Cải cách chính sách tiền lương phải gắn với nguyên tắc thị trường
Theo các đại biểu tại Hội nghị Trung ương 7, cải cách chính sách tiền lương là việc phải làm ngay chứ không phải chờ đến năm 2021, đồng thời nhấn mạnh: nguyên tắc thị trường cũng nên coi là nguyên tắc quan trọng cải cách tiền lương.
Chiều qua (9/5), Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục thảo luận về Đề án “Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp”. Rất nhiều ý kiến đã trao đổi thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm cao về những nhiệm vụ, giải pháp mà Đề án đề ra.
Tiền lương không còn là động lực của cán bộ công chức
Có thể nói, việc cải cách chính sách tiền lương liên quan đến nhiều chính sách, ảnh hưởng đến nhiều tầng lớp nhân dân, các đối tượng trong xã hội nên đòi hỏi quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị. Mục tiêu tổng thể của Đề án cải cách tiền lương lần này là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, nhân lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế…
Chỉ ra những hạn chế, bất cập trong chính sách tiền lương của nước ta hiện nay, các đồng chí ủy viên Trung ương cũng thẳng thắn nêu lên những nguyên nhân khiến cho tiền lương không theo kịp bước tiến của xã hội. “Thực tiễn 20 năm qua cho thấy mong muốn cải cách tiền lương chúng ta không thực hiện được. Nguyên nhân chủ yếu là không thực hiện triệt để đưa các loại chi phí vào lương. Chính vì thế, lương không xác đáng và bình quân cào bằng. Thứ hai, nguồn lực có hạn, lương được điều chỉnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn thấp, không theo kịp mặt bằng thị trường. Đặc biệt quy định mặt bằng lương theo hệ số nên làm mất ý nghĩa tiền lương.”- ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận xét.
Cũng theo ông Hải, việc ban hành và quyết định phụ cấp thu nhập tăng thêm không theo nguyên tắc nào đã dẫn đến phụ cấp đặc thù, làm méo mó quan hệ tiền lương, mất đi vai trò ý nghĩa của tiền lương, nhất là tiền lương không còn là vai trò chính và là động lực của cán bộ công chức”.
Tiền lương phải tính đến yếu tố vùng miền
Đồng tình với việc phân tách riêng bảng lương chức vụ với bảng lương chuyên môn nghiệp vụ nhằm thực hiện nguyên tắc thứ bậc, nhưng một số ý kiến bày tỏ băn khoăn liệu việc làm này có dẫn đến tình trạng cán bộ công chức không tập trung phấn đấu về công vụ mà chỉ tập trung cuộc đua vào các chức vụ, từ đó làm phát sinh cuộc chạy đua trong bộ máy nhà nước. Bởi vậy, để hạn chế vấn đề này, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Ngô Đông Hải, cần thực hiện đầy đủ các chế độ đãi ngộ với cán bộ công chức để cán bộ công chức yên tâm phấn đấu theo chức nghiệp. Cùng với đó là quan tâm đến bảng lương chuyên gia với mức lương thỏa đáng để cán bộ công chức bên cạnh phấn đấu theo ngạch bậc có thể phấn đấu theo chức nghiệp suốt đời không phải chạy đua theo chức vụ.
Đánh giá Đề án có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, tuy nhiên một số đại biểu cũng lưu ý đến tính vùng miền, không cào bằng, vì đặc thù và mức độ chi phí của mỗi vùng miền khác nhau. “Sự phát triển không đồng đều giữa miền núi, đồng bằng, thành thị và nông thôn thì chi tiêu của cán bộ công chức khác nhau. Có những thành phố lớn 1 công chức phục vụ hơn 1 vạn dân. Có những tỉnh, thành phố nhỏ hơn thì một công chức chỉ vài trăm dân hoặc hơn 1 nghìn dân. Đó là khác xa nhau. Chính sách đãi ngộ đối với từng công chức, từng địa bàn phải phù hợp, đáp ứng năng lực lao động của các đồng chí bỏ ra, tránh tình trạng cào bằng các tỉnh, thành phố, vùng miền thì rất nguy hiểm”- ông Phạm Hoài Nam, Tư lệnh quân chủng Hải quân nói.
Nhấn mạnh đến mục tiêu mà Đề án đưa ra, các đại biểu cũng không khỏi lo lắng về nguồn lực để thực hiện. Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư tỉnh ủy Nghệ An, muốn có nguồn cải cách tiền lương phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa. “Sự chia sẻ của xã hội đối với khu vực dịch vụ công sẽ giảm bớt cho chúng ta gánh nặng phải chi ngân sách cải cách tiền lương. Dùng cơ chế nhất định sẽ hiệu quả. Chúng tôi thấy đây là điểm mà nếu tập trung làm mạnh sẽ có nguồn quan trọng để chúng ta cải cách tiền lương”- ông Vinh nêu ý kiến.
Cùng quan điểm này, Ông Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị việc cải cách kinh tế, cải cách thu chi ngân sách tạo nguồn cho cải cách tiền lương là việc phải làm ngay chứ không phải chờ đến năm 2021.
“Phải có quyết tâm chính trị cao, đặc biệt đối với đề án này quyết tâm chính trị không chỉ đặt vào thực hiện cải cách lương chúng ta đang bàn. Mà quyết tâm chính trị cao hơn cần đặt vào các Nghị quyết Trung ương 6 đã ban hành và Nghị quyết liên quan đến tinh giản bộ máy, xác định vị trí việc làm. Do đó, việc thực hiện các chủ trương chính sách khác sẽ có tính chất quyết định đối với thành công của đề án cải cách tiền lương”- ông Quang đề xuất.
Theo ông Quang, để cải cách chính sách tiền lương có hiệu quả thì Đề án phải tuân thủ quy luật thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong khu vực công cải cách gắn với hiệu quả làm việc và trong khu vực doanh nghiệp gắn với điều chỉnh cải thiện hợp lý năng suất lao động. “Như vậy, nguyên tắc thị trường cũng nên coi là nguyên tắc quan trọng cải cách tiền lương”- vị Phó Chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh.