho cũng như dịch vụ. Doanh thu ghi nhận là 50 ngàn USD.
Nhà sáng lập của Wareflex cũng tiết lộ mục tiêu đến tháng 10/2024, Wareflex đạt ARR (doanh thu định kỳ hằng năm) 1 triệu USD/tháng. Với tốc độ “đốt” khoảng 40 ngàn USD/tháng, startup ước tính đến tháng 8/2025 sẽ đạt điểm hòa vốn.
Về cơ cấu cổ đông của Wareflex, Rajnish Sharma hiện nắm giữ 60% cổ phần; Giám đốc sản phẩm Lê Thọ và một đồng sáng lập khác, mỗi người nắm 3%; gần 25% cổ phần do 2 quỹ đầu tư mạo hiểm nắm giữ và 10% dành cho ESOP.
Có kinh nghiệm đầu tư vào các công ty cung cấp độc lập dịch vụ logistics, nhà kho, phần mềm quản lý…, Shark Tuệ Lâm tỏ ra hứng thú với một công ty cung cấp tất cả dịch vụ trên cùng một nền tảng như Wareflex. Cô cho biết có thể mang đến đối tác tại Hàn Quốc, Mỹ cho Wareflex và đưa ra đề nghị đầu tư 500 ngàn USD đổi lấy 11% cổ phần của startup.
Trong khi đó, cũng số tiền đầu tư 500 ngàn USD, Shark Hùng Anh đề nghị đổi lấy 15% cổ phần.
Có hai offer (đề nghị) nhưng định giá doanh nghiệp không đạt như kỳ vọng nên Rajnish đàm phán mức đầu tư 500 ngàn USD đổi lấy 10% cổ phần và mong muốn có cả hai Shark đồng hành.
Sau khi cân nhắc, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm đã đồng ý chốt deal 500 ngàn USD cho Wareflex đổi lấy 10% cổ phần.
Về phía các Shark còn lại, Shark Bình không đầu tư vì đang hoạt động trong cùng lĩnh vực, Shark Minh Beta từ chối thương vụ bởi chưa đủ dữ kiện đánh giá cơ hội thành công của startup. Còn Shark Louis có khẩu vị đầu tư vào doanh nghiệp có quy mô lớn nên cũng quyết định không đầu tư.
Đại diện cho Startup Ông Bụt đến Shark Tank gọi vốn là Đỗ Chí Cường – đồng sáng lập của công ty. Theo giới thiệu của Chí Cường, Ông Bụt được thành lập bởi nhóm sáng lập là Giám đốc công ty công nghệ và các giáo viên đạt giải quốc gia với tổng chi phí đầu tư khoảng 1,5 triệu USD.
Đến Shark Tank Việt Nam, Đỗ Chí Cường kêu gọi các Shark đầu tư 1 triệu USD đổi lấy 10% cổ phần, giải ngân trong 3-6 tháng và cam kết hoàn vốn trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, startup gọi vốn không thành công.