Cải cách hành chính còn hạn chế
Theo kết quả kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác cải cách hành chính trong tỉnh còn nhiều hạn chế.
>>> Kiểm tra, giám sát thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, quan trọng
>>> Tích cực tham gia nhiều ý kiến bổ ích, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề (*)
>>> Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
>>> Công khai, minh bạch khi xây dựng quy hoạch
>>> Xử lý nghiêm các trường hợp giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch
Tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã báo cáo kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công tác cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 17 - NQ/TW, ngày 1.8.2007 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết 30c/NQ - CP ngày 8.11.2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020.
Tinh giản biên chế chủ yếu ở người nghỉ chế độ
Đoàn kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kiểm tra trực tiếp đối với Ban Thường vụ Huyện ủy các huyện: Thanh Hà, Thanh Miện, Bình Giang; giám đốc các Sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; Chánh Văn phòng UBND tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy cùng với những ưu điểm, công tác cải cách hành chính còn hạn chế.
Đối với Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, một số văn bản quy phạm pháp luật ban hành còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ; thể thức văn bản chưa phù hợp với quy định, có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng một số cán bộ, công chức liên quan đến xây dựng thể chế, thực thi thể chế còn hạn chế. Tiến độ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu.
Số lượng hồ sơ TTHC được giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 còn ít; số lượng TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 4 còn thấp. Việc cập nhật hồ sơ giải quyết TTHC ở một số địa phương lên phần mềm một cửa chưa đầy đủ. Việc niêm yết công khai nội dung TTHC, thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị còn mang tính hình thức; việc đưa thủ tục ngành dọc quản lý ra thực hiện tại bộ phận "một cửa" cấp xã chưa kịp thời theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Việc thực hiện tinh giản biên chế chủ yếu thực hiện ở đối tượng nghỉ chế độ mà chưa thực hiện tinh giản được người không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Còn một số công chức, viên chức chưa được đào tạo về lý luận chính trị. Việc bố trí cán bộ có vị trí việc làm chưa phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Một số phòng, ban cấp huyện còn bố trí cán bộ hợp đồng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính, áp dụng phần mềm quản lý văn bản điều hành tại cấp xã chưa thực sự hiệu quả. Nhiều địa phương đã thành lập trang web nhưng việc đưa vào khai thác, sử dụng chưa nhiều, đưa thông tin chậm. Trang thiết bị tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, qua kiểm tra cho thấy công tác tham mưu xây dựng, đề xuất những sáng kiến, giải pháp để nâng cao hơn nữa Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh chưa nhiều, chưa tạo bước đột phá. Tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ở một số cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu, còn tình trạng giải quyết hồ sơ quá hạn, phải xin lỗi công dân.Công tác kiểm tra việc thực hiện cải cách hành chính ở một số đơn vị còn chưa thường xuyên, nội dung chưa sâu sát. Công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản trên hệ thống phẩn mềm điện tử có thời điểm chưa kịp thời. Công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng hành chính trong thực thi công vụ cho cán bộ, công chức còn hạn chế.
Xử lý nghiêm các trường hợp gây phiền hà, sách nhiễu
Chỉ rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của các hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh giao cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND tỉnh xây dựng giải pháp nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện, đổi mới, nâng cao hiệu quả, hoạt động của Trung tâm hành chính công tỉnh, bộ phận "một cửa" cấp huyện, cấp xã. Nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; xây dựng quy định đánh giá kết quả thực hiện quy trình, thủ tục hành chính của từng phòng, ban, đơn vị, cơ quan. Nếu có điểm nghẽn liên quan đến cán bộ thì gợi ý kiểm điểm, không khắc phục thì thực hiện các giải pháp về công tác cán bộ.
Các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc triển khai và xây dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp về thực hiện cải cách hành chính trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Gắn việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính hằng năm với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm chính về kết quả thực hiện nhiệm vụ và xếp loại cải cách hành chính hằng năm. Lấy tiêu chỉ sự hài lòng của tổ chức, công dân là thước đo đánh giá cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính đối với các đơn vị trực thuộc; xem xét, xử lý nghiêm những đơn vị, địa phương, cá nhân gây phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức và công dân...
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất sáng kiến, giải pháp để nâng cao hơn nữa Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh. Tập trung tuyên truyền, quán triệt công tác cải cách hành chính, chú trọng thông tin tuyên truyền tiện ích việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ và xếp loại cải cách hành chính hằng năm. Kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng giải quyết công việc theo hướng “rõ người”, “rõ việc”...
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh-con-han-che-192948