Cải cách Luật Công chứng để ngăn ngừa công ty 'ma'

Đây là nội dung tham vấn, phản biện được góp ý tại Hội thảo khoa học với chủ đề 'Xác thực thông tin doanh nghiệp tại Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia' vừa diễn ra tại TPHCM.

TS Phan Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Luật quốc tế thuộc Trường Đại học Luật TPHCM đóng góp ý kiến.

TS Phan Hoài Nam - Phó trưởng Khoa Luật quốc tế thuộc Trường Đại học Luật TPHCM đóng góp ý kiến.

Theo GS.TS Đỗ Văn Đại - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM, hiện nay một số thông tin doanh nghiệp (DN) ở Việt Nam đã có cơ chế đảm bảo tính xác thực mặc dù không cần có sự tham gia của công chứng. Cụ thể, những thông tin được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư hay thông tin được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký DN (các giấy chứng nhận này do cơ quan nhà nước cấp mà không có sự tham gia của công chứng).

Vì vậy, GS.TS Đỗ Văn Đại cho rằng, nếu bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin DN trong Luật và đặc biệt là trong Luật Công chứng đang được sửa đổi, thì cần lưu ý về chính sách hướng tới hạn chế công ty "ma”.

Các đề xuất về luật hóa công chứng thông tin DN có giúp hạn chế được công ty "ma" hay không cần được bàn luận, trao đổi thêm. Bên cạnh đó, xây dựng pháp luật là phục vụ cho đất nước, cho xã hội phát triển, vì vậy cần thiết phải loại bỏ yếu tố lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, nếu luật hóa công chứng thông tin DN, cần xác định thông tin nào cần phải công chứng. Đối với thông tin phải công chứng, cũng cần bàn tới hệ quả của việc thông tin không được công chứng.

Công chứng viên Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền chia sẻ, hiện nay công chứng Điều lệ chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nên nếu người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu thì thủ tục công chứng có nhiều đặc thù và chưa có sẵn để công chứng viên và người yêu cầu công chứng thực hiện. Vì vậy, khi tiến hành sửa đổi bổ sung các luật trên nội dung “Điều lệ công ty được công chứng” nên được bổ sung.

Từ thực tiễn xét xử, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung - Phó Chánh án TAND TPHCM cũng cho biết, các vụ án về tranh chấp kinh doanh thương mại và vụ án hình sự liên quan đến tội phạm kinh tế gia tăng sau đại dịch Covid 19 dẫn đến thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về uy tín Việt Nam trên thương trường thế giới.

Từ đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Dung góp ý, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần tăng cường tính xác thực, minh bạch của DN và cần có trình tự thủ tục cho cơ quan công chứng để dễ dàng thực hiện.

Phân tích giữa quy định hiện hành của Việt Nam và kinh nghiệm các quốc gia, TS Phan Hoài Nam - Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế thuộc Trường Đại học Luật TPHCM kiến nghị, nên bổ sung quy định yêu cầu công chứng bắt buộc đối với hồ sơ DN và cho phép công chứng điện tử với một số hồ sơ DN nhằm một mặt vẫn đảm bảo tính xác thực hồ sơ, nhưng mặt khác vẫn đảm bảo xu hướng số hóa thủ tục hành chính hiện nay.

H.PHÚC

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cai-cach-luat-cong-chung-de-ngan-ngua-cong-ty-ma-10290129.html