Cải cách hành chính và tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước

Quan tâm đến các quy định về đầu tư trong dự án 1 luật sửa 4 luật, các ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ cho rằng, việc sửa đổi phải tiến hành kịp thời để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Đồng thời, cần cải cách hành chính và tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã nêu rõ, việc ban hành Luật Đầu tư năm 2020 đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh, đồng thời cắt giảm một số ngành, nghề không cần thiết, bất hợp lý nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện; hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trên cơ sở đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu

Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư trong thực tiễn đã có một số vướng mắc, khó khăn cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tinh thần cải cách hành chính và tăng cường phân cấp, phân quyền, một số nội dung cần đưa ra gồm: thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án đầu tư xây dựng mới: bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt; dự án thuộc phạm vi bảo vệ của di tích…Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, cần có một số cơ chế, chính sách mới: về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư; về việc thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt.

Đối với vấn đề thủ tục đầu tư đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư tại phiên họp tổ, đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng nêu rõ, hiện nay cơ quan soạn thảo trình phương án tại khoản 3 Điều 38 về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư. Đại biểu cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới đã hình thành quỹ này và tại Việt Nam cũng có sự hiện diện của nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, bất động sản, du lịch, dịch vụ. Do đó, việc đề xuất thêm một quỹ hỗ trợ cho việc đầu tư vào những ngành nghề cần có sự khuyến khích của nhà nước vào thời điểm này là rất đúng và trúng. Đại biểu cũng chỉ ra thực tiễn, trong thời gian vừa qua, nhiều đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước để tránh rủi ro trong việc nghiên cứu.

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Khẳng định việc thành lập quỹ này sẽ khơi dậy tinh thần và khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, đại biểu góp ý về mô hình hoạt động của quỹ với một số lưu ý sau:

Thứ nhất, trong dự thảo luật có ghi quỹ này gồm hai nguồn, nguồn từ các doanh nghiệp- gọi là thu từ các doanh nghiệp chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác. Tuy nhiên, để quỹ này lớn mạnh, ổn định và hỗ trợ mạnh mẽ cho các dự án, đặc biệt là các lĩnh vực cần nguồn lực rất lớn như vị mạch bán dẫn, thì cần phải có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về nguồn vốn ngân sách nhà nước đối với Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó, tỉ lệ của ngân sách nhà nước chiếm bao nhiêu phần trăm trong quỹ này do Chính phủ quyết định và bổ sung hằng năm.

Thứ hai, có thể cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư quy mô cấp địa phương như một nguồn lực vệ tinh bên cạnh quỹ quốc gia. Việc hình thành quỹ này tùy vào nguồn lực của địa phương trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa. Khi luật đã có hiệu lực, các quy định của Chính phủ về quỹ này cùng các quy định của luật sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho địa phương tiến hành thành lập quỹ.

Thứ ba, trong quỹ này cần phải có cơ chế hỗ trợ, cơ chế bồi hoàn và thậm chí phải có cơ chế cho đầu tư bảo hiểm và chấp nhận rủi ro. Co như vậy mới khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực mới, những lĩnh vực khó.

Đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Cũng tham gia ý kiến về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư trong dự án 1 luật sửa 4 luật, đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho biết, tại khoản 7, Điều 2 của luật Dự thảo luật có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt. Tuy nhiên do chính sách miễn các thủ tục đầu tư về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy áp dụng cho đối tượng này có tính chất mới và đột phá, nên nhà đầu tư được áp dụng trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ được giảm đáng kể chi phí tuân thủ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về đối tượng được áp dụng trình tự thủ tục đầu tư đặc biệt. Cân nhắc thêm các quy định về một số dự án thực sự đặc thù, đặc biệt, có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế lớn, có mức độ cạnh tranh cao thì cần được thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư; đồng thời, giao Chính phủ quy định về các tiêu chí và quy mô đầu tư.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng để việc sửa đổi các quy định đầu tư phải thống nhất và phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung quy định tương ứng để sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Hoan nghênh việc sửa đổi một số nội dung của Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre cho rằng các quy định được sửa đổi thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Đại biểu cũng chỉ rõ, đối với những dự án lớn, có tác động lan tỏa thì nên áp dụng một cơ chế, một quy trình, thủ tục đầu tư thật nhanh, gọn. Đồng thời, việc phân cấp cho địa phương đối với các dự án xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất là rất phù hợp.

Đại biểu Lê Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Đại biểu Lê Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Tham gia thảo luận tại phiên họp tổ, đại biểu Lê Mạnh Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nêu rõ, đối với Luật Đầu tư, dự án 1 luật sửa 4 luật có quy định: "Nhà đầu tư không thực hiện đúng nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng tiếp tục vi phạm, trừ trường hợp không thực hiện đúng tiến độ tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư". Đại biểu cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư. Nếu quy định như vậy, bất cứ một vi phạm nào trong các nội dung của giấy chứng nhận đầu tư và văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ đều bị dừng, điều này chưa phù hợp với thực tế.

Đại biểu kiến nghị sửa đổi theo hướng: "Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chỉ ra quyết định ngừng hoặc ngừng một phần hoạt động của dự án đầu tư nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng các nội dung chấp thuận đầu tư dẫn đến thay đổi mục tiêu, quy mô dự án, đánh giá tác động môi trường và không phù hợp với quy hoạch". Còn các nội dung khác sẽ cần có sự linh động vì trong thực tế khi triển khai một dự án đầu tư từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư cho đến lúc triển khai đầu tư là một khoảng thời gian rất dài, có rất nhiều thay đổi. Do đó, luật không nên quy định cứng nhắc vấn đề này.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=90627