Cải cách điều kiện kinh doanh có xu hướng chậm lại
VTV.vn - Những vướng mắc về điều kiện kinh doanh đang gây khó cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp.
Điều kiện kinh doanh bất cập từ quy định đến thực thi
Kiên quyết đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong các cuộc họp và chỉ đạo điều hành.
Theo báo cáo mới được công bố bởi Economist Intelligence Unit, Việt Nam đã tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, dư địa để cải cách vẫn còn rất nhiều.
Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, cải cách về môi trường kinh doanh, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh đang có xu hướng chậm lại. Điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đi kèm vẫn là trở ngại lớn với doanh nghiệp.
Chi phí cấp phép kinh doanh có điều kiện không vượt quy định, thời gian làm thủ tục không kéo dài… Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với những điều này trong năm 2022 đều chưa tới 1/3 và sụt giảm so với năm 2021, theo kết quả khảo sát PCI.
Không chỉ doanh nghiệp, mà trong tháng 6 vừa qua, 12 Bộ, ngành và 38 địa phương đã gửi phản hồi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chia sẻ về những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện các quy định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Điều kiện kinh doanh bất cập
Có thể thấy, những vướng mắc về điều kiện kinh doanh đang gây khó cho cả cơ quan thực thi và doanh nghiệp.
Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, có những điều kiện kinh doanh ngay từ khi ban hành đã không phù hợp với thực tế. Tuy nhiên việc sửa đổi lại bị kéo dài, khiến các doanh nghiệp bỗng trở thành kinh doanh không theo quy định.
"Các sản phẩm thực phẩm nào có dùng muối thì phải bổ sung iốt. Cái này chúng tôi đã phản ánh trong điều kiện cách đây 5 năm. Chính phủ thấy việc này chúng tôi kiến nghị đúng nên đã ban hành nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế phải sửa chữa. Tuy nhiên tới giờ này, chúng tôi vẫn bị treo ở đó", bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cho biết.
Một số quy định phù hợp khi ban hành, nhưng quá trình thực thi lại làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu.
"Có những việc đã rất rõ ràng, nhưng cán bộ hoặc đơn vị thực thi vẫn đòi hỏi thêm những giấy tờ nọ, giấy tờ kia, từ các cơ quan nhà nước hoặc thậm chí từ cơ quan thẩm quyền của các nước. Do đó quá trình xuất khẩu của chúng tôi đáng nhẽ chỉ xảy ra trong vài ngày là một lô hàng có thể đi, nhưng nó lại kéo dài cả tháng trời", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho hay.
7 hiệp hội doanh nghiệp trong nước mới đây cũng đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng và các bộ, ngành báo cáo về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy chữa cháy.
"Các doanh nghiệp đã hoàn thành nhà máy, tuyển xong nhân viên, sẵn sàng để sản xuất được ngay. Thế nhưng hiện nay do vướng giấy phép về phòng cháy chữa cháy, mọi thứ bị ngừng trệ lại, gây tổn thất cho doanh nghiệp", ông Susumu Yoshida, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, thông tin.
Thời gian qua, số lượng điều kiện kinh doanh có giảm, nhưng còn mang tính hình thức. Bởi số khoản, số mục giảm, nhưng trong mỗi điều kiện lại thường dẫn chiếu sang các văn bản hoặc các quy chuẩn kỹ thuật khác, làm chậm lại tiến tình trình cải cách. Nguyên nhân có cả khách quan và cả và chủ quan.
"Ở giai đoạn trước, từ 2016 - 2019, chúng ta cũng đã cắt giảm được khoảng 50% các điều kiện đầu tư kinh doanh. Một số bộ, ngành, địa phương cũng có suy nghĩ cho rằng đó là đã giảm đáng kể và chúng ta có thể hài lòng. Nhưng trong thực tiễn, chúng ta luôn phát sinh mới, đặc biệt những việc phát sinh sau COVID-19, hay có những ngành nghề phát sinh mới", ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết.
Tháo bỏ rào cản về điều kiện kinh doanh
Làm thế nào để các quy định từ khâu xây dựng ban hành tới thực thi đều đạt hiệu quả về quản lý mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh? Rõ ràng, cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng chịu tác động trực tiếp của các văn bản pháp luật là đối tượng hiểu rõ hơn ai hết. Họ chính là người có vai trò và tiếng nói quan trọng trong quá trình góp ý và giám sát xây dựng chính sách.
"Một sở chuyên ngành có thể đưa ra những quy định, thủ tục hành chính. Cchính cái đó là rào cản pháp lý dẫn đến việc đăng ký kinh doanh hoặc hoạt động kinh doanh mất thêm nhiều thời gian. Chúng tôi cho rằng cái này cần phải rà soát, ai được ban hành", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nêu quan điểm.
"Ở Nhật Bản, chúng tôi thường thành lập ra một ban cố vấn. Ban này có sự tham gia của các học giả, các nhà nghiên cứu và các doanh nghiệp để họ đưa ra ý kiến trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật", ông Susumu Yoshida, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cho hay.
"Cần có sự tham gia vào cuộc của rất nhiều bên, trong đó cần có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục và tạo áp lực từ Chính phủ, cụ thể là Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo áp lực cũng như có những chỉ đạo mạnh mẽ trong việc cải cách này. Người đứng đầu các bộ, ngành sẽ có vai trò quyết định trong việc tạo ra áp lực cũng như động lực để anh em soạn thảo văn bản theo hướng hỗ trợ, khuyến khích tuân thủ pháp luật", bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thời gian tới sẽ nghiên cứu báo cáo Chính phủ ban hành một Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó quy định rất rõ các chỉ tiêu cần phấn đấu dựa theo đánh giá của các tổ chức quốc tế.