Cải cách hành chính là giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai
Đầu tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), chỉ số hài lòng của người dân; khen thưởng phong trào thi đua cải cách hành chính năm 2022; triển khai kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số quản trị hành chính công năm 2023.
Cải cách hành chính là một tiến trình phức tạp và không tránh khỏi những trở ngại, thậm chí là kháng cự, từ phía các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, ở tất cả các quốc gia, tiến trình cải cách hành chính, một mặt được định hướng thống nhất bởi một định chế cụ thể; mặt khác, cần huy động sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan nhằm hướng đến sự thấu hiểu và đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Ở Việt Nam, chương trình CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2030 được hoạch định theo hướng toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Để thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng, đã và đang triển khai hiệu quả đến từng địa phương.
Theo kết quả tỉnh Lào Cai đánh giá bộ chỉ số theo Quyết định số 766/QĐ-TTG ngày 23/6/2022 phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử đến ngày 12/12/2022, theo Biểu tổng hợp 5 Chỉ số trên cả nước, tỉnh Lào Cai đứng thứ 7, với tổng số điểm đạt 60,776/100 điểm.
Chỉ số CCHC năm 2022 được tổ chức đánh giá đối với 20 sở, ban, ngành thuộc tỉnh (cấp sở) và 9 huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện), căn cứ vào các tiêu chí gồm: Công tác Chỉ đạo, điều hành CCHC; cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; biện pháp cải thiện chỉ số CCHC; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức.
Năm 2022, việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện đối với 27 đơn vị hành chính cấp xã và 9 đơn vị hành chính cấp huyện của 9 huyện, thị xã, thành phố. Tổ chức điều tra được thực hiện trên các lĩnh vực gồm: Chứng thực, cấp giấy khai sinh, cấp giấy đăng ký kết hôn, giấy đăng ký kinh doanh, đất đai và cấp giấy phép xây dựng.
Qua việc đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước tại các địa phương trong tỉnh, cơ quan hành chính nhà nước nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ công nhằm nâng cao sự hài lòng và lợi ích của người dân, tổ chức.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt về công tác CCHC của tỉnh. Qua đó, đã góp phần từng bước nâng cao hiệu quả CCHC, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm. Đến thời điểm hiện nay, tổng số TTHC 3 cấp tỉnh, huyện, xã là 1.972 thủ tục. Đã thực hiện phê duyệt danh mục 929 TTHC cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Cả năm đã có 50.000 lượt hồ sơ thực hiện cắt giảm thời gian, tiết kiệm cho người dân, doanh nghiệp được khoảng 60 tỷ đồng. Đã thực hiện tích hợp 1.374/1.761 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 78%. Tỷ lệ cung cấp dịch công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 1.761 dịch vụ/1.972 TTHC, đạt 89%.
Đánh giá chung, ông Trịnh Xuân Trường, Phó bí tư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số CCHC của tỉnh được duy trì thứ hạng cao so với mặt bằng chung của cả nước (năm 2021: xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố), góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tại sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Phải coi CCHC là nguồn lực phát triển, thước đo cho việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phải gắn với hoạt động chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, đồng hành từ công tác chỉ đạo điều hành đến hạ tầng; tăng cường tinh thần đồng hành giữa các cấp tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố cùng gánh vác, chia sẻ những khó khăn với cấp dưới; tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo điều hành từ trên xuống dưới..
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu, năm 2023 các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ CCHC nhà nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là một trong những giải pháp quan trọng, đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong việc trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác CCHC và cần quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ngành, các cấp. Nâng cao chất lượng công tác xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tiếp tục rà soát, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC, nhất là các thủ tục có tần suất thực hiện giao dịch lớn (lĩnh vực đất đai, tài nguyên, xây dựng, đầu tư, tài chính công...). Tập trung triển khai số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ trực tuyến, nhất là các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tốt các nhiệm vụ theo Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công (Quyết định số 766/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Thực hiện chuyển đổi số có trọng tâm trọng điểm; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối, chia sẻ các nền tảng số, cơ sở dữ liệu một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Các cơ quan, đơn vị chuyên ngành cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp phần mềm Igate, Ioffice của tỉnh theo hướng kết hợp và có sự kết nối cổng dịch vụ công quốc gia; Quy hoạch về dữ liệu, mạng chuyên dùng; Duy trì Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp…
Năm 2023 Lào Cai phấn đấu cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX); cải thiện và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); duy trì và cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 để Lào Cai lọt TOP 10 tỉnh, thành phố đứng đầu trong cả nước.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/