Cải cách hải quan: 'Bước đệm' giúp doanh nghiệp hội nhập
Những kết quả bước đầu của việc thực hiện quyết liệt Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ là minh chứng rõ ràng cho những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, nỗ lực của ngành Tài chính trong thực hiện cải cách Hải quan được nhận định sẽ vạch ra được lộ trình rõ ràng để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu hội nhập của doanh nghiệp.
99,56% doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử
Trên cơ sở yêu cầu của Nghị quyết 19/NQ-CP, Bộ Tài chính đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp về hải quan theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điển hình là Luật Hải quan năm 2014 đã được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Ngay sau khi Luật được thông qua, Tổng cục Hải Quan đã chủ động triển khai thi hành nhằm hoàn thiện chính sách. Việc thông qua Luật Hải quan năm 2014 và ban hành các Nghị định quy định chi tiết, các Thông tư hướng dẫn thi hành đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục, hiện đại hóa quản lý hải quan.
Theo đó, phương thức thực hiện thủ tục hải quan truyền thống, bán điện tử đã được chuyển sang phương thức điện tử. Đến nay, 100% các quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc. 60,4 nghìn doanh nghiệp (chiếm 99,56%) tham gia thực hiện thủ tục hải quan điện tử; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 285,6 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai thanh toán điện tử (E-payment) trên cơ sở kết nối hệ thống công nghệ thông tin hải quan với các hệ thống công nghệ thông tin của Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại (đến nay đã phối hợp thu với 25 ngân hàng, chiếm 75% số thu ngân sách); Tiếp nhận 100% hồ sơ điện tử tàu biển (E-Manifest) và thông quan điện tử đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh tại các cảng biển quốc tế lớn.
Đồng thời, ngành Tài chính đã triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 Bộ, Ngành và đã có 20.591 hồ sơ xử lý qua cổng thông tin này. Qua đó, doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10-20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đã kết nối kỹ thuật Cơ chế hải quan một cửa ASEAN với một số nước trong khu vực ngày 8/9/2015; thực hiện trao đổi C/O mẫu D với Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ triển khai địa điểm kiểm tra chuyên ngành đầu tiên trên cả nước tại khu vực Hải Phòng được hứa hẹn sẽ giúp giảm từ 2 ngày xuống còn 1 ngày thời gian chuyển đăng ký cho hải quan, giảm từ 10-15 ngày thời gian lấy mẫu và trả kết quả kiểm tra chuyên ngành...
Đẩy mạnh cải cách hải quan hiện đại, hiệu quả
Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan nói riêng và Bộ Tài chính nói chung sẽ nâng cao hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát thông quan chuyên ngành cũng như giám sát cán bộ công chức hải quan để có thể tiếp tục cải thiện hơn nữa thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát và hoàn thiện thông quan điện tử.
Chia sẻ tại Hội thảo Công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015, ôngVũ Ngọc Anh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Hải quan cho biết,trong năm 2016, Tổng Cục Hải quan sẽ chú trọng thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm đó là: Thứ nhất,tiếp tục hoàn thiện hệ thống kiểm tra chuyên ngành. Thứ 2,tiếp tục hoàn thiện thông quan điện tử.Thứ 3, xây dựng đạo đức công chức.Thứ 4,tăng cường quan hệ, đối thoại hải quan, doanh nghiệp trong khâu giám sát và thức hiện chính sách để xây dựng chính sách phù hợp đối với doanh nghiệp. Hiện nay Tổng Cục Hải quan cũng đã xây dựng dự án về điều này.
Theo đó, ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh triển khai cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan; quản lý, vận hành hiệu quả hệ thống Hải quan điện tử (VNACCS/VCIS); tiếp tục thực hiện phương thức quản lý rủi ro trên cơ sở phân loại doanh nghiệp, phân loại người khai hải quan. Đầu tư trang thiết bị và nhân lực tương xứng với nhiệm vụ quản lý. Huy động xã hội hóa nguồn nhân lực đặc biệt là các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin...
Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nêu cao tình thần phục vụ doanh nghiệp, người dân. Từ đó, xây dựng hình ảnh cán bộ hải quan hiện đại, chuyên nghiệp, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được tăng cường, mở rộng phối hợp với các tổ chức, hiệp hội ngành nghề trong việc tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo... nhằm đưa cơ chế, chính sách pháp luật về hải quan đến với người dân và doanh nghiệp; nắm bắt và giải đáp kịp thời các vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách về hải quan.