Cải cách hành chính bắt đầu từ con người
ĐBP - Trong cải cách hành chính (CCHC), vấn đề cốt lõi phải cải cách con người; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính đủ đức, đủ tài để phục vụ người dân. Thực tế đã được chứng minh trên địa bàn tỉnh, ở những cơ quan, địa phương nào có đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực và đạo đức tốt thì kết quả công tác CCHC luôn được đánh giá, xếp hạng cao và ngược lại. Hiện nay, tại một số địa phương, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu so với thực tiễn. Bởi vậy, để hướng đến xây dựng nền hành chính 'phục vụ nhân dân', thì trước tiên phải cải cách chính những 'công bộc' của dân.
Cán bộ bộ phận “Một cửa” huyện Tủa Chùa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Mới đây, UBND tỉnh đã công bố kết quả chỉ số CCHC năm 2021 đối với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh thì Sở Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng với 92,62 điểm; Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị có số điểm thấp nhất 65,84%. Đối với cấp huyện, huyện Điện Biên đứng đầu với 82,97% và đơn vị đạt tỷ lệ điểm trung bình thấp nhất là huyện Tủa Chùa 71,49%.
Số điểm chỉ số CCHC thể hiện được các nội dung, việc làm các đơn vị, địa phương thực hiện, như: Công tác chỉ đạo điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số...
Có nhiều lý do, trong đó có cả khách quan lẫn chủ quan được các cơ quan, đơn vị xếp hạng thấp đưa ra, trong đó có yếu tố con người. Điển hình tại huyện Tủa Chùa. Nếu như năm 2020, huyện Tủa Chùa xếp thứ 3 bảng xếp hạng CCHC thì năm 2021 tụt 7 bậc, xếp thứ 10/10 huyện, thị, thành phố. Trong đó, nhiều tiêu chí đạt điểm thấp nhất trong số các địa phương, như: Lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (đạt 85,11%); cải cách thủ tục hành chính (đạt 67,65%); tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội (74,38%). Đặc biệt, trong lĩnh vực cải cách chế độ công vụ, huyện Tủa Chùa vẫn có tiêu chí đạt tỉ lệ điểm trung bình thấp như tỷ lệ đạt chuẩn của cán bộ cấp xã 0 điểm do có trường hợp cán bộ cấp xã chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Điều này cho thấy người dân và doanh nghiệp chưa thực sự hài lòng về chất lượng hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Bà Hoàng Tuyết Ban, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa thừa nhận, nguyên nhân chỉ số CCHC năm 2021 huyện giảm là do thời gian qua huyện chưa thực sự quyết liệt chỉ đạo nhiệm vụ CCHC và còn chủ quan trong việc duy trì kết quả chỉ số CCHC. Bởi theo bà Ban, những năm trước đây huyện luôn đứng vị trí giữa hoặc nhóm đầu bảng xếp hạng, vì vậy chủ quan nghĩ mọi việc vẫn sẽ thực hiện theo đà như những năm trước. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ còn chậm trễ; chưa nhìn nhận, đánh giá được thực chất công tác CCHC của đơn vị mình. Đặc biệt, sự thay đổi đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Phòng Nội vụ và bộ phận “Một cửa” huyện đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì kết quả thực hiện CCHC.
Khác với Tủa Chùa, những năm trước (2019 và 2020) huyện Mường Nhé luôn xếp cuối bảng xếp hạng. Nguyên nhân chủ yếu do các cơ quan, đơn vị được giao đầu mối trong công tác theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn đối với các tiêu chí, tiêu chí thành phần xác định chỉ số CCHC của huyện chưa thật sự quan tâm đến công tác CCHC. Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị và người dân chưa đầy đủ. Chất lượng, năng lực chuyên môn của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức xã; ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, ý thức phục vụ nhân dân chưa cao. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện tốt, dẫn đến việc thực hiện các nhiệm vụ còn chậm trễ.
Xác định được nguyên nhân chủ yếu do đội ngũ làm công tác CCHC chưa đủ năng lực, phong cách làm việc dẫn đến kết quả hạn chế, nên huyện Mường Nhé đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Theo bà Nguyễn Thị Yến, Phó phòng Nội vụ huyện Mường Nhé, huyện đã ban hành kế hoạch cải thiện, nâng cao vị trí thứ bậc xếp hạng chỉ số CCHC cấp huyện. Trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong CCHC, tổ chức thực hiện đồng bộ các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách bộ máy hành chính Nhà nước; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số... Quán triệt và nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, chuyển từ tư duy “cho phép”, “cấp phép” sang tư duy “phục vụ”. Đồng thời kiên quyết xử lý, thay thế những người có hành vi tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Huyện đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bình xét thi đua, khen thưởng... Nhờ đó, từ vị trí xếp cuối bảng xếp hạng CCHC năm 2020 với điểm số 56,17%, năm 2021 huyện Mường Nhé vươn lên xếp thứ 5/10 huyện, thị, thành phố với 81,91 điểm.
Để CCHC đạt hiệu quả cao hơn, chỉ số CCHC được nâng cao, các cơ quan đơn vị cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, cùng với các giải pháp thật đồng bộ. Yếu tố con người cần phải được chú trọng để tạo bước đột phá trong công tác này. Trước hết, các cấp ủy tập trung lãnh đạo rà soát lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trong đó chú ý tiêu chuẩn chức danh cán bộ, không được thấp hơn quy định của trung ương, của tỉnh. Qua đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ CCHC.
Một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cách nhìn, đánh giá của người dân, doanh nghiệp về những “công bộc” của dân đó là tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ thực thi công vụ. Chính vì thế, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ cần được tiếp tục thực hiện và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Trong đó, cần đánh giá đúng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đặc biệt là các trường hợp chậm trễ, nhũng nhiễu, gây phiền hà và có thái độ hách dịch khi giải quyết các công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.